Chúng ta đang thiếu tiềm lực tri thức trong giới nhà văn

|

Đó là khẳng định như đinh đóng cột của nhà văn, nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Là người quảng giao, với nhiều bạn văn mang cá tính khác nhau, thậm chí đối lập, ông vẫn có thể chơi dung hòa, dành cho họ sự chăm sóc chu đáo, ân cần, bình đẳng. Nhưng khi bàn về chuyện nghề thì ông lại hết sức thẳng thắn, quyết liệt bằng lý luận sắc bén.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Xin bắt đầu cuộc trò chuyện này từ văn hóa đọc. Sách Ngũ tự kinh viết: “Vạn ban giai hạ phẩm/ duy hữu độc thư cao” (mọi nghề trên đời đều thấp kém/ duy có việc đọc sách là cao quý). Ngày nay, đất nước ta tuy có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại nhưng vẫn tồn tại quan niệm mang tính phổ quát, coi việc đọc sách là quan trọng bậc nhất của người trí thức. Nhưng thời gian gần đây, dư luận cho rằng văn hóa đọc ở nước ta đang tụt dốc một cách đáng ngại...

Nhà văn Ngô Thảo (NT): Thật ra tôi đã từng suy nghĩ như thế, nhưng sau khi khảo sát lại thì thấy tình hình không phải hoàn toàn như vậy. Anh đã từng đọc tập thư mục hằng năm của Thư viện quốc gia chưa? Mỗi năm lượng sách in ra đều đặn tăng, lượng xuất bản phẩm tiêu thụ cũng càng ngày càng lớn. Truyện Nguyễn Nhật Ánh in tới 500 nghìn bản, thơ Nguyễn Phong Việt cũng từng lên đến con số trăm nghìn bản, điều này cho thấy người đọc sách không phải ít. Nhưng ta luôn có cảm giác ít người đọc sách, vì sao? Nhiều đối tượng mà nhà văn chú trọng hướng tới thì bạn đọc lại thờ ơ, tiểu thuyết bây giờ đa số chỉ in 1-2 nghìn bản, thơ thì dăm trăm cuốn, tác giả đem tặng mãi chưa hết. Thế mà xã hội lại đang tiêu thụ rất nhiều sách, chứng tỏ chúng ta thiếu một hệ thống kết nối và phân loại sản phẩm (sách) đến người đọc.

HV: Hẳn phải có nguyên nhân nào chứ?

NT: Văn chương là thứ sang trọng mà không tiêu thụ được thì trước hết người cầm bút phải nghĩ đến trách nhiệm của mình. Làm nhà văn ở đất nước Việt Nam là niềm hạnh phúc nhiều nhà văn nước ngoài ao ước. Vì sao? Đất nước chúng ta có 100 triệu dân, chưa kể số người biết tiếng Việt, nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới cũng không phải là ít. Đó là một lợi thế rất lớn, vậy mà dường như các nhà văn của chúng ta chưa thâm nhập được vào “thị trường” này. Họ chỉ viết những gì họ thích mà quên đi điều quan trọng nhất, đó có phải là cái bạn đọc cần không. Chưa kể, tôi có cảm giác mặt bằng văn hóa của nhiều nhà văn đang chưa theo kịp mặt bằng xã hội hiện nay. Vì vậy nhiều tài năng văn học ở ta mới manh nha xuất hiện đã rơi rụng rất nhanh. Chúng ta đang thiếu một tiềm lực tri thức trong giới nhà văn.

HV: Xin ông nói rõ thêm việc nhà văn hiện nay chỉ viết cái họ thích chứ chưa phải cái xã hội cần, tức là duy ý chí, là bỏ qua yếu tố thị trường. Văn chương với họ vẫn chỉ được coi là một cuộc dạo chơi...

