- Thưa ông, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Phát triển bền vững là vấn đề sống còn, quyết định vận mệnh của nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên mới. Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này từ khá sớm. Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào năm 2015 thông qua chương trình Nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 thì Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững.
Thực hiện đường lối của Đảng và chương trình Nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững 2011-2020, chương trình hành động quốc gia, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đã xác định mô hình phát triển là kinh tế xanh, xã hội xanh, lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bình đẳng, bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu.
Tại COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050!
Cam kết này là mục tiêu tiên phong, tương đồng các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới. Mặc dù, Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, song có thể coi đây là tầm nhìn mang tính thời đại, một quyết tâm chính trị rất cao, phù hợp bước phát triển của thế giới, vì lợi ích quốc gia và vừa với sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam là một trong năm nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong năm nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nên Việt Nam đi tiên phong trong việc cam kết thực hiện các mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng là hợp lẽ!
- Xin ông nói rõ hơn về định hướng chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam?
-Nhờ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các chính sách, chiến lược đã được vạch ra, Việt Nam đã đạt được một số thành công bước đầu về tăng trưởng xanh. Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm khoảng 2% tổng GDP). Những thành công bước đầu này phần lớn nhờ vào những khoản đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ước tính, giai đoạn 2017-2021, có khoảng 9 tỷ USD nguồn vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Xét về dài hạn, cần xác định đây là cơ hội phát triển vô cùng lớn cho Việt Nam, nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ trong giai đoạn ngắn hạn. Do chúng ta phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí và lợi ích là khả năng cải thiện môi trường kinh tế, bảo đảm các mục tiêu kinh tế-xã hội. Tăng trưởng xanh là "con đường độc đạo" để tiến lên phía trước, nhưng lộ trình có phù hợp hay không sẽ là yếu tố quyết định thành công.
- Theo ông, đâu là lợi thế của Việt Nam khi hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050?
- Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng to lớn cho tăng trưởng xanh. Những lợi thế này bao gồm: Nguồn dự trữ carbon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó là thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng carbon lớn. Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng, bờ biển dài nhiều gió…
Mặt khác, dân số lớn (đứng thứ 15 thế giới) với nhận thức ngày càng cao và rõ nét về các yếu tố môi trường, sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025. Nếu tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, lợi ích kinh tế-xã hội, cơ hội cho Việt Nam để xây dựng thành công nền kinh tế xanh là rất lớn.
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể "đi sau về trước" trong tiến trình hiện thực hóa những cam kết nêu trên?
- Dù duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ suốt từ năm 2011, song nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ sơ khai, còn nhiều thách thức mà Chính phủ, Nhà nước cần chú trọng quan tâm, tìm phương hướng giải quyết. Để thúc đẩy triển khai các định hướng tăng trưởng xanh dài hạn, bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tám nhóm hành động cần được triển khai:
Thứ nhất, lồng ghép các mục tiêu, định hướng quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong ngắn hạn đến 2025.
Thứ hai, cần xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp.
Thứ ba, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh, thành phố.
Thứ tư, các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp hoàn thiện hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ năm, các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh tạo tiền đề để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của công nghệ mới.
Thứ sáu, Việt Nam có thể ứng dụng mô hình dự án thí điểm cho các lĩnh vực kinh tế xanh trọng điểm dựa trên đối chuẩn quốc tế, nhằm thử nghiệm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ liên ngành và thu hút vốn FDI.
Thứ bảy, việc xây dựng một kế hoạch huy động, quản lý nguồn lực đầu tư, tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam là vô cùng cấp thiết, quan trọng, nhằm huy động, quản lý nguồn lực đầu tư, tài chính cho tăng trưởng xanh một cách toàn diện, cụ thể, bảo đảm rằng các mục tiêu tăng trưởng xanh của nước nhà được thực hiện và sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực sẵn có.
Thứ tám, Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp liên bộ, theo sát việc thực thi triển khai những chủ trương, kế hoạch, định hướng sẵn có, đồng thời tích cực làm việc với các đối tác, chuyên gia, tổ chức quốc tế...
Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Tuy nhiên, là một trong những nước đi sau trong quá trình tăng trưởng xanh, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn ở phía trước. Để vượt qua những khó khăn đó, Việt Nam cần nhanh chóng xác lập lộ trình rõ ràng, tập trung vào các mục tiêu, giải pháp phù hợp sẽ không chỉ tối đa hóa cơ hội thành công của Việt Nam mà còn bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên. Tăng trưởng xanh, Net Zero, đồng thời thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và bình đẳng xã hội là một thách thức lớn lao, nhưng cũng là một trong những cơ hội hiếm có nhất cho Việt Nam trong thế kỷ 21 để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
- Trân trọng cảm ơn ông!