Boxing Việt và khát khao nâng tầm

|

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn cho boxing Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử có nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp với dấu ấn của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, và trước đó là hai tấm vé tham dự Olympic Tokyo. Đây chính là động lực để các nhà quản lý tự tin trước các khó khăn để nâng tầm boxing Việt Nam ở những giải đấu lớn.

“I’m from Việt Nam!” (Tôi đến từ Việt Nam), Nguyễn Thị Thu Nhi hét lớn sau khi đánh bại võ sĩ người Nhật Bản Etsuko Tada trong trận tranh đai WBO thế giới ở hạng mini-flyweight (hạng cân nhỏ nhất, siêu nhẹ). Đó là tiếng hét đầy tự hào của võ sĩ sinh năm 1996, giúp boxing Việt Nam tạo tiếng vang trên đấu trường thế giới. Đặc biệt, đây không chỉ là đai WBO thế giới đầu tiên, mà còn là đai boxing chuyên nghiệp thế giới đầu tiên của một võ sĩ Việt Nam từng giành được.

Trong năm 2021, các võ sĩ boxing Việt cũng như nhiều môn thể thao khác, hầu như không có cơ hội thi đấu và cọ xát quốc tế do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, các tay đấm của chúng ta đã có được màn thể hiện đáng nhớ tại Olympic Tokyo. Ở hạng 57 kg nam, Nguyễn Văn Đương với tấm vé chính thức đầu tiên, đã có trận thắng đầu tay với đối thủ Azerbaijan trước khi dừng bước ở vòng hai. Còn Nguyễn Thị Tâm lại không may mắn như người đồng đội, khi cô sớm dừng bước ở trận đầu khi để thua đối thủ đến từ Bulgaria - người sau này đã giành HCV hạng 51 kg nữ. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở các võ sĩ trong điều kiện họ chỉ tập huấn trong nước suốt gần một năm rưỡi. Những trận đấu tại đấu trường danh giá nhất thế giới mang đến trải nghiệm quý giá và cũng cho thấy tiềm năng của các võ sĩ Việt Nam, dù còn phải cải thiện nhiều về kỹ thuật di chuyển, sức ra đòn.

Boxing Việt Nam khép lại năm 2021 với Giải vô địch boxing toàn quốc bế mạc ngày 4/12 tại Bắc Ninh theo quy trình khép kín. Giải đấu là cơ hội để các VĐV giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như để đánh giá công tác đào tạo và rèn luyện võ sĩ của các tỉnh, thành phố, ngành, đồng thời là màn sát hạch để tuyển chọn ra những gương mặt ưu tú nhất, hướng đến SEA Games 31 trên sân nhà.

Võ sĩ Nguyễn Văn Đương. 

Năm 2022, ngoài SEA Games 31, boxing Việt Nam còn mục tiêu là giành tấm HCV đầu tiên tại ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Sau thời gian “tập chay”, những chuyến tập huấn nước ngoài khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát là phương án cần thiết để các võ sĩ hướng tới các mục tiêu lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, bài toán kinh phí để tập huấn ở đâu, trong bao nhiêu lâu, cho bao nhiêu VĐV cũng là vấn đề mà phía nhà quản lý phải cân đong đo đếm.

Bên cạnh các hoạt động chính thức của quyền Anh bán chuyên như tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games, ASIAD hay Olympic, phương hướng phát triển quyền Anh chuyên nghiệp tại Việt Nam là một trong những chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây. Thành công của boxing Việt Nam ghi nhận dấu ấn của tiến trình xã hội hóa. Hiện nay có nhiều mô hình CLB quyền Anh tư nhân hoạt động hiệu quả theo mô hình quốc tế, đóng góp cho quốc gia nhiều tay đấm xuất sắc như Trần Văn Thảo, Trương Đình Hoàng (Saigon Sports Club - SSP), Nguyễn Văn Đương (VSP) hay mới nhất là Nguyễn Thị Thu Nhi, Sẩm Minh Phát, Đinh Hồng Quân (Cocky Buffalo - Hàn Quốc). Nhiều danh hiệu chuyên nghiệp cấp độ châu lục và thế giới của các tổ chức quyền Anh uy tín như WBA, WBC, WBO lần lượt tìm đến với Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển mới.

Tuy vậy, cũng cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các CLB, vừa bảo đảm mật độ thi đấu cọ xát ở mức cao để các võ sĩ rèn luyện thêm thể lực lẫn chuyên môn, vừa cần có cơ chế để các VĐV chuyên nghiệp được quản lý cũng như sẵn sàng làm nhiệm vụ cùng với đội tuyển quốc gia. Phân định rõ phương thức hợp tác, như võ sĩ ký hợp đồng thi đấu tại các sự kiện trong và ngoài nước do công ty tư nhân tổ chức, các công ty cùng với đội tuyển chi trả lương cho võ sĩ tập luyện thi đấu song song. Những kế hoạch hợp tác, đầu tư dài hạn đang được dần “thai nghén” và chúng ta cùng chờ đợi sự xuất hiện của những tay đấm xứng tầm trong tương lai.