Vậy vậy Thái Bá Lợi

|

Không nhớ rõ tôi làm quen với nhà văn Thái Bá Lợi khi nào? Từ thời mới tập tò quen biết các văn nhân Thanh Thảo, Đà Linh, Nguyễn Văn Xuân, Trung Trung Đỉnh chăng? Một dạo tôi hay lọ mọ ghé nhà Thái Bá Lợi trên căn phòng tập thể tầng hai giữa phố Trần Phú đông đúc. Lần nào cũng thấy ông một mình, mà thực ra ông cũng chỉ ở có một mình, như người tu hành. Căn phòng chừng hơn ba chục mét vuông đồ đạc tuềnh toàng, một cái bàn thấp ngồi bệt giữa phòng. Và mấy cuốn sách, cây bút, cuốn vở cũng là bản thảo những tiểu thuyết đang viết dở.

Nhìn cái bàn viết, lại nhớ đến mô tả của ông bạn văn thân nhất với Thái Bá Lợi là Trung Trung Đỉnh, cùng thế hệ những nhà văn Trung úy, cùng khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du. Cái cảnh nhà văn Thái Bá Lợi ngồi viết được tác giả Ngõ lỗ thủng mô tả: “Mắt Thái Bá Lợi vốn đã lệch lúc này dại đi, nước mũi, nước dãi tự nó “bươn chải”, không nơi cư trú, mặc dù trước đó, trước khi viết văn, bao giờ Thái Bá Lợi cũng có ý thức long trọng lau chùi bàn ghế tinh tươm... Đọc văn thì sướng thiệt chứ xem các nhà văn làm việc thì thật oải!”.

Rồi nhiều buổi tối, ông hay gọi tôi ra ngồi vỉa hè gần nhà. Với vài ba “dị nhân”, bên ly rượu. Một trong số ấy là Huệ “đen”-chàng lãng tử thi sĩ kiêm lái xe tải đường trường Nguyễn Lâm Huệ. Mấy ly rượu, miếng mồi khô, dưới ánh điện đường lờ mờ chỉ tiếng người là rõ. Trong câu chuyện ông Lợi hay kể về những nhân vật rất lạ, mà không rõ đã vào tiểu thuyết của ông chưa. Như một chàng hiệp sĩ cụt chân dưới gầm cầu qua sông Hàn (Thái Bá Lợi từng có truyện ngắn Nghệ sĩ đầu cầu không biết có phải nhân vật này không). Tôi biết đó là khi ông vừa rời khỏi trang viết, bước ra vỉa hè để đuổi tiếp theo dòng suy tư dù câu chuyện giữa chúng tôi nhiều lúc đến khuya tận vẫn chưa nhạt.

Ngẫm lại thấy tôi và Thái Bá Lợi có một điểm chung, đó là ngót 50 năm qua đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Tôi thì láng cháng tí thơ tí báo, nhưng tôi nghĩ văn chương Đà Nẵng Quảng Nam mấy chục năm qua sẽ trống vắng khá lớn nếu thiếu cái tên Thái Bá Lợi. Ông sinh ra lớn lên tại làng Thơi xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, là hàng xóm với nhà văn Nguyễn Minh Châu. Hai mươi tuổi vào bộ đội chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, trải qua mặt trận Huế Mậu Thân năm 1968, rồi vào chiến trường Quảng Đà... Hôm nọ có người mê hội họa ở Hà Nội điện hỏi tôi là Thái Bá Lợi có bà con chi với Thái Bá Vân không? Thì đây, dòng họ Thái Bá ở Nghệ An chia làm 3 nhánh. Nhánh chính ở Đô Lương với Thái Bá Vân, nhánh Quỳnh Lưu có Thái Bá Lợi, nhánh Diễn Châu có Thái Bá Tân. Đều là con cháu Thái phó Chân Quận công Trung đẳng Đại vương Thái Bá Du-một danh thần võ tướng lập nhiều công trạng thời Hậu Lê.

Tôi cho rằng chất cần cù, sâu sắc kiên trì đến cùng của người Nghệ với tính khảng khái, quyết liệt ham suy tư làm nên cái mới, chất “duy tân” đậm đặc của người Quảng đã thành phẩm tính văn chương và con người Thái Bá Lợi. Từ những Quê hương, Vùng chân Hòn Tàu, Hai người trở lại trung đoàn, Đội hành quyết, đến Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai và sau này là liên tiếp là những tiểu thuyết Trùng tu, Khê ma ma, Minh sư, Câu chuyện Đà Nẵng... đậm chất Quảng-Đà với ngổn ngang những tư duy tiên phong khai mở. Như truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn khi đăng Văn nghệ quân đội năm 1978 lập tức gây xôn xao dư luận thời ấy. Bởi nhà văn Trung úy 33 tuổi khi ấy đã tiên phong động chạm đến, báo hiệu về những thứ cơ hội, cái xấu sắp manh nha xuất hiện trong chính những con người quả cảm tốt đẹp trong chiến tranh khi vừa bước chân vào thời bình. Nên không phải ngẫu nhiên mấy năm trước Thái Bá Lợi được xếp vào danh sách hai mươi “Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiều người gọi Thái Bá Lợi là “hiền nhân”, tôi thấy không sai. Người vợ giỏi giang của ông từ ngay sau thời đổi mới đã năng động lập công ty dệt may chuyên gia công áo kimono xuất sang Nhật. Nhưng tới năm 1995, một người trong công ty đem vốn góp của cổ đông mua bất động sản, sau vỡ nợ thành vụ án kinh tế. Thời đó, chứ bây giờ chẳng ai khởi tố, vì tài sản thế chấp vẫn còn đó. Sau lần vướng lao lý, người phụ nữ từng là biệt động thành Đà Nẵng từ tuổi thiếu niên ấy đã xuất gia, mải mê làm thiện nguyện. Còn nhà văn cũng từ đấy cảnh “gà trống” nuôi con. Có lần ông tự trào rằng mình là một “anh hùng thời đổi mới”, khi viết văn “nuôi dạy hai con ăn học thành đạt với một bà vợ ở tù!”.

