Lời giải nào cho bài toán quy hoạch kiến trúc nông thôn

|

Trong cơn lốc đô thị hóa, kiến trúc nông thôn đang khó nhận diện, trở nên méo mó, lộn xộn. Giá trị truyền thống đang mất đi, giá trị mới chưa được khẳng định nhưng đã ào ạt xô bồ lấn át làm cho kiến trúc nông thôn nhiều nơi lai căng, hổ lốn. Không có ai quản lý hình thái kiến trúc, bây giờ làng trở nên chắp vá, méo mó đến dị hợm.

Nhà Pháp, nhà Nhật, nhà Thái, nhà Ả Rập, nhà chia lô, nhà biệt thự, nhà mái ngói, nhà mái tôn... trộn lẫn vào nhau. Nhận diện bức tranh kiến trúc nông thôn và cùng đi tìm một mẫu hình bản sắc nông thôn thuần Việt là nội dung chính của tiêu điểm tháng 9.

Muôn kiểu cóp nhặt, bắt chước lộn xộn

Nhà ống, nhà phân lô, nhà dở tây dở ta... đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nông thôn, xâm lấn, làm mất dần những ngôi nhà truyền thống. Ao làng bị lấp, những lũy tre và rặng duối, khóm dâm bụt đã thay bằng hàng rào bê-tông, gốc đa, bến nước cũng dần biến mất - cảnh quan nông thôn Việt Nam đang diễn ra cuộc biến động chưa từng thấy với nhiều xót xa nuối tiếc...

“Sự cắt đứt phũ phàng với quá khứ”

Tôi đến làng Đình Bảng - một ngôi làng truyền thống điển hình của xứ Kinh Bắc, thuộc huyện Từ Sơn mà cảm giác như đang ở một con phố ở Hà Nội. Những ngôi nhà mái ngói âm dương thâm nâu nhuốm màu hoài cổ giờ đã thay bằng nhà ống bê-tông cao tầng, phía trên lợp mái tôn đủ mầu tạo ra sự lạc lõng, trơ trọi giữa không gian của mái đình cong vút và mái chùa khiêm nhường sau những tán cây xanh.

Làng Đình Bảng ngày nào giờ đã lên phố và kéo theo cơn lốc đô thị hóa. San sát những ngôi nhà bê-tông, lấn át, chèn ép các ngôi nhà ngói truyền thống cũ còn sót lại. Đường làng xưa nay chăng đầy dây điện, đủ loại quảng cáo từ khoan cắt bê-tông tới cho vay nóng dán kín các bức tường... Phường Đình Bảng giờ đây chẳng hẳn là phố thị nhưng cũng chẳng phải quê mùa, kiến trúc pha tạp đủ kiểu.

Đó cũng là tình trạng xảy ra ở nhiều làng quê Bắc Bộ. Cách đây hơn 10 năm, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thống kê có 70% dân số có nhà một tầng mái ngói và vườn bao quanh với diện tích đất bình quân 255 m2/hộ, nhưng giờ đây cơn lốc đô thị hóa đã làm thay đổi tất cả. Sự đảo ngược nhanh đến ngỡ ngàng: 70% là nhà tầng, nhà cấp bốn, mái tôn, mái ngói chỉ chiếm 30%.

Diện tích đất bình quân mỗi gia đình đã giảm đi rất nhiều khi dân số tăng nhanh, đất phải chia năm xẻ bảy. Đất chật, người đông nên kiến trúc nhà cửa cũng thay đổi. Rất ít những ngôi nhà ngói cấp bốn tọa lạc trong những mảnh vườn rộng mướt cây xanh, thay vào đó là nhà chữ L, nhà ống cao tầng. Nhà ống như những hộp container dựng cạnh nhau san sát trông khô khốc, vô hồn.

Nhưng vẫn chưa “gây sốc” bằng những căn biệt thự lạ lẫm mới mọc lên. Tôi nhìn thấy ngôi biệt thự có mái vòm giống điện Kremlin ở Nga nhưng thân lại kiểu kiến trúc Ba Tư còn cái cổng lại bê nguyên xi cổng làng cổ, hai bên có hai câu đối chữ nho và đi vào trong mái hiên lợp bằng rơm rạ. Một thứ kiến trúc hổ lốn, vay mượn nửa tây nửa ta, nửa hiện đại nửa quê mùa trông như một khối dị dạng giữa làng quê thuần nông.

Dễ dàng bắt gặp nhiều biệt thự lai căng như vậy, hoàn toàn không ăn nhập với không gian làng quê vốn bao đời nay coi trọng sự hài hòa, đối xứng. Một ngôi biệt thự to đùng, mái vòm hoàn toàn dị biệt khi đặt bên cạnh cây đa giếng nước, mái đình.

