Hiện tại, xã hội hóa trở thành giải pháp quan trọng hàng đầu, thúc đẩy sự thay đổi toàn diện cả về tư duy lẫn phương thức quản lý Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, cả ở thể thao phong trào lẫn thể thao đỉnh cao và chuyên nghiệp. Minh chứng rõ nhất là sự bùng nổ của các giải đấu, nhất là giải phong trào, với số lượng theo thống kê (từ những cuộc đấu được cấp phép, có báo cáo, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định) đã vượt qua con số 40 nghìn. Hơn 40 nghìn giải đấu trải khắp bốn cấp từ quốc gia cho đến cơ sở gắn với những đối tượng, địa bàn cụ thể, đa dạng, ở nhiều loại hình, nội dung của hơn 50 bộ môn thể thao.
Năm 2022, chỉ tính riêng môn điền kinh đã có 40 giải đấu lớn, với những sự kiện quy tụ hơn 10.000 vận động viên tham dự. Những bộ môn mới như boxing hay võ thuật tổng hợp (MMA), tưởng như khó thực hiện, cũng đã tổ chức thành công. Sự bùng nổ các giải đấu của nhiều môn, nhiều loại hình có được trước hết nhờ quá trình xã hội hóa sâu rộng, với sự nhập cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí phối hợp đối tác quốc tế.
Việt Nam hiện cũng đã có hơn 14.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục-thể thao, với quy mô đa dạng, phù hợp các đối tượng, địa bàn và nhu cầu cụ thể. Đáng chú ý, hơn 80% số cơ sở đều phát triển theo mô hình ngoài công lập, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và trực tiếp điều hành. Trong đó, hàng loạt các cơ sở, phòng tập đa môn và đơn môn, bể bơi, khu thể thao lớn, hiện đại, chuyên sâu với tiêu chuẩn quốc tế... đã xuất hiện trên cả nước.
Theo chuyên gia Vũ Trọng Lợi (Nguyên Vụ trưởng Thể thao Quần chúng), những con số vô cùng ấn tượng về số cơ sở kinh doanh dịch vụ (và nhất là số giải đấu thể thao phong trào trên thực tế còn cao hơn rất nhiều) đã vượt xa mọi kế hoạch và dự báo. Tất cả đã đáp ứng và thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tập luyện ngày càng cao của người dân, cũng như phát hiện các nhân tố, tài năng cho thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp. Nhờ xã hội hóa, tỷ lệ người dân Việt Nam tập thể dục-thể thao thường xuyên ước đạt hơn 36% trong năm 2022.
Công tác phát hiện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, rồi tập huấn thi đấu cho các đội tuyển quốc gia vốn luôn khó khăn, cũng đã có những bước tiến rõ rệt với sự trợ lực của công tác xã hội hóa. Từ Trung tâm Thể thao Thành Long, câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai ở thời kỳ đầu, Việt Nam giờ đã có hàng loạt cái tên mới, như Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF hay câu lạc bộ quần vợt Hải Đăng Tây Ninh... Tất cả không chỉ đào tạo vận động viên đơn thuần, mà còn có thể tổ chức các giải đấu, thậm chí đón các câu lạc bộ quốc tế khác đến tập huấn.
Nhờ công tác xã hội hóa, việc cử các đội, các vận động viên xuất ngoại tập huấn, thi đấu, cũng đã tăng vọt. Tại Giải trẻ Đông Nam Á 2022, cờ vua Việt Nam có tới 200 kỳ thủ dự tranh, hơn nửa trong số đó do các địa phương hay gia đình tự lo kinh phí. Nếu trông đợi vào ngân sách nhà nước, như chia sẻ của Tổng Thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Minh Thắng, "cố gắng lắm cũng chỉ lo được cho khoảng 20 vận động viên". Hay ở kỳ ASIAD 19, Đội tuyển Thể thao điện tử quốc gia, với 29 tuyển thủ (đông nhất toàn đoàn Việt Nam), đã chuẩn bị, tập huấn, thi đấu hoàn toàn bằng kinh phí do Hiệp hội Thể thao điện tử Việt Nam đảm trách.
DÙ đã có những bước tiến dài với nhiều thành quả bước đầu, song công tác xã hội hóa thể thao tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn tồn tại những rào cản khó vượt qua đối với các cơ quan quản lý, trước hết là ngành thể thao.
Về nhận thức, không ít cán bộ ngành thể thao vẫn chưa có quan niệm đúng và đủ về xã hội hóa. Câu chuyện trước giờ chỉ bó hẹp ở việc kiếm tiền tài trợ, trong khi đây là cả một lĩnh vực rộng lớn. Nhiều nơi vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn đến thiếu chủ động sáng tạo trong việc triển khai.
Một vấn đề lớn và khó khăn khác, mang tính phổ biến, như đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao): Các quy định, chính sách hướng dẫn triển khai, khuyến khích xã hội hóa đã thiếu, đặc biệt các chính sách đặc thù về miễn thuế đất, thuế kinh doanh còn rất khó áp dụng vào thực tế. Thể thao Việt Nam chưa có đủ cơ chế để "lấy thể thao nuôi thể thao" như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Nhiều loại hình kinh doanh thể thao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, khó thu hút đầu tư nếu không có chính sách ưu đãi đặc biệt.
Quá trình xã hội hóa thể thao ở nước ta qua 20 năm cũng bộc lộ sự chênh lệch, mất cân đối ngày càng tăng giữa các địa phương, vùng miền, giữa các lĩnh vực và các môn. Trên thực tế, hoạt động xã hội hóa tập trung chủ yếu và chỉ diễn ra sôi động ở các thành phố lớn, các sự kiện hay giải đấu có sức hút của bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và nhất là bóng đá nam, còn các mảng đào tạo vận động viên hay nghiên cứu khoa học lại vô cùng khó khăn.
Một thách thức gay gắt nữa chính là hệ thống các tổ chức xã hội nghề nghiệp còn yếu kém, dù đáng ra phải đóng vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hóa thể thao. Ngoài Liên đoàn Bóng đá phát triển như mẫu hình tự chủ cả về nhân sự, hoạt động và kinh phí với nguồn thu 200-300 tỷ đồng/năm, phần lớn các liên đoàn-hiệp hội thể thao còn lại đều đang tụt hậu nghiêm trọng, so yêu cầu đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã được quy định đầy đủ trong Luật Thể dục-Thể thao.
TỪ nhiều năm nay, lãnh đạo ngành thể thao đã nhấn mạnh: Hiệu quả xã hội hóa thể thao được quyết định trước tiên bởi việc hoạch định chính sách và quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự thừa nhận phương thức triển khai xã hội hóa thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Khi các vấn đề về nguồn lực phát triển được đặt ra sau những lần chuẩn bị và tranh tài vô cùng gian khó ở các đấu trường quốc tế đỉnh cao như ASIAD 19, thể thao Việt Nam cần phải có bước đột phá và tăng tốc mới trong công tác xã hội hóa.
Theo Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, đây cũng là điều mà những người làm thể thao đang trăn trở và quyết tâm thúc đẩy. Ngành thể thao đang xây dựng Chiến lược phát triển Thể dục-Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định rõ các mục tiêu, giải pháp đột phá để đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy năng lực của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cũng như phát triển kinh tế thể thao.