Không rõ Phật giáo đã “ngấm” vào ông đến đâu, nhưng tôi rất thích những trang bàn về Phật giáo trong những tiểu thuyết của ông. Cái chất yên dung, tự tại không chỉ trong văn như nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận ra từ những năm cùng nhau ở chiến trường, rằng Thái Bá Lợi có một “phong độ trầm tĩnh, điều độ” của một cây bút tiểu thuyết, mà còn hiển hiện ra cốt cách ngoài đời. Ông xin nghỉ hưu trước tuổi mấy năm và bảo nhờ đó mới có thời gian để hoàn thành những Trùng tu, Kê ma ma, Minh sư... Cuốn Minh sư, viết xong ông gấp bản thảo, vào một ngôi chùa ở Vũng Tàu ở suốt mùa an cư (từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy) thực hành những khóa tu tập. Vừa để “xả”, vừa nghiền ngẫm đọc lại, chỉnh sửa.

Đầu năm 2010, tôi cùng nhà văn Nguyễn Bình Phương và Giám đốc NXB Lao Động Lê Huy Hòa từ Hà Nội vào tìm lên nơi “ẩn cư” của Thái Bá Lợi dưới chân núi Bà Nà. Ông một mình ở nơi đấy đã khá nhiều năm. Từ năm 1997 ông và những người bạn trong đó có những thiền sư nổi tiếng đã dự định lập ở đây một “Tàng kinh các”, không chỉ như một thư viện Phật giáo lưu giữ những bộ kinh nổi tiếng, mà còn là nơi tu thiền tập đạo. Và có cả mấy hecta ruộng tam bảo để tự cấy trồng. Phải đến 15 năm sau đề án mới được cấp phép, nhưng ông bảo đến đây mình đã già mất rồi, không còn sức nữa rồi, đành thả...

Văn của Thái Bá Lợi rất giỏi và đặc biệt cuốn hút ở giọng kể. Luôn tưng tửng mà sâu sắc, biến những chi tiết tưởng chừng vu vơ thành những tình huống nhân sinh bất ngờ, thú vị và đầy chất chiêm nghiệm phía sau. Một trong những tình huống như vậy, là truyện ngắn mang tên Nguyễn Tuân được viết từ mấy chục năm trước, vẽ nên cảnh ông già Nguyễn Tuân lang thang với Cửa Đại, Hội An từng ghi dấu trong thiên tùy bút nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Lục lại tập sách kỷ niệm 15 năm ngày thành lập NXB Đà Nẵng (1984-1999), thấy một tư liệu khá độc đáo. Đó là lá thư tay “khất nợ” của nhà văn Nguyễn Tuân, đề ngày 16/1/1985: “Nguyễn Tuân, ngày Hết năm Ta: Anh Nguyễn Văn Giai (Giám đốc NXB Đà Nẵng - NV), Anh Thái Bá Lợi - Bài viết cho các anh tôi đã có cái nhan đề rồi “Phố cổ Hội An”, nhưng ruột thì các anh cho tới 12 tháng giêng ta Ất Sửu (Hội Nhà văn Việt Nam vào trỏng họp Ban chấp hành) tôi vào họp sẽ cầm vào luôn. Mong các anh thông cảm cho về sự chậm trễ này vì gần Tết nó bức quá, định cầm bút thì lại có một cái đột xuất gì gì đó. Chúc các anh một năm mới Vạn hạnh!”. Thái Bá Lợi giai đoạn đó được Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng điều về NXB Đà Nẵng theo thời hạn 3 năm.

 Bút tích thư nhà văn Nguyễn Tuân (Trần Tuấn chụp lại).

Hôm nọ thấy nhà văn trả lời trên báo Tiền Phong Chủ nhật với cái tít khá độc “Sách không quan trọng bằng... Thái Bá Lợi”. Đó là khi ông vừa ra mắt bộ tuyển tập tổng kết một đời văn, mà cả một người bạn vong niên giờ đang ở trong tù ông vẫn không quên gửi tặng sách nhờ vợ con chuyển vào. Đúng vậy! Với Thái Bá Lợi, tác phẩm không quan trọng bằng con người, bằng bạn bè. Dù một đời văn nhìn lại dễ mấy người được như ông: Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2012, hai lần giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam  (1983 và 2010), giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2013...

Trong tuyển tập đó, ở tập cuối phần được gọi là bút ký (mà như những đoạn hồi ký thì đúng hơn), tôi đọc được từ ông một quan niệm thật sâu sắc về cuộc đời. Đó là “nhân loại cần những thất bại sâu sắc hơn những thắng lợi hời hợt”. Về bản thân, Thái Bá Lợi tự nhận mình “Thì cũng vậy vậy, phần lớn là thất bại, nếu có đôi chút được được nào đó thì cũng là những thắng lợi hời hợt”.

Trần đời này chẳng ai “vậy vậy” và “hời hợt” lại có thể nói như vậy được cả!

Nhà văn Thái Bá Lợi (phải) và nhà văn Nguyễn Bình Phương tại nơi dự định sẽ là “Tàng kinh các” (chụp tháng 3/2010). Ảnh: TRẦN TUẤN