Thi ca phải nâng cao tâm hồn con người

|

Nhà thơ Bế Kiến Quốc sinh ngày 19/5/1949 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1970), Bế Kiến Quốc từng học Trường bồi dưỡng Những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam (1972), rồi tham gia Khóa học cao cấp rút gọn của Học viện Văn học Gorki (Liên Xô-1988).

Về công tác ở tuần báo Văn Nghệ từ năm 1977, ông từng là Trưởng ban Thơ, Trưởng ban Thư ký. Năm 2000, ông được bầu làm Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Hà Nội và về làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. Ông qua đời năm 2002 vì bệnh hiểm nghèo.

Bế Kiến Quốc đã in 5 tập thơ, được trao nhiều giải thưởng của Báo Văn Nghệ, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Nổi tiếng về thơ, ngay từ thời còn là sinh viên khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bế Kiến Quốc đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ toàn quốc của tuần báo Văn Nghệ năm 1969.

Tuy thành công sớm về thơ, nhưng Bế Kiến Quốc vẫn luôn là người khiêm nhường, lặng lẽ. Ông không thích những "tuyên ngôn" ồn ào về thơ ca có tính khoe khoang, phô trương hình thức. Bởi thật ra, kể cả về mặt lý luận, phê bình thơ lẫn sáng tác, trong nhiều năm Bế Kiến Quốc đã có hẳn một cái nền tri thức rất cơ bản, phong phú về nhiều mặt. Ông tự bạch: "Theo tôi, thơ có giá trị là thơ phải nâng cao tâm hồn con người. Những nhà thơ thành công là những nhà thơ nói được tiếng nói của thời đại, của đất nước, chứ không phải những nhà thơ chỉ có "kỹ thuật cao". Và, điều quan trọng là thơ phải luôn luôn hướng về phần sáng của cuộc đời". Trong bài thơ Nhớ Na-dim Hik-mét, Bế Kiến Quốc viết:

Tất cả cái no vô nghĩa

Nếu chỉ đói một người

Tất cả vô nghĩa niềm vui

Nếu chỉ buồn đau còn một người

Tất cả tự do cũng vô nghĩa

Nếu chỉ một người bị nô lệ

Tất cả công bằng cũng là không

Nếu còn một người chịu bất công

Trao đổi với bạn bè đồng nghiệp, Bế Kiến Quốc thường tâm niệm: "Đối với văn học, để sáng tác hay và có ích, cần phải sống hết mình-sống với mọi người, với thế giới, với truyền thống văn hóa của dân tộc và của nhân loại, sống với quá khứ, với hiện tại và tương lai.

Sáng tác văn học cũng là một loại công việc, mà người ta làm nhằm mang lại cho thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và trong cái thế giới đó, mọi người đều được thương yêu, trân trọng và cũng thương yêu trân trọng người khác. Và bởi vậy những sáng tác của tôi luôn hướng về cái thiện và cái đẹp".

Trong tập thơ Mãi mãi ngày đầu tiên (NXB Hội Nhà văn- 2002), ở Bài không tên số 10, ông tâm sự với chúng ta: "Sao cứ mong một cái gì hoàn thiện, trong cõi đời không thể nào hoàn thiện?/ Sao cứ muốn một điều gì vĩnh cửu, trong thế gian không vĩnh cửu bao giờ/ Anh, kẻ suốt đời theo đuổi những giấc mơ".

Nhưng ngay cả khi nhận ra trong cái cõi người không hoàn thiện, không vĩnh cửu này, nhà thơ chỉ là kẻ suốt đời theo đuổi những giấc mơ, thì Bế Kiến Quốc vẫn mong ước: "Dù ở đâu qua đêm/ Ta cũng cần có em/ Ngọn lửa ấm thơm nồng sáng/ Và ta ngồi đốt những đám mây buồn, những cánh buồm lạc gió, những lá bùa gở, những mặt nạ cười/ Và ta hong khô những chân trời, những cánh bướm, những lời hứa/ Và ngôi sao Hôm qua lửa/ Tái sinh một đóa sao Mai".

