Diện mạo mới của học sinh phổ thông đương thời

|

Tự chế tạo robot, tự tổ chức các cuộc thi đấu, trưng bày, triển lãm... quy tụ những người cùng trang lứa, trong khi người lớn - thầy cô giáo, cha mẹ - chỉ đóng vai trò quan sát viên, khách mời..., một diện mạo mới đầy hứng khởi của lứa học sinh trung học đương thời đã được thể hiện rõ ràng, ấn tượng qua cuộc thi GART EXPO 2022 tại Trường THPT Hà Nội Amsterdam...

Đội tuyển FRC duy nhất của Việt Nam

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, khi những môn thi cuối cùng của đợt thi học kỳ 1 đã kết thúc, các thành viên trong câu lạc bộ GreenAms 6520 Robotics Team háo hức lên kế hoạch cho GART EXPO 2022 và chung kết MOCK GART. Theo các thành viên câu lạc bộ, MOCK GART là giải đấu mô phỏng cuộc thi FIRST Robotics Competitions (FRC) - cuộc thi chế tạo robot lớn nhất và khó nhất thế giới dành cho lứa tuổi trung học phổ thông.

Câu lạc bộ GART hay team 6520 tập hợp thành viên là những học sinh đang theo học tại trường Amsterdam yêu thích khoa học công nghệ, say mê lập trình và hào hứng với chế tạo robot. Tuổi đời còn non trẻ (thành lập năm 2016), nhưng trong những lần tham dự FRC, team 6520 đều đã thu nhận được những thành quả ấn tượng.

Tại FRC 2021, đội Robotics trường Amsterdam đã giành giải “thiết kế kỹ thuật” - một trái ngọt với học sinh phổ thông Việt Nam vốn luôn bị định kiến không mạnh về thực hành khoa học công nghệ. Theo chuyên gia STEM - kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, đội Robotics FRC Trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội là 1 trong 4 team FRC của khu vực ASEAN suốt 15 năm qua (Singapore có 2 đội, Indonesia 1 đội và Việt Nam 1 đội của trường Amsterdam). Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực cũng mong muốn thành lập được một đội tuyển FRC nhưng chưa thành công vì độ khó cả về công nghệ lẫn thực hành.

Tự nghiên cứu, lục lọi từ sách, các tài liệu trên internet và tham vấn những kỹ sư, chuyên gia quen biết, các thành viên của GreenAms 6520 Robotics Team hầu như tay bo, mày mò lên ý tưởng, thiết kế, mua sắm, xin tài trợ các nguyên vật liệu, động cơ... rồi lắp ráp, soạn phần mềm điều khiển và hoàn tất quá trình chế tạo robot không hề có sự “nhúng tay” của người lớn.

Gian trưng bày của học sinh trường THPT Thái Phiên tại GART EXPO 2022.

Những gặt hái bước đầu của team 6520 kích thích trở lại sự tò mò công nghệ, sự hào hứng với giáo dục STEM của học sinh trong trường và nhân rộng hơn ra các trường bạn tại Hà Nội cũng như cả nước. Giải chung kết MOCK GART và GART EXPO 2022 diễn ra tại hành lang A-B trường Amsterdam là cuộc chơi hoàn toàn tự lực của các bạn trẻ mà hầu hết đều chưa tròn 18 tuổi. Trưởng ban tổ chức cũng là một học sinh - Đỗ Trọng Minh - lớp 11 chuyên Lý1 - thành viên của team 6520 đầy kinh nghiệm vì đi qua nhiều mùa chinh chiến. Điều dễ nhận thấy ở những chàng trai, cô gái đúng nghĩa tuổi teen này là tự tin và giao tiếp tiếng Anh thành thạo.

Vẫn học giỏi, vẫn tham gia các hoạt động ngoại khóa, dù cũng thức khuya (theo xu thế của học sinh đương thời) và dậy sớm (để kịp giờ tới trường), nhưng Minh vẫn tự nhủ: không cảm thấy áp lực thiếu thời gian để học, để chơi... Đang học lớp 10 chuyên sinh, mới vào trường vừa chẵn một học kỳ, Nguyễn Khánh Linh hoạt động trong nhóm truyền thông, chủ động liên hệ, kết nối sự kiện của team mình với các bên liên quan...

