Thách thức từ những chuyến đi

|

Bóng đá Việt Nam đang cho thấy những khởi sắc rõ nét những năm gần đây, đặc biệt là việc ra nước ngoài thi đấu của các cầu thủ. Từ Quang Hải, Huỳnh Như rồi đến Công Phượng, Văn Toàn đều được dư luận rất quan tâm khi có quyết định dũng cảm “đem chuông đi đấm xứ người” để nâng tầm sự nghiệp. Song, trong bóng đá, hãy nói về những thách thức trước khi nhắc đến một viễn cảnh mầu hồng.

Nhiều năm qua, hành trình xuất ngoại của các cầu thủ Việt gặp nhiều khó khăn, những ngôi sao hàng đầu của bóng đá nước nhà rất vất vả tìm chỗ đứng tại các đội bóng mà họ đầu quân. Việc thủ thành Đặng Văn Lâm về nước thi đấu cho Bình Định sau khi không tìm được vị trí tại CLB Cerezo Osaka ở J-League 1, là minh chứng rõ nhất và mới nhất về sự gian nan này. Dù thể hiện được năng lực tại Thái Lan, nhưng khi chuyển sang thi đấu tại nền bóng đá cao hơn là Nhật Bản thì Văn Lâm không thể tìm được chỗ đứng.

Nhìn Nguyễn Quang Hải, ai cũng không khỏi bùi ngùi và tiếc nuối cho những nỗ lực trông thấy của anh ở trời Âu. Nhưng liên tục phải ngồi dự bị, Quang Hải đã phải xuống giải hạng 5 thi đấu cho đội B của Pau FC để duy trì thể lực và cảm giác chơi bóng. Quang Hải đã từng rất trông đợi vào việc mình có thể làm được điều gì đó ở Pháp dẫu rằng việc trở thành nhân tố số 1 như khi ở Hà Nội FC là điều không thể. Ấy nhưng việc giành lấy một suất đá chính thôi lúc này đã là khó khăn với cầu thủ sinh năm 1997 chứ chưa nói gì tới việc tìm cơ hội tỏa sáng. Có lẽ Quang Hải cần thật sự nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề tương lai của mình trong bối cảnh sự nghiệp của cầu thủ này đang chững lại. Anh vẫn còn hơn nửa thời gian hợp đồng với Pau FC và chừng ấy nếu thuận buồm xuôi gió thì cũng đủ để hy vọng về khả năng cải thiện tình hình. Thế nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra hiện tại, hy vọng ấy chẳng khác nào sợi chỉ mỏng manh.

Trong những ngày đầu năm mới, Công Phượng và Văn Toàn cũng đã chọn cho mình con đường chinh phục các giải đấu hàng đầu châu Á. Công Phượng đang tích cực hòa nhập cùng với Yokohama FC ở J.League 1. Kinh nghiệm từ những lần “du học” trước hy vọng sẽ giúp Phượng thuận lợi hơn trong lần quay lại Nhật Bản này. Còn Văn Toàn có lần đầu tiên ra nước ngoài với điểm đến là CLB Seoul E-Land, đang thi đấu ở K.League 2 nhưng lại được đánh giá là bến đỗ hợp lý cho anh thời điểm này.

Công Phượng đang tích cực hòa nhập cùng Yokohama FC. Ảnh | YOKO

Có thể thấy rõ, trước mặt Công Phượng và Văn Toàn là những thử thách không dễ vượt qua. Gần 7 năm trước, Công Phượng hoàn toàn không có cơ hội ra sân dù chỉ đầu quân cho Mito Hollyhock ở J.League 2. Giờ đây, khi tiền đạo sinh năm 1995 được trao cơ hội tại J.League 1, thử thách còn ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều. Trường hợp của Văn Toàn còn khó khăn hơn bởi anh thậm chí chưa từng thi đấu ở bất kỳ đội bóng nào ngoài Hoàng Anh Gia Lai. Vấn đề lớn nhất với Văn Toàn là phải thích nghi với môi trường văn hóa mới, ngôn ngữ mới và câu chuyện về thể lực.

Có lẽ, chỉ có Huỳnh Như là đang đem lại tín hiệu vui trên con đường xuất ngoại của các cầu thủ Việt. Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam là cầu thủ nữ đầu tiên của bóng đá Việt Nam xuất ngoại thi đấu theo đúng nghĩa và đang có quãng thời gian tuyệt vời ở nơi “xứ người”. Từ chỗ dự bị, Như trở thành kép chính của Lank FC với nhiều bàn thắng và kiến tạo tại giải vô địch Bồ Đào Nha. Tất nhiên không thể đem bóng đá nữ lên bàn cân đo với bóng đá nam, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Song, những nỗ lực của Như đáng để các cầu thủ khác tiếp tục ấp ủ giấc mơ xuất ngoại. Huỳnh Như mất 2 năm mới có thể xuất ngoại. Cô âm thầm học tiếng Bồ Đào Nha, rèn luyện thể lực và chuẩn bị về tâm lý. HLV Mai Đức Chung đánh giá: “Huỳnh Như là trường hợp rất triển vọng và tôi thấy mừng cho bóng đá nữ Việt Nam. Bạn ấy đã thi đấu rất thành công, cũng là tấm gương sáng cho các cầu thủ nữ khác noi theo”.

Thực tế, “xuất khẩu cầu thủ” là nhiệm vụ mang tính then chốt của bóng đá Việt Nam để nâng tầm chính mình. Những chuyến “du học” khá khắc nghiệt, tính cạnh tranh cao lại mang đến nhiều hành trang cần thiết, giúp cầu thủ trưởng thành, bản lĩnh, cải thiện chuyên môn khi được tập luyện và thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để tìm được bến đỗ phù hợp mới là việc rất quan trọng, mang tính quyết định cho tương lai cuộc phiêu lưu của cầu thủ ở vùng đất xa xôi, lạ lẫm.