Kiến thức đóng vai trò như “nguyên liệu” để hình thành và phát triển năng lực. Giáo dục phát triển năng lực không chỉ trang bị cho HS kiến thức “vừa đủ” mà phải yêu cầu HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Kiểm tra, đánh giá năng lực yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học trong chương trình để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Hình thức tốt nhất để đánh giá năng lực HS là thông qua hoạt động thực tế chứ không phải là làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực trên giấy.
Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành: “Điều hòa” chất lượng, chọn hình thức đánh giá phù hợp
Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT quy định “Trường hợp cơ sở giáo dục có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS” nhằm tăng cường sự tự chủ, sáng tạo của các cơ sở giáo dục lựa chọn hình thức đánh giá năng lực phù hợp. Qua đó cũng tác động trở lại giáo viên có phương pháp dạy học tích cực, không chỉ trang bị kiến thức mà còn hướng dẫn HS biết vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống. Điều này cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng hình thành và phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực cho HS.
Nhằm kịp thời khắc phục, chấn chỉnh bất cập, hạn chế, góp phần giảm thiểu tối đa kẽ hở tiêu cực tuyển sinh đầu cấp, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tinh giản, không sử dụng kết quả các cuộc thi, hội thi do các địa phương tổ chức ở phổ thông để HS tự nguyện tham gia và không vì động cơ khuyến khích cộng điểm; bỏ lấy kết quả thi nghề để cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 giúp HS lựa chọn nghề để học theo đúng hứng thú của bản thân chứ không vì động cơ nào khác, bảo đảm thực chất.
Về lâu dài, Bộ đang nghiên cứu các giải pháp để các trường nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, “điều hòa” được chất lượng giữa các trường, tránh tình trạng nơi này quá đông về số lượng, nơi kia không đạt chỉ tiêu tuyển sinh; rà soát, sắp xếp giáo viên hợp lý và nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các trường bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình mới. Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường đều đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục theo mặt bằng chung, chắc chắn tình trạng “chạy trường, chọn lớp” sẽ giảm mạnh.
Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm Đặng Quốc Thống: Nên giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ngoài công lập
Các trường tư phải tự lo tất cả, muồn tồn tại phải giữ chữ tín dạy thực, học thực và tất yếu đòi hỏi mặt bằng chất lượng đầu vào phải bảo đảm, nếu tuyển sinh dễ dãi khó tồn tại được lâu dài. Kiểm tra, đánh giá năng lực kết hợp xét tuyển là chủ trương đúng, tạo cơ hội cho nhiều HS được thử sức, giúp sàng lọc, tuyển chọn được mặt bằng HS chính xác, đồng đều hơn, dạy học thuận lợi hơn. Kiểm tra, đánh giá năng lực không phải là thi nên không gây áp lực, tuyển sinh minh bạch, sòng phẳng, có “giấy trắng mực đen”, người đỗ cũng thấy xứng đáng, trượt cũng không ấm ức; đồng thời giảm triệt để sức ép, tác động từ mối quan hệ bên ngoài xin học vào trường. Cách ra đề cũng theo hướng câu hỏi đòi hỏi khả năng tư duy, suy luận, tránh học vẹt ngăn ngừa luyện thi. PH là người hiểu khả năng của con mình nhất, không nên “ngộ nhận” mà bắt ép quá sức và không cần thiết cho con đi học thêm để dự tuyển kiểm tra, đánh giá năng lực.
Phương án tuyển sinh nên giữ ổn định để PH và HS nắm được mặt bằng chung về điều kiện tuyển sinh của trường, đối chiếu với học lực của con để quyết định có dự tuyển hay không, chủ động, yên tâm chuẩn bị, từ đó giảm bớt áp lực tuyển sinh cho các trường. Nên giao cho các trường ngoài công lập tự chủ tuyển sinh, căn cứ tình hình thực tế có phương án hợp lý. Nếu hồ sơ dự tuyển chỉ nhỉnh hơn một chút so với chỉ tiêu thì chỉ cần xét tuyển, nếu quá đông thì áp dụng kiểm tra, đánh giá năng lực vào cuối tháng 5, thời điểm vừa kết thúc năm học, HS chưa quên kiến thức, tránh những áp lực phát sinh không cần thiết (kiểm tra vào cuối tháng 6 phụ huynh không yên tâm sẽ cho con cả tháng hè đi ôn luyện, HS không được nghỉ hè, thấp thỏm chờ thi và đợi kết quả, các trường bị động, không có nhiều thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho năm học mới).
Nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng bởi lần đầu tiên áp dụng xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực tuyển sinh vào lớp 6.
