Lạc vào “rừng sách” tham khảo

|

NDO - Anh bạn từ Điện Biên gọi điện nhờ tôi mua giúp cho đứa con mấy quyển sách tham khảo môn Tiếng Anh. “Ok, chuyện nhỏ” - tôi trả lời anh. Vậy nhưng, chuyện tưởng chừng quá đơn giản ấy đã “ngốn” hết của tôi cả một buổi chiều và ngót trăm nghìn đồng tiền điện thoại. Bàn qua bàn lại, chúng tôi quyết định mua năm quyển sách khác nhau.

Tôi và cả anh bạn đầu óc như bị rối tung lên trước danh sách dài dằng dặc các loại sách. Thậm chí, nếu chỉ cần mua hai phần ba trong danh sách đó cũng đã “ngốn” một lượng tiền mà một gia đình công chức cần đắn đo. Bấy lâu nay chỉ nghe người ta nói đi mua sách học cho con vừa khó chọn vừa tốn kém, đến giờ tôi mới thấm thía.

CÓ NHIỀU SÁCH LÀ … HỌC GIỎI?

Đã bước vào khai giảng năm học mới được vài hôm nhưng hiệu sách 45B Lý Thường Kiệt, Hà Nội vẫn rất đông khách. Đây là nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục, vốn nổi tiếng về cung cấp các đầu sách giáo khoa. Cứ đầu mùa khai trường là lúc tại đây các phụ huynh rà soát lại xem con em mình cần thêm những đồ dùng và quyển sách gì theo yêu cầu của nhà trường. Ở nhiều trường học nội thành, các cô giáo còn cẩn thận gửi cho phụ huynh một danh sách các vật dụng và sách cần mua. Thầy cô cũng không quên đánh dấu những quyển sách nào nhà trường đã bán cho các em, những quyển sách nào gia đình cần bổ sung. Phụ huynh chỉ cần cầm tờ danh sách đó ra cửa hàng chọn cho con mình.

Thấy tôi loay hoay, một chị hỏi tôi xem cháu học trường nào. Rõ nguồn cơn, chị bảo, khó đấy! Ở tổ dân phố của chị, học sinh ở các trường khác nhau thì dùng sách tham khảo cũng khác nhau tùy theo “gu” của giáo viên. Nhưng với những trường công lập thì sách của Nhà xuất bản Giáo dục phát hành thường được các thầy cô hay sử dụng hơn cả. Chị bảo chị tên là Thu nhà ở ngõ 192, phố Lê Trọng Tấn. Năm học trước, chị đã mua tất cả các loại sách tham khảo của lớp 3 cho con nhưng nhiều quyển không động tới vì bài tập về nhà chủ yếu là đã có sẵn trong sách giáo khoa, nếu ở sách tham khảo cũng chỉ tập trung vào một hai quyển nhất định mà thôi. Tuy nhiên, bộ sách môn toán chị mua đã thực sự có ích bởi con chị thích học môn toán, cháu có thể làm thêm nhiều dạng bài tập khác nhau. Có thể vì thế mà con chị luôn được điểm giỏi về môn toán, điều đó khiến chị thấy hài lòng. Chị đúc kết: “Nếu các con thích học môn gì mà có nhiều sách cho chúng thì chắc chắn chúng sẽ học giỏi môn đó”.

Bà Loan ở đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm cũng ủng hộ quan điểm chị Thu. Bà chọn mua cho cháu rất nhiều sách tham khảo. Bà cho biết, tối nào cũng ngồi kèm cháu học hai tiếng đồng hồ. Ba năm qua, có lẽ nhờ vậy mà cháu bà luôn đứng đầu lớp. Tôi hỏi: “Cho cháu học như thế có quá sức không bà?”. “Có gì đâu mà quá. Cháu nó học giỏi, bài tập cô giáo giao, nó chỉ làm một loáng là xong. Sau đó tôi mới mang sách ra hướng dẫn cháu học thêm, làm thêm bài tập từ sách tham khảo.” - bà hãnh diện trả lời. Khi tôi hỏi bà về cách chọn sách, bà nói một cách chắc chắn: “Mỗi môn cứ mua lấy dăm quyển, sau này học thấy cháu thích với quyển nào thì dạy nhiều quyển đấy. Mà sách hướng dẫn cũng khá cụ thể, chúng nó chỉ đọc qua là nắm bắt được rồi.”

Tôi chợt chạnh lòng nhớ về thủa học trò của thế hệ chúng tôi. Sách giáo khoa cũ được bố mẹ xin từ các anh con của hai bác từ Hà Nội chuyển về, ba anh em chúng tôi phải giữ gìn để chuyền tay nhau học. Nhiều môn học không có sách giáo khoa phải đi sang nhà bạn học nhờ. Ba anh em cứ như trứng gà trứng vịt, bố mẹ mải kiếm tiền mưu sinh, lấy ai ra mà kèm cặp. Thời ấy sách tham khảo cũng chưa có nhiều, vì thế để mà học cho giỏi thì quả thật là một chuyện rất khó. Chắc rằng trên cái xã nghèo miền núi nơi anh bạn của tôi đang sinh sống sẽ còn bao gia đình neo khó như gia đình tôi ngày xưa.

