Sông xưa rười rượi gió

|

Tôi biết về ẩm thực Tây Ban Nha đã lâu, nhưng lần đầu lại ở Singapore. Hồi ấy, tôi có cơ hội sang Đảo quốc Sư tử khá thường xuyên. Singapore gồm một đảo lớn và hơn sáu mươi đảo nhỏ quần tụ giữa đại dương, không sở hữu tài nguyên thiên nhiên gì, nhưng giàu ý chí và trí tuệ để biến trạm dừng chân của những thương nhân Anh đầu thế kỷ XIX thành một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng bậc nhất châu Á hiện nay. Singapore cũng được mệnh danh là thiên đường ẩm thực, với sự góp mặt của vô vàn món ăn đặc sắc đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi của những năm tháng đó trẻ trung phơi phới, nhìn cái gì cũng lung linh hy vọng, mỗi ngày hân hoan đón một khởi đầu dẫn đến bao nhiêu điều mới mẻ, mọi vui buồn đều có thể trở nên thi vị, bất ngờ. Singapore là một trong những nơi cất giữ phần đời phiêu lưu, ngỡ ngàng, đẹp đẽ ấy của tôi. Những dịp đặc biệt, chúng tôi thường ăn tối ở khu Clarke Quay hoặc Boat Quay, nơi có rất nhiều hàng quán hấp dẫn nằm hai bên bờ sông Singapore náo nhiệt. Trước bữa tối hôm ấy, anh đề nghị chơi trò bắt thăm để quyết định lựa chọn chỗ ăn. Khi tôi mải sửa soạn, là lượt váy áo, anh hí húi viết vào mặt sau năm tấm danh thiếp nhỏ, gấp đôi lại. Anh bảo: "Có năm điều bất ngờ! Em chọn đi!". Sau một hồi do dự, cầm lên đặt xuống, tôi mở thăm ra, ríu rít reo: "Ahhh! Spanish food!!!". Chưa từng nếm đồ Tây Ban Nha bao giờ, nên tôi rất hào hứng. Anh cười tủm tỉm: "Quá tuyệt! Anh biết là em thích mà!".

Chúng tôi đi tàu MRT từ Orchard Road lên thẳng Boat Quay, rồi thả bộ dọc bờ sông. Tôi diện chiếc váy lụa tằm mềm mại, mầu đào thắm. Anh mặc áo sơ-mi mầu khói, cà-vạt xám có những chấm sao li ti ánh bạc, quần âu đen, khá trịnh trọng. Sau một ngày khô nóng, những cơn gió buổi tối mát dịu mang hơi ẩm mơn man làn da tôi, len lỏi trên mi, trong tóc, luồn vào tôi qua lớp lụa mỏng manh. Anh đùa, bảo: "Trông em kìa, như một cánh buồm nhỏ! Cẩn thận, gió cuốn đi đấy nhé!". Nhưng "cánh buồm nhỏ" ấy vừa chạm vào sông, căng tràn, hăm hở sẵn sàng dong ra biển lớn, chẳng hề lường hết những nông nỗi bão giông, dù từng biết bão giông. Chúng tôi đến Tapas Tree, một nhà hàng Tây Ban Nha gần chân cầu Elgin, phía Clarke Quay, chọn một bàn trên bè nổi sát kè sông để ngắm thành phố về đêm. Một chàng ca sĩ người Tây Ban Nha tóc nâu lượn sóng, mơ màng ôm guitar hát những bản tình ca Espanol du dương, trong lúc thực khách nhâm nhi bữa tối do một đầu bếp Tây Ban Nha chuẩn bị. Thực đơn của nhà hàng toàn những món Tapas hấp dẫn. Tapas vốn là món khai vị, được chế biến từ rau củ, thịt hoặc hải sản, kèm rất nhiều loại gia vị cay nóng như nghệ, tiêu, tỏi, ớt khô, ớt bột và dầu olive. Theo tôi, nếu mùi vị chủ đạo của ẩm thực Thái là sả và nước cốt dừa, ẩm thực Pháp là pho-mai, ẩm thực Trung Hoa là xì dầu..., thì ẩm thực Tây Ban Nha là tỏi và dầu olive. Nó làm nên hầu hết những món ăn, như nước mắm của ẩm thực Việt vậy.

