- Trong các bài viết của mình, bà đã nhiều lần nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu. Bà có thể đưa ra đánh giá tổng quan về xu thế này của điện ảnh Việt Nam?
- Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp văn hóa manh nha từ đầu những năm 2000. Cột mốc quan trọng cho việc định hướng xây dựng công nghiệp văn hóa là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó khẳng định: Phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới, đồng thời nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển công nghiệp văn hóa, những điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa và nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Nói vậy để thấy, chỉ cách đây khoảng chục năm, thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh" chưa thông dụng ở Việt Nam. Người ta hay dùng các cụm từ "Nền điện ảnh Việt Nam", hay "Ngành điện ảnh Việt Nam". Khi nói về một bộ phim, người ta cũng thường dùng thuật ngữ là "tác phẩm điện ảnh" chứ không mấy khi xem đó là một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh, càng không coi nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Thực tế, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, thật mừng khi Luật Điện ảnh 2022 đã có khái niệm "Công nghiệp điện ảnh", đồng thời có nhiều điểm mới để đạt được mục tiêu cốt lõi là phát triển công nghiệp điện ảnh.
Trong một thập niên trở lại đây, thị trường điện ảnh ở Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nóng trên thế giới với mức tăng khoảng 20%/năm. Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD), nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 vào năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD); doanh thu phim Việt năm 2018 cũng đạt chỉ tiêu của năm 2020 (khoảng 50 triệu USD). Đến năm 2019, tổng doanh thu vượt thêm gần 20% (176 triệu USD) so với chỉ tiêu trong Chiến lược.
- Luật Điện ảnh 2022 đã củng cố cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Điểm mới cốt lõi này liệu sẽ mang đến bước ngoặt cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam hay không, thưa bà?
- Có thể thấy điểm mới cốt lõi nhất ở Luật Điện ảnh năm 2022 là quan điểm coi phát triển điện ảnh chính là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Về nguyên tắc hoạt động điện ảnh, Luật quy định các tổ chức, cá nhân cũng có quyền góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh một cách bình đẳng như các cơ quan, nghĩa là không có sự phân biệt giữa cơ sở của Nhà nước và tư nhân. Nguyên tắc này nếu được thực hiện một cách xuyên suốt thì sẽ có cơ hội huy động các nguồn nhân lực, vật lực của xã hội để phát triển điện ảnh. Về chính sách của Nhà nước, có thể nói đây là lần đầu, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường điện ảnh nhận được sự quan tâm từ Luật, được Luật hóa rõ ràng - "Nhà nước sẽ có chính sách để huy động các nguồn lực" - để xây dựng công nghiệp điện ảnh.
Nói đến phát triển công nghiệp điện ảnh Việt là nói tới các khâu quan trọng nhất, gồm sáng tạo và sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim và phát triển thị trường điện ảnh; quảng bá, xúc tiến phát triển công nghiệp điện ảnh. Những khâu này đều được quy định bằng những điểm mới trong Luật Điện ảnh.
Trong khâu sáng tác và sản xuất phim, có sự bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân, không phân biệt hãng phim Nhà nước và tư nhân. Các hãng phim đều được tham gia sản xuất phim đặt hàng khi họ xây dựng kịch bản và dự án làm phim đúng chủ đề, tiêu chí quy định trong Luật và kịch bản được Hội đồng thẩm định kịch bản của chủ đầu tư phê duyệt.
Về phát hành, phổ biến phim, lần đầu Luật Điện ảnh 2022 quy định chế độ "tiền kiểm" kết hợp "hậu kiểm" thay vì chỉ "tiền kiểm" như trước. Các tổ chức, doanh nghiệp được phép tự thẩm định, phân loại để phổ biến trên mạng theo quy định. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của điện ảnh.
Luật Điện ảnh 2022 cũng có một chương mới về quảng bá và xúc tiến phát triển điện ảnh. Theo đó quy định: "Xây dựng, quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển thị trường điện ảnh trong nước và nước ngoài". Thương hiệu và thị trường thật sự là những yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp điện ảnh. Bên cạnh đó, quy định mở rộng các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tổ chức các sự kiện điện ảnh (quốc tế và trong nước) chính là động lực phát triển thương hiệu điện ảnh, đặc biệt là đã khuyến khích được các nguồn lực ngoài Nhà nước chung tay xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việc hợp tác sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài cũng có sự đổi mới đáng kể với những quy định chính sách ưu đãi cho phim nước ngoài quay tại Việt Nam. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng ưu đãi đối với các đoàn làm phim rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Nhiều nước thu lợi lớn từ các ngành dịch vụ và du lịch khi đón các phim "bom tấn" quay tại nước mình, đồng thời phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao kỹ năng và tay nghề, nguồn nhân lực điện ảnh tinh thông. Nếu chúng ta không cụ thể hóa được những chính sách và "niêm yết" rõ ràng tỷ lệ ưu đãi đối với các dự án phim hợp tác và dịch vụ như ở các nước khác thì Việt Nam vẫn chỉ là "vùng đất tiềm năng" mà thôi.
Các nhà làm phim quốc tế trên thảm đỏ Lễ bế mạc và trao giải của HANIFF lần thứ 6. Nguồn: haniff.vn |
- Nhìn ra thế giới, có rất nhiều kinh nghiệm thiết thực để công nghiệp điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi để phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, theo bà, chúng ta cần và nên phát triển nền công nghiệp điện ảnh như thế nào?
- Cách đây 28 năm, Liên hoan phim Busan 1995 lần đầu được tổ chức rất khiêm tốn tại một thành phố không mấy nổi tiếng ở Hàn Quốc, khi điện ảnh Hàn Quốc mới bắt đầu trào lưu mới. Nhưng sự kiện đó đã đồng hành với sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc, vô số phim xuất sắc của Xứ sở Kim chi và các nền điện ảnh trên thế giới quy tụ về đây. Busan giờ đã được cả thế giới biết đến, Liên hoan phim Busan trở thành một trong những sự kiện điện ảnh hàng đầu của châu Á, công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc phát triển nổi bật nhất châu Á và thuộc top đầu thế giới. Sự phát triển của công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc và của Liên hoan phim Busan có thể xem là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Gần đây nhất, Việt Nam đã có một sự kiện điện ảnh lớn, thu hút được sự quan tâm trong cả nước và khu vực châu Á- Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF), do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chủ trì. Có thể nói dù lần đầu được tổ chức nhưng đây là sự kiện điện ảnh quốc tế tiên phong, minh chứng cho việc đưa quy định mới trong Luật Điện ảnh 2022 vào cuộc sống. Liên hoan phim đầu tiên được tổ chức bởi một thành phố và Hội nghề nghiệp này cũng được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là "Liên hoan phim Busan" tại Việt Nam.
Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã và đang tích cực góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh thông qua nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, giới thiệu môi trường làm phim tại Việt Nam tại các Liên hoan phim quốc tế như Tokyo, Busan...
Tôi vẫn nhiều lần nói rằng, xây dựng công nghiệp điện ảnh cần từ những công việc cụ thể. Chẳng hạn, mặc dù thị trường điện ảnh ở Việt Nam đang tăng trưởng nóng nhưng ở đó cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% số phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản. Rạp chiếu phim của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt ở các thành phố lớn, trong khi hệ thống rạp của Nhà nước ở địa phương lạc hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật, hầu như tê liệt.
Vì vậy, để phát triển bền vững thị trường điện ảnh, có ba vấn đề mấu chốt trong khâu phát hành và phổ biến phim cần giải quyết, đó là quy định cấp phép phân loại phim, tỷ lệ chiếu phim Việt và cạnh tranh lành mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!