NT: Đã đến lúc các nhà văn phải nghĩ mình viết cho ai? Trong 100 triệu người dân, anh phải luôn xác định sách của anh cần cho ai? Cuốn sách mà đọc xong rồi, tôi phải mách cho những người quanh mình đọc, và người nào chưa đọc cuốn sách đó bị coi là thiếu hụt văn hóa. Thứ hai là nhà văn phải gửi gắm  được trong tác phẩm của mình một điều gì không tầm thường. Cuốn sách ấy phải như một lời thầm thì mách bảo người đọc hãy sống, hãy ứng xử ra sao từ những gợi mở tâm tình, hướng đạo họ bước vào đường đời muôn nẻo, anh đang có cái gì, muốn thành ai... Hơn bao giờ hết, nhà văn phải quan tâm đến những vấn đề nóng, nhức nhối, hối hả của xã hội chứ không chỉ chuyện tình cảm cá nhân, mây gió mơ màng...

HV: Để làm được việc đó, ngoài nỗ lực tự thân của nhà văn thì các tổ chức nghề nghiệp cần trợ lực gì cho họ?

NT: Nhà văn có nhiều loại. Có người thuộc lớp phong lưu, coi văn chương như một trò chơi, làm cho cuộc sống của họ trở nên phong phú, thi vị hơn. Họ nhìn đời một cách nhởn nhơ, tạo ra một thứ văn chương đèm đẹp, hoa lá cành. Lại có những người cày bừa nặng nhọc trên trang giấy với những ẩn ức thân phận, cuộc đời; văn chương của họ như một tiếng kêu than. Nhưng cũng có những người ý thức tạo ra lương thực, thực phẩm tinh thần cho đất nước, xã hội - tôi muốn nói đến đối tượng này. Chúng ta đang sống trong thời đại vô cùng đặc biệt, mọi thứ diễn ra nhanh đến chóng mặt, cung cấp cho nhà văn những mẫu người, những biến hóa lý thú của đời sống. Đó là kho tàng vô tận cho sáng tạo văn học nghệ thuật về thân phận của con người trong sự vận động, biến thiên của thời cuộc. Tiếc rằng hiện nay các nhà văn đương đại chưa khai thác được bao nhiêu. Cho nên, việc đầu tiên của các hội nghề nghiệp là giúp nhà văn đi đúng hướng, tức là trưởng thành hơn, có tầm nhìn cao hơn, không thể an phận như một viên chức bình thường ngồi viết văn, mà phải lăn vào đời sống. Xa rời đời sống thì không bao giờ trở thành nhà văn được. Thứ hai là, điều này tôi đã kiến nghị tại Đại hội Liên chi hội nhà văn các cơ quan trung ương vừa diễn ra, đó là Hội Nhà văn nên có một tờ báo chuyên giới thiệu sách, phát không hoặc bán rẻ để công chúng biết tháng này sẽ có sách gì, nội dung ra sao, giá trị đến đâu, ai mà không đọc coi như đã bỏ qua một phần đời sống văn học nước nhà. Còn về lâu về dài, Hội cần tìm kiếm, phát hiện những người trẻ có năng khiếu, tạo cho họ cơ hội được đào tạo ở nước ngoài, mở rộng kiến văn, tầm nhìn, đẩy mạnh giao lưu văn hóa. Đó là những hành trang ban đầu cần thiết với người cầm bút tương lai mà văn học nước nhà trông chờ. 

HV: Tương lai của văn học nước nhà trông chờ vào thế hệ trẻ, nhưng trong câu chuyện của chúng ta, ông mới nhắc đến tên nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt... Còn những cái tên nào khác có thể gọi ra?