Lại chợt nhớ câu chuyện của hàng xóm nhà chú tôi trong làng Đa Sỹ, Hà Đông. Anh chồng làm nghề chạy xe ôm, còn chị bán rau ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở. Anh chị rất chăm lo cho hai đứa con nhưng cũng chỉ có thể dừng lại ở việc mua đầy đủ các loại sách vở cho chúng. Có vài lần hai cô con gái nhà anh chị bị cô giáo nhắc nhở vì phụ huynh không xếp đủ sách cho con lên lớp. Anh chồng bèn mua hai cái ba-lô cho tất cả sách vở của hai đứa vào. Tất nhiên các con anh không đủ khỏe để mang cái ba-lô nặng gần hai mươi ki-lô-gam ấy. Nhưng anh thì có thể! Anh đưa đón các con đi học cũng đồng thời đưa đón cả hai cái ba-lô đầy sách đi đến nơi, về đến chốn. May mắn là hai cô con gái của anh cũng ham học cho nên luôn là học sinh khá của lớp, nhưng việc có đầy đủ sách vẫn chưa phải là đủ để các cháu có thể duy trì học lực như hiện nay. Biết vậy, nhưng anh chị đành tự an ủi bằng cách nghĩ, sau này chúng lớn hơn sẽ thuê gia sư về kèm cho hai đứa cùng học.

LỰA CHỌN SÁCH THAM KHẢO PHẢI TINH TẾ

Với những gia đình có kinh tế trung bình, thì mua bộ sách giáo khoa theo từng lớp học cho các con giờ đây trở nên nhẹ nhàng bởi sách giáo khoa có sự trợ giá của Nhà nước cho nên giá bán khá rẻ. Một bộ sách giáo khoa của học sinh cấp ba cũng chỉ dao động trong khoảng hai, ba trăm nghìn đồng. Vấn đề chủ yếu nằm ở sách tham khảo. Nếu là sách tham khảo các môn Văn, Toán, Lý của các lớp 10, 11, 12 thì mỗi môn cũng có trên hai mươi đầu sách tham khảo khác nhau. Thậm chí môn Văn lớp 11 có tới hơn bốn mươi đầu sách tham khảo.

Theo kinh nghiệm của Yến, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên thì không nên tự đi mua sách tham khảo trước khi khai giảng. Các thầy cô mỗi người đều có cách dạy riêng của mình, cho nên phải hỏi ý kiến các thầy cô nên mua loại nào để học. Thường các thầy, cô hay giới thiệu cho học trò một vài đầu sách tham khảo mà họ tin tưởng, yêu thích. Nếu bạn nào muốn học thêm thì lúc đó mới tự mình mua những quyển sách mình cần. Ưu tiên trước nhất là sách phải giúp mình học tốt môn học mà thước đo chính là điểm số của môn đó. Yến cũng nói với tôi, đôi lúc em chán học, nó cứ vô nghĩa như thế nào ấy. Em thấy nhiều nội dung trong sách giáo khoa nó chẳng giúp gì cho cuộc sống cả, học để thi lấy điểm thôi cho nên em chỉ thích môn Văn, môn Giáo dục Công dân và môn Toán.

Bạn tôi, anh Khuất Duy Dũng, một giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Sách giáo khoa bây giờ tốt hơn ngày xưa chúng ta học rất nhiều, kiến thức nó cung cấp cho người học là rất tiến bộ. Có thể trong quyển sách nào đó có một vài điểm còn lạc hậu so với thực tế nên cần phải dần dần sửa đổi hoàn thiện. Anh cũng cho rằng, không nên bắt học sinh nhớ những con số kết quả của nông, công, thương nghiệp qua các thời kỳ lịch sử làm gì, chỉ cần chúng nắm được bản chất của vấn đề, điều cơ bản của một giai đoạn lịch sử là đủ. Còn nếu nâng cao, chuyên sâu thì lại học thêm. Những giáo viên tâm huyết với nghề như anh cũng đang hy vọng vào chủ trương đến năm 2015 sẽ thay đổi sách giáo khoa để có một chuẩn chương trình giáo dục phổ thông mới, một bộ sách mới hiện đại cả về kiến thức và cả về phương pháp giảng dạy.

Là một giáo viên trường chuyên, bạn tôi nhận định thêm rằng không nên vội vàng luận tội cho sách tham khảo đang “loạn” và quá nhiều sai sót. Vì cơ bản mỗi cuốn sách xuất bản đều là một công trình khoa học đáng quý và nó đã được thẩm định kỹ rồi mới được phép phát hành. Tuy nhiên thị trường sách cũng giống như các mặt hàng khác, nghĩa là có cung và cầu, có chọn lọc và đào thải. Những cuốn sách tham khảo hay, giá trị sẽ ngày càng có nhiều người tìm đọc. Về cách chọn sách tham khảo người tiêu dùng phải hết sức tinh tế. Nếu là phụ huynh thì nên tham khảo ý kiến của thầy cô giáo, còn nếu các em học sinh tự đi mua thì nên chọn những tác gia nổi tiếng, những nhà xuất bản uy tín. Điều quan trọng là học sinh phải biết mình cần bổ sung kiến thức gì và nó có nhiều ở quyển sách tham khảo nào.

Chọn lựa “người bạn đường” trên hành trình học tập của con mình trong “rừng sách” như hiện nay quả thật là khó đối với các phụ huynh chưa có nhiều kinh nghiệm. Mỗi người một quan niệm, một cách thực hiện nhưng tất cả họ đang cùng chung một mục tiêu là xây dựng nền tảng tri thức cho thế hệ tương lai. Chính vì vậy, sự trăn trở của họ về chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo, sự mong chờ của họ vào những bộ sách chất lượng tốt hơn trong tương lai luôn là những yêu cầu chính đáng và đáng trân trọng.