KTS Nguyễn Trần Đức Anh nhận định: “Kiến trúc mới ở nông thôn hiện tại là một sự tạp nham ô hợp của các kiểu kiến trúc lai căng, nửa mùa mà người dân cóp nhặt, bắt chước. Kiến trúc nhà nông thôn bây giờ cũng bị cắt đứt phũ phàng với những yếu tố quan trọng trong quá khứ để tạo nên vẻ đẹp làng quê như sân, vườn, ao, cây cối, hàng rào xanh...”.

“Sự cắt đứt phũ phàng” đó tôi đã chứng kiến ở quê mình - một ngôi làng truyền thống ở miền trung du xứ Nghệ. Trước đây làng rợp những hàng rào xanh tự nhiên được uốn lượn từ những cây dâm bụt, rặng duối, tre, trúc đan xen. Bây giờ, những dòng xanh đó đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho hàng rào gạch, bê-tông, có những nhà còn chăng cả thép gai và mảnh chai lên trông đến nhức mắt. Hai bên đường làng trước đây xanh mướt bởi những hàng cây tự nhiên, mà người ta có thể thong dong bước đi, trẻ có thể chơi trốn tìm, đuổi bắt nhau vào những đêm hè trăng sáng, đom đóm bay lập lòe.

Giờ đây, cả đường và hàng rào đều bê-tông hóa. Đi trên con đường đó không thể chậm rãi được nữa, trẻ con không thể chơi đùa trong không gian chẳng còn cái rậm rạp của cành lá, đom đóm cũng đã biến mất, ánh trăng bị ánh điện lấn át. Đường làng, cây đa, ao chuôm, mương nước, rặng tre, gò đống cùng với quán nước, chợ, đình đền, chùa miếu là những điểm nhấn thị giác của cảnh quan làng đã gắn bó với bao thế hệ, nay chỉ còn trong hoài niệm. Thay vào đó là những nóc nhà biệt thự có mái vòm kiểu Nhà hát Lớn ở Hà Nội, những mái tôn đủ mầu của các ngôi nhà bê-tông và cột điện...

Ao trong làng đã bị lấp hết, nhường chỗ cho những ngôi nhà hình ống mọc lên chi chít, chỉ một trận mưa rào đường làng có thể ngập nửa mét. Sau những cơn mưa, ếch nhái không còn kêu ran, chỉ thấy rác thải nhựa, túi nylon trôi dạt. Cả một hệ sinh thái và kiến trúc của làng ngày nào đã bị phá vỡ, nhưng chưa có giá trị mới tương xứng thay thế mà chỉ là sự chắp vá, lai tạp, tạo thành mớ hổ lốn.

Người dân ở đây có thể bê nguyên xi một ngôi nhà họ thấy trên ti-vi ở tận Ả-Rập hoặc cóp nhặt một mô hình nhà ống ở Hà Nội mà gần như chẳng quan tâm đến việc có phù hợp với không gian làng quê. Họ làm vậy mà không có gì cản trở. Sức kháng cự của những giá trị kiến trúc truyền thống trở nên yếu ớt trong cơn lốc đô thị hóa.

Ngay cả một làng cổ nổi tiếng như Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị cơn lốc đô thị hóa nuốt chửng. Làng Cự Đà xưa có tên cổ là Ngô Khê thôn, nằm cạnh dòng sông Nhuệ, từ lâu được biết đến với nét đẹp như cổ tích. Trong quyển hương lệ làng Cự Đà do chánh tổng, lý trưởng cùng các dòng họ lập năm 1929, bổ sung năm 1936 có những quy định rất nghiêm. Người làng chặt bẻ một búp măng cũng sẽ bị phạt, chỉ được xây nhà trong diện tích đất trước bạ (bìa đỏ) của gia đình, phạm vào đất công là lính lệ, trương tuần đến phá dỡ, xử phạt. Nhà xây ở gần đình không được cao hơn đình.

Thời đó người biết chữ trong làng rất ít, nhưng tất thảy đều răm rắp chấp hành. Ngay từ thời ấy, làng đã được đánh số nhà. Những ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp hay lấn chiếm công thổ đều không được gắn số.

Vẻ đẹp quy củ ấy chẳng ngờ lại tan vỡ rất nhanh chóng khi người dân có tiền từ đền bù đất (hơn 80% diện tích đất nông nghiệp của Cự Đà đã, đang tiếp tục bị thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển đô thị, kinh tế xã hội). Mỗi sào đất được nhận đền bù 351 triệu đồng, dân Cự Đà nhà nào cũng trở thành... tỷ phú.

Một biệt thự theo phong cách kiến trúc phương Tây không phù hợp với cảnh quan nông thôn.