NT: Tôi là người lạc quan, luôn tin vào thế hệ trẻ, nhưng không quá. Anh vào nhà sách mà xem, tên tác giả mới rất nhiều, nếu chỉ kể ra vài ba người thì sẽ không đủ. Nhưng điều đáng nói là những cây bút trẻ có ý thức trở thành nhà văn lại không nhiều. Phông văn hóa họ cao hơn, năng lực diễn đạt phong phú hơn, sự ngẫm ngợi nhiều hơn, khả năng tiếp cận không gian, thời gian rộng hơn, nhưng tư cách để trở thành nhà văn - người phải có trách nhiệm với núi sông, muốn làm điều gì đó cho đất nước bằng tác phẩm của mình, gieo được một hạt giống nào đó cho độc giả, thì vẫn chưa có mấy.

HV: Tôi thấy trên bàn ông đang có một tập bản thảo dày...

NT: Tôi đang làm cuốn sách 4 nhà văn nhà số 4. Trong hai cuộc chiến tranh, chúng ta có hơn 300 nhà văn khoác áo lính, thì tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 phố Lý Nam Đế đóng góp tới gần trăm nhà văn. Nhưng cuốn sách này tôi chỉ viết về bốn người mình “biết” nhất: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn.

HV: Đó đều là những gương mặt “ghê gớm” của văn chương đương đại. Hẳn qua đây ông phải có điều gì muốn gửi gắm tới bạn đọc?

NT: Tôi không dám cao đàm khoát luận mà chỉ muốn nói thời đại này đã sinh ra những nhà văn như thế. Họ là những người lính bình thường, không có mộng tưởng gì lớn, nhưng cuộc sống đã khiến họ trở thành nhà văn, để kể lại về thời đại của mình. Thời cuộc đã tạo ra nhà văn. Thế thì cuộc sống, thời đại hôm nay, ai và từ đâu sẽ làm xuất hiện các nhà văn mới? Đó cũng là điều tôi hy vọng đại hội nhà văn tới đây chúng ta sẽ cùng suy nghĩ, làm một cái gì đó, một điều gì đó để có các nhà văn của ngày hôm nay và tác phẩm của họ phải khiến cho độc giả đổ xô tìm đọc, vì nếu không đọc thì chưa phải là người có văn hóa, người hiểu thời cuộc.

HV: Ông có biết người trong văn giới gọi ông là “liền chị” bởi sự độ lượng, ân cần, luôn lo toan chu đáo cho hầu như tất cả mọi người...

NT: Tôi chơi được với nhiều người trong giới văn nghệ, trước hết vì tôi yêu họ và sung sướng được quen họ. Trong nam, ngoài bắc, đi đâu tôi cũng có thể sà vào được cả. Cho dù tôi cũng có nghe nói người này thế này, người kia thế khác, nhưng đối với tôi thì ai cũng quý. Có lẽ là tôi không có tài nên tôi rất quý người tài. 20 năm ở Hội Sân khấu, tôi không là tác giả, đạo diễn, diễn viên, cố vấn... gì hết, nhưng vẫn lăn lộn được với các nghệ sĩ và bây giờ họ vẫn nhớ đến mình như một người tổ chức tận tụy, hết lòng. Đó là nhờ tôi có 20 năm quân ngũ, bản chất của người lính là tính kỷ luật, là luôn biết quan tâm, săn sóc người khác. Đời bộ đội đã dạy cho tôi và tôi đã làm theo một cách vô cùng thanh thản. Tôi sẽ không bao giờ viết cuốn sách về thói hư tật xấu của người Việt như cách ai đó trên thế giới đã viết về dân tộc mình bởi vì tôi thấy điều đó thuộc về loài người, ở nước nào cũng có, nên đừng có vu nó cho dân tộc này hay dân tộc khác. Làm như thế ta sẽ không bao giờ nhìn thấy phần tốt đẹp của con người.

Với các bạn viết hiện nay, tôi muốn nói, những gì diễn ra trên mảnh đất hình chữ S trong một thế kỷ qua là nguồn tài nguyên vô giá và sức sống bền bỉ của người Việt thuộc 54 dân tộc, đang chờ đợi các cây bút tài năng đan dệt nên những tác phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc, có sức lôi cuốn bạn đọc, không chỉ trong nước thôi đâu...