Sau gần 4 thập niên theo nghiệp huấn luyện với đầy ắp vinh quang, HLV Mai Đức Chung đã chính thức hoàn tất nhiệm vụ sau trận đấu cuối cùng của vòng loại 2 Olympic 2024 cùng đội tuyển nữ Việt Nam. Không chỉ có tài năng, sự tận tụy và gắn bó với bóng đá nữ của ông trước nay chưa từng có ai làm được. Những cống hiến của nhà cầm quân 72 tuổi đã góp công lớn vào những cột mốc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam. Trong đó, vẻ vang nhất là tấm vé lịch sử đến World Cup 2023 sau hơn 20 năm nỗ lực. Ngoài ra, ông cùng các học trò giành đến 6 HCV SEA Games. Thành tích vô tiền khoáng hậu là 4 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp (2017, 2019, 2022, 2023).
“Nói về thành tích của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới thời HLV Mai Đức Chung, những người làm bóng đá đều cảm thấy vinh dự. Bất cứ ai cũng mong muốn thể thao nước nhà có đội tuyển tham dự các giải đấu quốc tế để mang hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây là vinh dự rất lớn”, chuyên gia Phan Anh Tú chia sẻ.
Chính vì vậy, cuộc chia tay của ông để lại nhiều tiếc nuối. Giữa dòng chảy của cuộc sống, hào quang của quá khứ sẽ không ở lại mãi. Ông Chung cũng đã truyền đi thông điệp rõ ràng rằng, mình đã không còn phù hợp bởi tuổi tác, bởi triết lý hay bất cứ lý do nào khác. Và có lẽ, đội tuyển nữ Việt Nam cần một “thuyền trưởng” trẻ trung hơn, hiện đại hơn. Nhưng đối mặt với di sản đồ sộ mà HLV Mai Đức Chung để lại, không phải ai cũng có thể sẵn sàng tiếp nối.
Sau dấu ấn lịch sử tham dự World Cup nữ 2023, tuyển Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu đi xuống khi thất bại tại ASIAD 19 và Vòng loại thứ 2 Olympic Paris 2024. Tại vòng loại, tuyển nữ Việt Nam chỉ giành được trận thắng duy nhất trước đội yếu nhất bảng là Ấn Độ, trong khi để thua Uzbekistan 0-1 và thua Nhật Bản 0-2. Sự khắc nghiệt của vòng loại Olympic cho thấy tuyển nữ Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn so với tốp đầu châu lục.
Bóng đá nữ sẽ bước vào hành trình mới. Ảnh: Dương Ngọc |
Có thể thấy, bóng đá nữ Việt Nam đang có sự chuyển giao khá chậm, điều mà ông Chung cũng từng thừa nhận trước ASIAD 19. Tại World Cup 2023, tuổi đời trung bình của các cô gái Việt Nam khoảng 28 tuổi. Những trụ cột như Kim Thanh, Huỳnh Như, Thùy Trang đã ngoài 30. Lứa cầu thủ như Chương Thị Kiều, Dương Vân, Thái Thảo, Bích Thùy, Hải Yến, Tuyết Dung cũng tiệm cận con số 30. Những nhân tố này thật sự khó có thể góp mặt tại mục tiêu World Cup sắp tới. Đây là thời điểm mà Thanh Nhã, Diễm My, Hải Linh, Vạn Sự, Khổng Thị Hằng... bắt buộc phải có những bứt phá để sẵn sàng thay thế đàn chị. Bên cạnh đó là lứa cầu thủ U20 quốc gia như Kiều My, Thanh Thảo, Bảo Trâm, Vũ Thị Hoa, Trần Nhật Lan, Ngọc Minh Chuyên... đang thi đấu rất tiến bộ dưới sự dẫn dắt của HLV người Nhật Bản Akira Ijiri.
Việc dự World Cup 2023 mở ra vận hội mới cho bóng đá nữ nước nhà, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn mà không thể chỉ đặt hy vọng vào việc sẽ có một ông Chung thứ hai. Điều cần làm bây giờ không chỉ là tìm người kế nhiệm đủ tầm, VFF phải tiếp tục có những chiến lược đồng bộ, dài hơi để xây dựng lực lượng từ lứa trẻ như U20, U17 đến đội tuyển quốc gia. Phong trào bóng đá nữ ở Việt Nam còn nhiều bất cập và chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội, cho nên nguồn cầu thủ nữ rất hạn chế, ít sự lựa chọn. Chưa hết, chất lượng giải vô địch quốc gia nữ cũng cần được cải thiện, khi mà hiện nay giải chỉ có 5-6 đội tham gia, không có thể thức lên xuống hạng, thời gian thi đấu chỉ có 3-4 tháng.
12 mùa bóng, giải bóng đá nữ vô địch quốc gia vẫn chỉ có 1 nhà tài trợ là Thái Sơn Bắc. Dù cho gây tiếng vang lớn như vậy nhưng vẫn không nhiều nhà tài trợ quan tâm hay chỉ là thưởng cho đội tuyển. Trong khi đầu tư cho bóng đá ở địa phương và giải quốc gia mới là xương sống của một nền bóng đá. Chu kỳ thành công của một đội tuyển hay nền bóng đá nào cũng vậy, có giai đoạn đỉnh cao, nhưng cũng có lúc thoái trào. Một hành trình khép lại sẽ có hành trình mới mở ra. Và cách chúng ta đối mặt với hiện tại thế nào sẽ mang lại kết quả tương xứng.