Alzheimer: Về già ta có mắc không?

|

Ông Trời quả là oái oăm, khi y học ngày càng tiến bộ, con cái ngày càng dễ mua thuốc bổ cho phụ huynh, thì câu chuyện về các cụ già lại càng "dở khóc dở cười". Trong nhiều cuộc chè chén, chuyện bố mẹ lẫn cẫn của ai đó trở thành chủ đề dễ lây lan nhất, nhiều đồng cảm nhất. Ai cũng có một thí dụ sát sườn, có cái còn vui vui kiểu quên quên nhớ nhớ ở người già; có cái thật trớ trêu đáng thương của các cụ bị Alzheimer (An-de-mơ), không ai cười nổi vì thấy thật tàn nhẫn...

Không nhớ gì nữa là điều đáng buồn nhất. Như hộp thư mất mật khẩu, biết mọi thứ vẫn ở đó nhưng đã vĩnh viễn mất sạch rồi. Câu kết luận của những đứa con trung niên là: chỉ mong sao mình đừng mắc Alzheimer, và nếu có mắc, mong lúc ấy con cái đừng để mình thành lố bịch.

Alzheimer là lão hóa?

Đã sống lâu thì phải có lão hóa. Nhưng Alzheimer không phải là lão hóa thông thường. Đó là một chứng bệnh khiến nhiều phần não dần dần bị teo đi, đặc biệt là hồi hải mã là nơi lưu giữ và tạo ký ức.

Người bị Alzheimer sẽ mất dần trí nhớ. Đầu tiên là quên tên, quên việc, quên điều mình đang nói; quên cách xử lý những việc mình vẫn thạo làm; quên lối đi, kể cả từ phòng này sang phòng kia cũng lạc; quên tên con cái, người nhà. Và cuối cùng quên cả tiếng người...

Alzheimer là bệnh của bộ não

Không máy tính nào trên thế giới này tốn nhiên liệu như não: tiêu thụ tới 20% lượng oxy của toàn thân. Người ta tính, mỗi khi nghĩ ngợi chuyện gì căng thẳng, não phải dùng tới 50% oxy cơ thể. Nhưng cũng không máy tính nào làm việc được như não. Một mùi thơm vừa thoáng qua bạn đã có thể nhớ lại về cả một con người. Tai chỉ cần nghe một điệu nhạc đã lập tức biết nhạc sĩ này "đạo"... Đó là các tế bào não đã mò vào tận kho ký ức, moi ra những gì bạn từng nghe từ quá khứ, đem so sánh với thứ bạn mới nghe...

Mọi việc diễn ra trong một cái chớp mắt. Để làm được thế, một tập thể neuron (nơ-rôn) phải cùng nhau phối hợp "thần tốc". Trong não có 100 tỷ neuron, là những tế bào hình ông sao với các tua rua và một sợi trục. Tín hiệu thần kinh chạy theo sợi trục ấy, ở cuối có một cấu trúc tên là synapse (xi-nap), là bệ phóng để tín hiệu "phóng" tiếp sang neuron hàng xóm, như cách người ta chuyền cái gậy trong một cuộc chạy tiếp sức.

Thủ phạm đầu tiên: Đám rối của "tau"

Như mọi tế bào khác, neuron thần kinh cũng phải ăn (và ăn nhiều là khác). Chất dinh dưỡng đi khắp neuron nhờ một mạng lưới các ống li ti như ống hút. Trong thành phần tạo nên các ống ấy có một chất tên là tau.

Mọi chuyện đang bình thường, ở người Alzheimer, một ngày kia các sợi tau bỗng dài ra, cong queo, khiến các ống li ti kia đang thẳng thớm cũng cong queo theo, không chuyển chở được chất dinh dưỡng nữa. Thiếu ăn, cái khung của tế bào sụp đổ, sợi trục dúm dó không dẫn được tín hiệu, tế bào chết; nhiều tế bào như thế vón lại thành đám rối. Người ta thấy ở não người Alzheimer có đầy những đám rối như thế.

Thủ phạm thứ hai: Mảng vón của Aβ

Bên cạnh các đám rối, người ta thấy trong não người Alzheimer còn có các mảng vón. Chúng là chất amyloid β (Aβ - amiloi bêta) bình thường ở trong cái bao mỡ màng của tế bào não, nay bong ra và vón lại, nằm len lỏi ngáng giữa các tế bào như một tường lửa, khiến việc chuyển tín hiệu giữa các tế bào bị ngáng trở. Tích tiểu thành đại, dần dần cả một vùng não bị bất hoạt, các neuron loay hoay không chuyển tin được cho nhau, cũng không truy cập được kho thông tin cũ. Đó là quên.

Tìm ra được các thủ phạm này, người ta ào vào tìm cách điều trị trên... chuột. Nào liệu pháp miễn dịch; nào chất ức chế ngăn vón; nào men ngăn chất có hại sinh ra. Các nhà nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) danh tiếng còn đem lấy ánh sáng LED nháy với tần số 40 nhát/giây vào mắt những con chuột bị Alzheimer (kiểu chuột), rồi cho nghe một âm thanh với tần số tương ứng, và thấy cả hai thủ phạm là tau lẫn đều giảm, các triệu chứng cũng cải thiện.

Nhưng chuột là chuột, người là người, và làm sao biết được một con chuột đang bị Alzheimer để mà đối chứng trước và sau điều trị? Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc nào chặn đứng được cơn bão quên một khi nó đã thổi qua não. Những thuốc tăng tuần hoàn não được dùng như thể để an ủi người chăm là đã làm hết cách. Khi các đám rối mảng vón đã lan tràn, não đã teo, người ta nhận ra, việc ngăn chặn đáng lẽ phải làm từ khi ta còn trẻ. Bởi vì theo tạp chí Nature, chất amyloid β đã bắt đầu vón lại từ rất sớm, 20 đến 30 năm trước khi chủ nhân của bộ não có triệu chứng của Alzheimer.