Trong tuyển sinh thì đúng tuyến luôn phải đặt ưu tiên hàng đầu, căn cứ năng lực đào tạo của trường và sức hút có thể tuyển trái tuyến nhưng với tỉ lệ hợp lý, tránh ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung của nhà trường. Quy định về chỉ tiêu (đúng tuyến và trái tuyến), phương thức, phân luồng tuyển sinh phải công khai, minh bạch, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các trường cũng như HS để HS, PH có đủ thời gian chuẩn bị, góp phần hạn chế tiêu cực, chạy trường, chạy lớp và người dân dễ dàng giám sát quá trình tuyển sinh các lớp đầu cấp, đặc biệt các cấp phổ cập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phạm Tất Thắng: Tăng cường khâu hậu kiểm
Đồng thời, cần đề cao khâu hậu kiểm, minh bạch nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn ngừa thiếu sót, các hành vi sai trái, tiêu cực trong tuyển sinh đầu cấp. Cơ quan quản lý cũng cần có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm, tuyệt đối không dung túng, công bố công khai những trường vi phạm, tùy mức độ có thể trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới, hạ mức thi đua. Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục áp dụng kiểm tra, đánh giá năng lực nên cần tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm cho các đợt tuyển sinh những năm tới, tính toán phù hợp để nhân rộng hay không, áp dụng phổ biến ở mức độ nào. Những vụ việc nóng dư luận đặc biệt quan tâm thì Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH có thể vào cuộc. Ngoài ra, chú trọng hậu kiểm việc phê duyệt và thực hiện quy hoạch, tránh tình trạng nhà đầu tư tìm cách “lách luật”, mải lo xây nhà bán kiếm lợi nhuận mà không quan tâm xây dựng hạ tầng, không bảo đảm thiết chế văn hóa dẫn tới thiếu trường học phục vụ người dân.
Trong bối cảnh ở các thành phố lớn đất chật, người đông, phát triển cơ sở vật chất các trường công lập còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống trường ngoài công lập là cần thiết. Tuy nhiên, phải xác định rõ là tạo điều kiện thế nào cho các nhà đầu tư, không để tạo ra kẽ hở trục lợi chính sách (thí dụ Nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư về đất đai xây trường, lớp nhưng đối tượng thụ hưởng cuối cùng phải là HS, học phí phải giảm so với thời điểm trước khi được hỗ trợ). Đồng thời, cần có giải pháp thiết thực rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các trường, các địa bàn; tạo sự bình đẳng trong thụ hưởng các chính sách giáo dục đào tạo giữa HS trường công và trường tư.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo TP Đà Nẵng: Đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Mặc dù Đà Nẵng không nóng như các địa phương khác nhưng tuyển sinh đầu cấp vẫn luôn là vấn đề PH và HS quan tâm. Trước đây, những trường chất lượng, trọng điểm tại khu vực trung tâm quận Hải Châu, Thanh Khê có đông HS, để giảm tải và trả HS về đúng tuyến, năm 2013, HĐND thành phố Đà Nẵng ra nghị quyết cấm tuyển sinh trái tuyến, các trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm. Chủ trương đúng đắn phù hợp này được đồng thuận cao, tạo bước chuyển tích cực.
Nhiều biện pháp giảm thiểu áp lực tuyển sinh đầu cấp, “chạy” trường, chọn lớp đã và đang được áp dụng triệt để, hiệu quả như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường tương đối đồng bộ, đặc biệt ưu tiên trường vùng sâu, vùng xa; đề ra chủ trương trọng điểm, ưu tiên vùng miền (HS học tại địa bàn mình sinh sống được ưu tiên cộng 1, 2 điểm so với các trường khác); triển khai tuyển sinh trực tuyến tại nhiều quận, huyện tạo công bằng, giảm thời gian đi lại không cần thiết của PH và HS, giảm “chạy” vào các trường điểm…
Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường; tạo điều kiện cho các trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác dạy-học, xây dựng môi trường giáo dục giúp HS phát huy toàn diện, chú trọng phát triển các trường tư thục có chất lượng cao. Các trường THPT ngoài công lập có quyền tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh tùy theo điều kiện đội ngũ, phòng ốc từng năm học, có thể tuyển sinh liên tục trong suốt cả năm học bằng cách xét tuyển học bạ THCS nhằm chủ động được nguồn tuyển, chia sẻ, giảm tải áp lực cho các trường công lập. Tín hiệu đáng mừng là nhiều trường ngoài công lập đã chuyển sang phân khúc chất lượng cao, cạnh tranh bằng những thế mạnh riêng như tổ chức dạy bán trú, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh, dạy kỹ năng sống, trải nghiệm.