Thơ Bế Kiến Quốc giàu suy ngẫm với nhiều ý tưởng lạ, nhưng ông không nghiêng hẳn về phía trình bày những khám phá nội tâm đang day dứt, ám ảnh con người hiện đại, mà luôn có ý hướng sự tìm tòi của mình về phía đời sống lớn lao ở chung quanh chúng ta. Điều này thể hiện khá rõ trong bài thơ Bế Kiến Quốc viết lúc ông mới 22 tuổi (vào tháng 1/1971) để tưởng nhớ nhà thơ Pháp nổi tiếng Pôn Êluyar:

Con người có một bản năng là khao khát niềm vui

Có một bản năng là làm ra hạnh phúc

Mỗi người sinh ra yêu trái đất

Lại trồng thêm hoa trước lúc đi xa

Những bông hoa cẩm chướng thẫm đỏ mượt mà

ấm áp như lao động.

Dấu ấn của phong cách thơ Bế Kiến Quốc thể hiện khá đậm đặc và thống nhất trong tập thơ Mãi mãi ngày đầu tiên. Ông tạo dựng tứ thơ khá công phu và tính toán kỹ tới từng khổ thơ, từng câu thơ. Có cảm giác, mỗi bài thơ đều được ông viết đi viết lại khá nhiều lần, để tìm ra một "hàm lượng" ngôn ngữ tối ưu trong cách diễn đạt những ý tưởng mới.

Dường như ông chủ ý tước bớt cảm xúc và không chịu viết những câu thơ dễ dãi, để hướng tới cách thể hiện có vẻ trần trụi, khô khan nhưng lại chuyển tải được nhịp điệu sống hiện đại của ngày hôm nay.

Và tôi chợt nghĩ rằng: trước lúc đi xa, trong chuyến đi vô tận vào cõi vĩnh hằng, Bế Kiến Quốc đã để lại cho chúng ta "Những bông hoa cẩm chướng thẫm đỏ mượt mà/ấm áp như thơ của anh và tâm hồn anh vậy!". Vì con người Bế Kiến Quốc cũng giống như thơ ông, luôn yêu tin cuộc đời, luôn hướng về phần tốt đẹp của con người.

Minh họa thơ: Nguyễn Minh

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Bế Kiến Quốc:

ĐUỐC LÁ DỪA

Một lần nào đó trong mưa

Gặp người cầm đuốc lá dừa dẫn đi

Lặng im chẳng nói năng gì

Phừng phừng lửa có điều chi dấu mình

Một lần nào đó, dòng kênh

Chiếc xuồng máy rẽ lục bình đêm mưa

Một người đứng mãi bên bờ

Giơ cao cây đuốc lá dừa dõi theo

Một lần nào đó xóm nghèo

Về thăm, lòng hứa thương yêu trọn đời

Rồi ta đi, rồi ta vui,

Rồi ta quên... dòng nước trôi xa mình...

Và cầu ván đã long đinh

Loi thoi so đũa bờ kênh lệch hàng

Và bao lời hẹn lỡ làng

Gió lùa đã tướp liếp bàng nắng mưa

Một lần nào đó trong mơ

Cầu sao được đuốc lá dừa lại soi

1988-1992

NHỚ MẸ

Buồn hay vui con cũng đã quay về

Đi lẫn vào dòng người vừa tan tầm máy dệt

Những hạt bông trên áo quần, trên tóc

Ai thì không nhận ra, con thì con nhận ra

Vì ngày xưa khi tan tầm về nhà

Mẹ cũng có những hạt bông như thế

Và thời gian-khi con còn bé

Được chia theo thời gian của mẹ,

Thành ca sáng, ca chiều, ca đêm

Và căn bệnh đầu tiên mà con biết, là từ mẹ: bệnh tim

Vì thế, khi thấy con làm thơ, mẹ buồn nhưng chẳng nói

Giữa nghề dệt ngôn từ với nghề dệt vải

Mẹ biết, chọn nghề gì con cũng gặp gian nan.

Giờ thì muộn rồi. Ca sáng vừa tan

Những người thợ ra về

- những hạt bông trên áo quần trên tóc...

Bốn mươi năm... ngỡ có gì đâu khác?

Chỉ mẹ đã không còn. Và con lại bệnh tim

Nam Định tháng 9/1998