Một bữa Tapas, đương nhiên không thể thiếu Sangria, thứ cocktail mát lạnh, pha từ rượu vang đỏ với một chút brandy, đường hoặc mật ong và hoa quả tươi như cam, chanh, táo xắt nhỏ. Ngụm Sangria đầu tiên thật tuyệt, tươi tắn hân hoan ào vào cảm giác của ta, ăm ắp sắc màu Địa Trung Hải rực rỡ, tê tê đầu lưỡi. Nó kích thích, xúi bẩy vị giác, khiến ta thèm ăn tất cả những món Tapas vừa dọn ra, mỗi thứ một ít, được bày biện tinh tế trong những đĩa gốm đất nung mầu nâu đỏ mộc mạc. Trước tiên, chúng tôi bắt đầu với Gazpacho, món súp cà chua lạnh, rất được ưa thích trong những ngày hè. Cà chua bóc vỏ, bỏ hạt, xay cùng ruột bánh mì ngâm cho mềm trong nước lạnh, thêm tỏi, dấm, đường, ớt chuông và dầu olive, thành hỗn hợp mịn sánh, ướp lạnh trước khi thưởng thức. Rồi đến Patatas bravas, món khoai tây xắt vuông kiểu quân cờ, rán ngập dầu, xong tưới đẫm nước sốt cà chua, ớt ngọt, ớt đỏ, dầu olive cùng một số gia vị khác lên, dùng khi còn nóng sực. Miếng khoai vẫn giòn nhưng quện đầy sốt cà chua, chua chua ngọt ngọt, thêm cả bị béo ngậy của dầu olive.Và Champinones al ajillo, món nấm mỡ áp chảo với dầu olive, tỏi, ớt cay. Tôi vốn thích tôm, nên không thể bỏ qua Gambas al ajillo, món tôm chao tỏi sốt dầu olive, ăn kèm bánh mì vỏ giòn. Chúng tôi trò chuyện miên man, cùng cười vui, cùng đón gió sông, thong thả nhấm nháp những món Tapas với rượu Sangria, nhấm nháp từng phút giây quý giá. Tôi muốn thả neo buổi tối ở mãi bến sông này, sợ thời gian mang nó trôi đi mất. Chàng ca sĩ tóc nâu dạo đàn, giai điệu bài "Lo Mucho Que Te Quiero", một bản tình ca Tây Ban Nha say đắm: "Hãy tin anh, khi anh nói anh yêu em nhường nào. Hãy tin anh, khi anh nói anh quan tâm đến em nhiều ra sao. Hãy tha lỗi, cho anh yên lòng. Tất cả những gì anh cần là thời gian, để chứng tỏ tình yêu anh dành cho em...". Chàng vừa hát, vừa tiến về chỗ chúng tôi, rồi đứng lại ngay bên cạnh, như thể đang hát cho riêng chúng tôi. Anh nắm tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi, thật dịu dàng. Cậu phục vụ bàn bỗng mang đến một cái khay, trong khay đựng gói quà nhỏ bọc giấy hồng tro, thắt ruy-băng ánh bạc, rất đẹp. Anh cảm ơn cậu ta, cầm lấy món quà, trao nó cho tôi. Anh mỉm cười, nói khẽ như gió thoảng: "Món quà này là của quý cô, thưa senora! Chúc luôn xuôi gió nhé, cánh buồm nhỏ!". Tôi bị cuốn từ ngỡ ngàng ngày sang ngỡ ngàng khác, cứ ngồi thộn ra, chẳng thốt nên lời. Gió sông da diết thổi, như muốn nâng tôi bay lên. Ánh đèn thành phố hắt bóng xuống sông đêm bảy sắc cầu vồng lấp lánh. Chiếc neo vô hình tôi thả đâu đó trong dòng ánh sáng kia...

Món quà tôi nhận được đêm ấy là một cuốn sách dày, in rất đẹp, "A Little Taste of Spain" - "Một chút hương vị Tây Ban Nha". Sách hướng dẫn tỉ mỉ cách nấu các món Tapas với nhiều ảnh minh hoạ sống động. Trang đầu có dòng anh đề tặng, nét chữ quềnh quàng như những chú cua nhỏ xíu bò ngang trên giấy: "Để nhớ những bữa tối kiểu Tây Ban Nha bên sông, và rất nhiều bữa ăn nữa trong đời".