Nhà ít cũng được gần hai tỷ, nhiều cũng ngót 4 tỷ đồng tiền đền bù. Và một “phong trào” đập nhà cổ xây nhà bê-tông nổi lên. Xóm Thượng của thôn Khê Tang - thôn đầu tiên nhận tiền đền bù, chỉ trong một thời gian ngắn đã cơ bản đập hết nhà cổ và thay vào đó những ngôi nhà bê-tông với đủ kiểu kiến trúc. Huyện có đội thanh tra xây dựng cắm chốt ở xã, xã cũng có cán bộ địa chính xây dựng nhưng luật quy định chỉ cấp phép xây dựng ở khu giãn dân, đất đấu giá, còn khu vực trong làng cổ lại bỏ ngỏ. Chính khu vực làng cổ cần bảo tồn thì lại bị đập bỏ xây mới nhiều nhất.

Con số thống kê cho thấy, xóm Thượng có 385 hộ, 1.450 khẩu thì 99% đập nhà làm lại, 95% xây nhà từ ba tầng trở lên. Giờ vào các ngõ, đập vào mắt là những ngôi nhà bê-tông ngạo nghễ, hiếm khi gặp những căn nhà ngói mái cũ rêu phong. Dọc ngõ Ba Gang dài hơn trăm mét có chừng hơn hai chục nóc nhà, thế nhưng, từ độ sau Tết Tân Sửu, hơn 20 nhà đã phá đi làm lại, chỉ còn duy nhất ngôi nhà cũ trông lẻ loi đến tội nghiệp.

Có khoảng 70% nhà ở ngõ Ba Giang đều là nhà ống, xây kín cổng, cao tường, cổng khung sắt, rào kẽm gai vây quanh. Người dân đã phá sạch các rặng tre, lấp hết ao. Sông Nhuệ trong xanh ngày nào giờ thành dòng chảy hôi thối. Vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của thôn Cự Đà với sự kết hợp hài hòa của 80% nhà truyền thống Bắc Bộ kiểu năm gian hoặc ba gian vì kèo gỗ, lợp ngói và 20% nhà theo kiến trúc Pháp nay đã gần như bị xóa sổ, thay vào đó là một “nồi lẩu thập cẩm” đủ kiểu nhà bê-tông xây kiểu cóp nhặt, bắt chước mà thiếu sự định hướng và chuẩn thẩm mỹ.

Tan vỡ kiến trúc truyền thống

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có đợt khảo sát về kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, kết quả cho thấy dưới tác động của gia tăng dân số và xé nhỏ gia đình trên phương diện giới hạn đất đai, sự tan vỡ khuôn viên truyền thống cùng các nhu cầu, bức xúc mới trong những năm qua... dẫn đến sự chuyển hóa cấu trúc không gian và hình thái kiến trúc, làm thay đổi khá nhanh diện mạo kiến trúc ở nhiều làng quê. Mỗi nhà khang trang lên nhưng rất ít nhà đẹp và phần lớn không phù hợp với khung cảnh của nông thôn, xa lạ với nếp sống và điều kiện sinh hoạt của người dân.

Cuộc khảo sát chỉ ra nhà ở chia lô với kiểu kiến trúc sao chép, bắt chước ở các thành phố đã xuất hiện tràn lan ở nhiều vùng nông thôn... đang trở thành mối lo ngại cho sự phát triển. Vì vậy, bộ mặt kiến trúc nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nhìn chung đang lâm vào tình trạng mất dần bản sắc và phát triển theo chiều hỗn loạn, chắp vá.

Khảo sát trong phạm vi điều tra 100 hộ dân thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho thấy có tới 55% hộ muốn có nhà xây dọc đường, 59% hộ muốn nhà có vườn và ao, gần 100% hộ dân chọn nhà ở kiểu hiện đại, cho rằng hình thức nhà truyền thống không đẹp, bố trí sử dụng không còn phù hợp, vật liệu làm nhà mau hỏng... Đa số chọn nhà kiểu mới 2-3 tầng, quy trình sử dụng khép kín, đẹp kiểu thành phố, vững chãi, tiết kiệm đất.

Bên cạnh đó, những công trình công cộng cũng góp phần tô điểm thêm sự nhợt nhạt của bức tranh kiến trúc nông thôn. Thực hiện chủ trương nông thôn mới, hàng loạt trụ sở, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ được xây dựng nhưng đều nhang nhác giống nhau, từ miền ngược tới miền xuôi, từ đồng bằng tới trung du, tất cả đều thiếu bản sắc. Một số công trình cũng là những thiết chế văn hóa truyền thống ở các làng quê như đình, chùa, đền được trùng tu hay xây mới lại đánh mất hồn cốt và vẻ đẹp kiến trúc vốn có.

Trên bình diện toàn quốc, một điều nghịch lý đang xảy ra, kinh tế càng phát triển nhanh thì kiến trúc nông thôn lại đang biến đổi nhanh theo hướng đánh mất bản sắc, ngày càng méo mó, pha tạp, lộn xộn. Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Thanh Chương - CẨm Lai