Khán giả yêu mến môn thể thao “nữ hoàng” đã được chứng kiến nhiều bất ngờ tại Giải Vô địch quốc gia kết thúc tháng 12/2021 với 3 kỷ lục quốc gia được thiết lập. Đó là Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 5.000 m nữ với thành tích 15 phút 53 giây 48, Phạm Thị Hồng Lệ giành HCV nội dung 10.000 m nữ với thành tích 34 phút 01 giây 59 và Nguyễn Thành Ngưng xác lập một kỷ lục mới ở nội dung đi bộ 20.000 m, với thời gian 1 giờ 33 phút 22,06 giây. Bên cạnh đó, còn nhiều cuộc lên ngôi thuyết phục của Khuất Phương Anh, Lê Tiến Long... Các tuyển thủ quốc gia khác như Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh, Trần Văn Đảng, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Văn Lai, Bùi Thị Thu Thảo... cũng khẳng định vị trí chủ lực trong mầu áo của địa phương, đơn vị.
Song, nhìn vào tổng thể, giới chuyên môn không khỏi lo lắng cho vị trí số 1 của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà vào tháng 5 tới, khi nhiều tuyển thủ chưa vượt qua được thành tích của chính mình. Do hầu hết các VĐV đều không được thi đấu trong hơn 1 năm vì dịch bệnh, chất lượng chuyên môn của giải đấu bị ảnh hưởng rõ rệt. Ngoài điểm sáng mang tên Nguyễn Thị Oanh, Trần Văn Đảng và Phạm Thị Hồng Lệ, thành tích của hầu hết của các VĐV đều đi xuống. Ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục thể thao cho biết, hầu hết các tuyển thủ quốc gia đều chỉ duy trì được nền tảng thể lực, còn so với thành tích của chính bản thân họ tại SEA Games thì đều đang bị thụt lùi. Thí dụ như thành tích ở nội dung 100 m và 200 m của Lê Tú Chinh. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam còn mối lo nữa đó là ít gương mặt trẻ triển vọng để có thể thay thế lứa đàn anh. Đa số các VĐV trẻ vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn để có thể bổ sung được nguồn lực cho đội tuyển quốc gia.
Điền kinh được xem là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam ở hai kỳ SEA Games 29 và 30. Tại SEA Games 30, môn thể thao “nữ hoàng” mang về nhiều huy chương nhất cho đoàn Việt Nam với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ và đứng đầu khu vực. Với vai trò là nước chủ nhà, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 15 HCV tại SEA Games 31 và giữ vững ngôi đầu. Để hoàn thành mục tiêu này khi phong độ của các tuyển thủ đang là dấu hỏi lớn, điền kinh Việt Nam phải rất nỗ lực và quyết tâm cao độ. Các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Thái Lan sẽ tập trung lực lượng để giành lại vị thế đã mất.
Ngay đầu tháng 1, đội tuyển điền kinh Việt Nam bước vào đợt tập trung dài hơi trong nước đến tháng 9 với tổng cộng 75 tuyển thủ và gần 30 HLV, chuyên gia... Theo kế hoạch, năm 2022 đội tuyển điền kinh sẽ tham dự một số giải quốc tế, nhưng đến nay nhiều giải đã thông báo hủy hoặc chưa có kế hoạch cụ thể do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều nước. Không được cọ xát quốc tế là thiệt thòi rất lớn, bởi trong tập luyện, không thể bung hết sức nên khó xác định thành tích đang ở tầm nào, thay đổi ra sao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng tốc tập luyện trong nước, cố gắng tổ chức được các giải đấu tại Việt Nam vẫn là phương án khả dĩ nhất.
Danh sách tập trung lần này vẫn gồm những những hạt nhân quan trọng như Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thành Ngưng... Đặc biệt, Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400 m) được kỳ vọng sẽ bảo vệ HCV từng giành được ở ASIAD 18-2018. Tuy nhiên, sau 4 năm, mọi thứ đều thay đổi và việc chinh phục sẽ khó hơn rất nhiều. Còn dàn VĐV trẻ tiềm năng như Đinh Thị Bích, Khuất Phương Anh, Trần Nhật Hoàng, Trần Văn Đảng... sẽ mang theo hy vọng về những tấm HCV mới và tính kế thừa cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.
Còn khoảng 4 tháng nữa SEA Games 31 khởi tranh, hy vọng các VĐV sẽ không gặp chấn thương và đạt được phong độ tốt nhất để điền kinh Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số 1 khu vực của mình và hướng đến những mục tiêu cao hơn.