Tôi đã nếm đồ Tây Ban Nha của những quán ở TP Hồ Chí Minh, ở Manila, ở Kuala Lumpur, ở Penang, ở Jarkarta, ở Bangkok, ở Hong Kong, ở London, ở Paris, ở Berlin, ở Copenhagen, thậm chí ở ngay giữa Madrid và Barcelona, nhưng không bao giờ có lại đúng hương vị bữa tối bên bờ sông Singapore ấy nữa. Thỉnh thoảng tôi vẫn làm món Tây Ban Nha tại nhà. Tôi thích nhất Gambas al ajillo, vì nó khá đơn giản, mà ngon tuyệt. Chỉ cần tôm thật tươi bóc vỏ, mấy củ tỏi to, vài quả ớt sừng khô, một ít rau mùi tây, hành lá, chút tiêu, chút muối, bơ và dĩ nhiên kha khá dầu olive, là thành. Một phần tỏi băm nhỏ, phần còn lại thái lát mỏng; ớt khô xắt ra hoặc để nguyên tùy ai thích cay ít cay nhiều; mùi tây và hành lá thái nhỏ xíu. Uớp tôm nõn với tỏi băm, tiêu, muối, cho ngấm. Bắc chảo lên bếp lửa nhỏ, cho dầu olive, bơ, tỏi, ớt, vỏ tôm đầu tôm vào đảo đều đến khi vàng thơm thì tắt bếp, lọc lấy dầu thật trong, bỏ bã đi. Như vậy, nước sốt olive sẽ đậm đặc vị tôm, sánh đượm. Cho lại dầu vào chảo, làm nóng ở nhiệt độ trung bình, thả tỏi thái lát và ớt vào, phi thơm rồi đến lượt tôm. Nhanh tay lật lên lật xuống để tôm chín đều hai mặt. Bày tôm vào đĩa gốm mộc sâu lòng mầu nâu đỏ kiểu Tây Ban Nha không chỉ đẹp, mà chất gốm sẽ giúp giữ nóng món ăn. Vắt vài giọt nước cốt chanh vàng lên, rồi rưới sốt dầu, rắc chút tiêu, hành lá, mùi tây lên trên cùng, ăn nóng với bánh mì vỏ giòn, cứ hồi hộp nao nức như đang lạc bước vào một khu vườn Địa Trung Hải nồng nàn. Tôm tươi chín tới, đỏ hồng; thịt tôm chắc và ngọt; nước sốt olive tỏi thơm ngây ngất, vị cay nóng đê mê. Và Sangria, làm sao có thể vắng ly rượu Sangria trên bàn ăn bên những món Tapas khi mùa hè đến!

Cuốn "Một chút hương vị Tây Ban Nha", tôi vẫn giữ đến giờ, dù đã từ lâu không cần giở nó ra khi nấu Tapas nữa. Nhiều năm sau bữa Tapas đầu tiên, nhân dịp Giáng Sinh, tôi nhận được gói quà từ bên kia đại dương, không có tên người gửi. Trong đó là một cuốn sách nấu ăn: "Spain - Mediterranian Cuisine" ("Tây Ban Nha - Ẩm thực Địa Trung Hải"). Tôi gặp lại những chú cua nhỏ quen thuộc bò ngang thận trọng ở trang đầu: "Merry Chrismast! Enjoy your New Habour!" - ("Chúc mừng Giáng Sinh! Hãy vui Bến mới nhé!"). Bến mới nào? Tôi bỗng ngơ ngác. Chiếc neo của tôi lẫn đi đâu dưới đáy sông lấp lánh sắc màu đêm ấy? Thời gian đã đẩy cánh buồm nhỏ no gió ra khơi, gặp biết bao nhiêu giông bão khôn lường. Bến mới rồi cũng cũ. Thật bất ngờ, tôi tìm thấy năm tấm danh thiếp ngả mầu, có nếp gập mờ mờ ở giữa, đã vuốt phẳng lại, kẹp lần lượt trong những trang sách. Mặt sau của cả năm tấm thiếp đều được viết giống nhau, chỉ hai từ: "Spanish food". Tôi bật cười, mà mắt chợt loáng ướt. Gió sông xưa rười rượi lùa về.