Hoàn tất quá trình chuẩn bị
Vừa trở về từ Pháp sau chuyến đi để đánh giá lần cuối cùng quả vệ tinh viễn thám nặng 130 kg do EADS Astrium (Pháp) - công ty lớn thứ ba thế giới về sản xuất vệ tinh dân dụng, thiết kế chế tạo, Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng ban quản lý vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thông báo, việc chuẩn bị để phóng VNREDSat-1 đã gần như hoàn tất.
Ngày 8-3, VNREDSat-1 được chuyển đến bãi phóng Kourou ở Guyana (Pháp) để chuẩn bị cho hành trình “lên trời”, bắt đầu quan sát chụp ảnh trái đất. Dự kiến, chỉ bảy tiếng đồng hồ sau khi phóng, VNREDSat-1 đã có thể tiếp nhận những tín hiệu đầu tiên. Theo Công ty Arianespace, đơn vị chịu trách nhiệm phóng vệ tinh, tên lửa đẩy Vega sẽ đưa cùng lúc hai quả vệ tinh lên quỹ đạo. Và “bạn đồng hành” cùng VNREDSat-1 của Việt Nam là vệ tinh khảo sát môi trường Proba-V của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).
Khác với vệ tinh viễn thông như Vinasat nằm ở độ cao 36.000 km, trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối không thay đổi so với Việt Nam, thì vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động toàn cầu và có khả năng chụp ảnh bằng công nghệ quang học tất cả các vùng trên bề mặt trái đất từ độ cao khoảng 680 km. Tuổi thọ của VNREDSat-1 theo thiết kế là năm năm. VNREDSAT-1 có khả năng chụp ảnh với độ phân giải cao. Độ nét của các ảnh được chụp phụ thuộc vào thời tiết và độ phân giải của đầu thu. Theo quỹ đạo bay, cứ ba ngày, vệ tinh quay lại điểm ban đầu.
VNREDSat-1 có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra các sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu... Ngoài ra, VNREDSat-1 cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi tài nguyên nước, theo dõi biến động môi trường; theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ...
Sẵn sàng tiếp nhận đủ nhân lực điều hành vệ tinh viễn thám
VNREDSat-1 là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Pháp và Việt Nam. Vào tháng 11-2009, Chính phủ Pháp và Việt Nam đã ký nghị định thư tài chính, cấp nguồn kinh phí cho dự án với tổng mức đầu tư từ vốn ODA của Chính phủ Pháp là 55,8 triệu euro (tương đương 72,5 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam là khoảng hơn 80 tỷ đồng. Sau hơn một năm chuẩn bị, ngày 14-1- 2011, phía Pháp đã khởi công thiết kế, chế tạo vệ tinh viễn thám đầu tiên cho Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 được chế tạo tại nhà máy của EADS Astrium tại Toulouse (Pháp), đã hoàn thành các công đoạn kiểm tra, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để sẵn sàng đưa đến bãi phóng.
TS Bùi Trọng Tuyên cho biết, tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai ba trung tâm để điều hành, tiếp nhận và xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1 gồm Trung tâm điều hành (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Trung tâm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Được biết, Trạm thu ảnh vệ tinh cũng được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Pháp, có hệ thống kỹ thuật đồng bộ để thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh từ VNREDSat-1, nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.
Hiện tại, ba trung tâm này đã được hoàn thiện và trong tình trạng sẵn sàng tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh sau khi phóng thành công.
Trong quá trình thiết kế, chế tạo, 15 kỹ sư trẻ của Việt Nam đã được cử sang Toulouse để tiếp cận quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất vệ tinh ngay tại công ty. Đây là một bước để Việt Nam tích lũy kinh nghiệm ban đầu trong việc thiết kế chế tạo, nhưng quan trọng hơn là làm chủ quá trình điều khiển, vận hành và khai thác vệ tinh. Họ đã hoàn thành xuất sắc đợt đào tạo kéo dài một năm rưỡi và trở về Việt Nam.
Ngoài ra, năm kỹ sư vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao tại Pháp.
Về tới Việt Nam, các nhóm kỹ sư này tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn và đến nay hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh sau khi phóng thành công lên quỹ đạo. Ba tháng sau khi phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1, phía Pháp sẽ bàn giao toàn bộ việc vận hành, khai thác vệ tinh cho Việt Nam.
Vệ tinh nhỏ - khát vọng lớn
Để có ảnh quan sát trái đất, từ trước đến nay, các cơ quan liên quan của Việt Nam phải mua ảnh với giá 2.000 - 5.000 USD/ảnh và mất ít nhất một đến hai tháng mới nhận được. Những thông tin và số liệu như bão lũ, cháy rừng, tràn dầu, thường không được cập nhật nhanh chóng và thường xuyên. Cho nên, các bức ảnh đó chỉ có thể dùng để phân tích và nghiên cứu trong bối cảnh không trùng với thời gian thực. Hơn nữa, các cơ quan cần ảnh viễn thám đều mua ảnh theo kênh riêng của mình, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Nếu VNREDSat-1 được phóng theo đúng dự kiến từ ngày 18 đến 20-4 tới, sẽ là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam làm chủ công nghệ quan sát trái đất, có một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, hoàn toàn độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm dữ liệu, sẽ giúp duy trì và phát triển lâu dài hệ thống giám sát với chi phí thấp hơn nhờ sử dụng nguồn nhân lực trong nước, tiết kiệm được ngoại tệ nhà nước phải bỏ ra hằng năm để mua ảnh viễn thám, không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp ảnh viễn thám nước ngoài. Và quan trọng hơn, chúng ta sẽ chủ động được nguồn tư liệu ảnh vệ tinh, chủ động vị trí, tọa độ cần chụp ảnh để theo dõi hiện trạng mặt đất, biển và hải đảo.
VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên và là vệ tinh thứ ba của Việt Nam nằm trong kế hoạch triển khai Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 do Chính phủ phê duyệt từ năm 2006. Chiến lược xác định mục tiêu cơ bản là: Từng bước làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa.
Tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, mặc dù là một mục tiêu trong chiến lược này từ bảy năm qua, nhưng phải đến khi chuẩn bị phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên là VNREDSat-1, với thiết kế chế tạo hoàn toàn của Pháp, thì 15 kỹ sư đầu tiên của Việt Nam mới được tiếp cận với quy trình thiết kế, chế tạo này ngay tại nhà máy. Công đoạn này có ý nghĩa rất lớn, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với công nghệ vũ trụ mà lẽ ra phải mất vài chục năm mới đạt được như các nước. Mặc dù lúc này chưa thể trả lời được câu hỏi bao giờ chúng ta chế tạo được vệ tinh viễn thám, nhưng đó là những tín hiệu vui để chúng ta có quyền hy vọng đạt được mục tiêu lớn này trước năm 2020.
Mô hình vệ tinh VNREDSat-1.