Làm gì để ngăn từ sớm?

Tháng ba năm 2019, Science Daily đưa tin đại học Nam California đã thí nghiệm như sau: tạo ra những con chuột có triệu chứng như Alzheimer, sau đó cho chúng ăn một hỗn hợp gồm các chất có trong trà xanh và cà rốt. Kết quả, họ thấy các triệu chứng giảm. Giáo sư Terrence Town, trưởng nhóm nghiên cứu nói, "Ta không cần phải đợi 10 tới 12 năm để có thuốc bán ra thị trường; ta có thể thay đổi khẩu phần thế này ngay từ hôm nay".

Nhưng ngoài cà rốt với trà xanh ăn mãi thì thành... thỏ, ta còn có thể làm gì để biết-đâu-ngăn-được Alzheimer? Tổng hợp nhiều ý kiến, ta nên:

1. Chữa bệnh này ngăn bệnh khác

Cứ 100 người Alzheimer thì 80 người mắc bệnh tim mạch. Ngược lại, ở một số người, não tuy đầy những mảng vón và đám rối, nhưng lại không mang triệu chứng của Alzheimer. Sao lại thế?

Các bác sĩ giải thích, các mảng vónđám rối ấy chỉ phát tác khi hệ mạch máu não cũng có vấn đề. Tức bệnh về tim mạch là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer. Do đó ai đang có cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu nhiều cần khống chế ngay các rối loạn này, vì chúng lâu dài đều đưa đến bệnh về tim mạch.

2. Siêng tập thể dục

Người ta thấy ở người đã có Alzheimer, tập thể dục làm trì hoãn các triệu chứng. Thể dục đây không phải quơ quào cho có, mà cần vận động ở mức độ khá cao để máu và oxy dồi dào lên nuôi não. Thí dụ mỗi ngày cần 30 phút aerobic cho toát mồ hôi, một tuần khoảng bốn ngày như thế. Ngoài ra cần thở tốt, vì tập nhiều mà cả ngày thở sai thì cũng chẳng tác dụng gì.

3. Tránh chấn thương đầu

Người ta thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa chấn thương đầu nặng với khả năng mắc Alzheimer về sau, đặc biệt là những chấn thương có đưa đến bất tỉnh. Giải pháp là bảo vệ cái đầu, cả khi già lẫn khi trẻ, không phải chỉ ở ngoài đường mà cả ở nhà (nhất là ở nhà, nơi ta chủ quan nhất).

4. Ăn kiểu dân Địa Trung Hải

Người ta cũng thấy ăn kiểu này làm tiến triển bệnh chậm lại. Thực đơn đó gồm nhiều rau và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, dầu olive, đậu phộng, cá, gà (ăn vừa phải thôi), trứng, các chế phẩm từ sữa. Lưu ý thịt đỏ thỉnh thoảng lắm mới ăn. Bánh kẹo ai cho thì "đẩy" tiếp đi, đừng giữ lại mà ăn, vì đường là thứ cần hạn chế.

5. Ngủ đủ ngủ ngon

Càng ngày càng rõ rằng ngủ tốt giúp ngăn được Alzheimer. Trong lúc ngủ, não vệ sinh các synapse để việc truyền tin được thông thoáng, lọc bỏ những ký ức không cần thiết, và dọn bớt amyloid β để không tạo mảng vón. Nên phấn đấu ngủ được tám tiếng mỗi đêm mà không dùng thuốc. Và muốn ngủ ngon thì sao? Thì vận động trong ngày cho nhiều vào, thí dụ như tập aerobic...

6. Uống rượu vang

Giáo sư Gad Marshall của Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Alzheimer thuộc trường Harvard cho biết, hiện người ta đang phân vân về mối liên hệ giữa việc giảm nguy cơ mắc Alzheimer với uống rượu vang (và chỉ vang thôi), ở một lượng vừa phải (một ly mỗi ngày cho nữ, hai ly mỗi ngày cho nam).

7. Học điều mới mẻ

Điều này chưa có bằng chứng rõ, vì vẫn đầy người giỏi giang ham học về sau mắc Alzheimer. Tuy nhiên thật ra chúng ta mới dùng có 10% bộ não. Học điều mới ít ra để đỡ phí não; bởi vì ta chỉ sống có một lần trên đời, hãy dùng não để thâu nạp càng nhiều cái hay ho càng tốt.

Học điều mới là mở thêm những con đường mới trên vỏ não, tránh mãi một lối mòn tư duy, cũng là tránh lẫn. Có nhiều cụ già bắt đầu lẩn thẩn, giao cho một nhiệm vụ lý thú lập tức cụ minh mẫn ngay; đủ biết một trải nghiệm mới mẻ và không gây áp lực có thể coi là một bài thể dục tốt cho não.

*

Tóm lại, dù sau này có Alzheimer hay không, hoặc có sống được đến lúc già để Alzheimer không, thì lúc này ta vẫn nên tiến hành những bước phòng ngừa; xét ra chẳng mất gì và cũng dễ thực hiện, không bổ dọc thì cũng bổ ngang. Quan trọng nhất là để sau này, rủi có ốm đau bệnh tật, nằm một chỗ, trước khi quên hết, ta có thể không ân hận mà mỉm cười tự nhủ, "Với cơ thể này, mình đã làm hết những gì có thể làm!".