Tất cả chung tay góp sức làm nên sự kiện thường niên thuần túy khoa học công nghệ ngay ở cái tuổi còn bị đánh đồng ăn chưa no lo chưa tới. Sự tham gia của đông đảo người lớn, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các chuyên gia STEM và cả học sinh các lứa tuổi ở vị trí khán giả, khách mời... chứng minh tính hấp dẫn của cuộc trưng bày và cuộc thi chung kết, cũng như sự tôn trọng mà chính người lớn đã dành cho học sinh, dành cho con em của mình...

Giới thiệu kính thực tế ảo do học sinh tự lắp ráp tại GART EXPO 2022.

Cũng học lớp 11 chuyên Lý nhưng đến từ Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), Hà Tiến Triệu và team Robotics của trường trình diễn hệ thống robot gắp bóng mà các em tự lắp đặt. Mua động cơ, vật liệu bằng tiền tiết kiệm, tiền trợ giúp của bố mẹ, có những mặt hàng phải đặt từ nước ngoài, đội THPT Sơn Tây không lép vế là mấy so với team trường Ams được mệnh danh mạnh nhất trong khối học sinh trung học.

Lãnh đạo các nhà trường, các thầy cô giáo, cả cha mẹ dường như bị cuốn theo cuộc chơi của con em mình, luôn tạo điều kiện hết sức và đôi khi, đóng vai nhà tài trợ khi những nhà sáng chế nghiệp dư gặp khó trong quá trình mua các thiết bị, vật dụng. Linh hoạt ứng biến với tư duy, không chỉ chăm chắm học lý thuyết, học ghi nhớ kiến thức mà ứng dụng thực tế, thực hành luôn bằng các sân chơi ngoại khóa thiên về STEM - khoa học - công nghệ và kết quả của quá trình ấy được thể hiện ở sự bùng nổ trong một góc trường Amsterdam vào ngày đầu năm mới dương lịch, cận kề Tết âm lịch 2023 với cuộc đấu của các robot tự chế.

Hai robot của team GART 6520 khối lượng gần 50kg thi tài trên sân bóng 8mx16m đúng tiêu chuẩn FRC trong tiếng reo hò cổ vũ của cả học sinh và... thầy cô giáo. Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn - người gắn bó với giáo dục STEM nhiều năm qua phấn chấn: “Các chuyên gia STEM và nhiều phụ huynh đã nhìn thấy một thế hệ trẻ khác hẳn thế hệ chúng ta”...

Hình thành cộng đồng Robotics

Cảm hứng STEM, robot từ nơi có điều kiện bậc nhất trường chuyên Amsterdam đã lan tỏa tới nhiều ngôi trường tại nhiều địa bàn khó khăn bậc nhất cả nước. Từ Mù Cang Chải, vùng núi cao xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái đến các trường tại Lạng Sơn, Lào Cai... đều đã thành lập các câu lạc bộ robot từ nguồn robot ban đầu là quà tặng của các nhà hảo tâm nặng lòng với giáo dục STEM. Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge được Đại học FPT bảo trợ đã thu hút được hơn 40 đội tham gia để hằng năm thi đấu, tuyển chọn một đội tham gia giải Olympic robot thế giới.

Đại học VinUniversity, Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nhóm STEM for Việt Nam tập hợp các nhà khoa học hầu hết đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài; Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Kế hoạch Đầu tư..., rất nhiều cơ quan đoàn thể, hội nhóm đã cách này hay cách khác, tích cực thúc đẩy giáo dục STEM thông qua một trong những hình thức hấp dẫn là tự chế tạo và điều khiển robot như: tặng robot cho các trường học, cử chuyên gia huấn luyện, dạy lập trình miễn phí diện rộng theo các hình thức cả trực tuyến lẫn trực tiếp... Nỗ lực bền bỉ, phi lợi nhuận của từng cá nhân, tập thể thời gian qua đã góp phần hình thành nên nhận thức mới về giáo dục STEM, lập trình và cũng theo đó, ra đời một cộng đồng Robotics ở Việt Nam...

Giáo dục phổ thông đang gặp những thách thức chưa từng có với sự phát triển từng ngày của khoa học-công nghệ, của sự cạnh tranh để rồi liên tiếp cho ra đời những ứng dụng mới làm biến đổi mọi mặt đời sống của chính các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Có thể, trước cả khi các nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam cụ thể hóa những hành động thích ứng với thực tế cuộc sống, thì chính học sinh, dù mới le lói, dù chưa thực sự phổ cập diện rộng, nhưng được trợ giúp, đỡ đầu, hướng dẫn từ những người đi trước, đã tự update, cập nhật chính bản thân mình theo cùng dòng chảy của khoa học-công nghệ để không bị tụt hậu, không để bị bỏ lại phía sau ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.