Trước mắt vẫn khó thực hiện

|

NDO - Chung quanh những ý kiến trái chiều về quy định mới cho phép khai thác 160 loài động vật rừng thông thường cho mục đích thương mại trong Thông tư 47/2012/TT-BNN-PTNT, Nhân Dân hằng tháng có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (cơ quan của Việt Nam thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để có những thông tin từ đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư.

- Thưa ông, dư luận cho rằng có một số loài trong danh mục động vật rừng thông thường được ban hành kèm theo Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT đang có nguy cơ tuyệt chủng như thỏ nâu, thỏ rừng Trung Hoa... Với tư cách là đơn vị chủ trì soạn thảo, ông có thể cho biết danh mục các loài đó được ban hành là theo tiêu chí nào?

- Thực tế, lâu nay nước ta mới chỉ ban hành những văn bản quy định đối với các loài nguy cấp quý hiếm có trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và trong danh mục của Công ước CITES - Công ước quốc tế quy định về việc kiểm soát buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng giữa các quốc gia.

Còn các loài khác (hiện chúng ta có trên sáu nghìn loài, trong đó hơn 300 loài thú, hơn 800 loài chim, gần 800 loài bò sát, hơn hai nghìn loài cá...) thì không ai kiểm soát do chưa có văn bản quy định. Nếu Thông tư 47 không ban hành thì các loài đó đương nhiên được săn bắn, tiêu thụ và không ai có thể xử lý được. Danh mục 160 loài động vật rừng thông thường đáp ứng các tiêu chí, đó là những loài không thuộc công ước CITES và không thuộc Nghị định 32, là những loài đang được gây nuôi và săn bắn, sử dụng phổ biến ở Việt Nam và là những loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nếu chúng ta không bảo vệ ngay bằng thông tư này sẽ nguy cơ nằm trong danh mục Nghị định 32. Nếu khai thác dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng thì sau này khi sửa Nghị định 32, phải tính toán để đưa ra khỏi danh mục của Thông tư này và đưa vào danh mục của Nghị định 32. Lúc đã đưa vào danh mục của Nghị định 32 sẽ cấm săn bắn toàn bộ.

- Ông nghĩ sao khi mới ban hành Thông tư 47 đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều, trong đó có lo ngại về việc khai thác “nhầm” động vật quý hiếm vì khó nhận dạng các loài?

- Trong Thông tư 47 quy định rất rõ khai thác phải có hồ sơ đánh giá rất đầy đủ cả về căn cứ khoa học và bảo đảm số lượng quần thể thì mới được khai thác, chứ không thể khai thác tự do được. Trong đó, thuyết minh phương án khai thác phải thể hiện rõ nội dung mô tả hiện trạng của khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên loài, số lượng khai thác; phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác. Báo cáo đánh giá quần thể cũng phải thể hiện rõ tổng quan khu vực, phương pháp, thời gian, kết quả; phương án khai thác. Báo cáo này phải được lập bởi tổ chức được pháp luật quy định có chức năng điều tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp, sinh học. Việc điều tra, đánh giá phải mời các nhà khoa học, phải có cơ quan tư vấn có chức năng thì làm sao mà nhầm được.

Với những quy định chặt chẽ về điều kiện khai thác trong Thông tư, tôi nghĩ sẽ ngăn chặn việc xâm hại các loài chứ không phải gây hại các loài như dư luận lo lắng.

- Thông tư có quy định các tổ chức, cá nhân đã nuôi động vật rừng thông thường trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải báo với UBND xã về số lượng, nguồn gốc động vật. Nhưng ông có tiên liệu tình trạng người dân không chấp hành quy định này?

- Tôi nghĩ, Thông tư đã quy định thủ tục đơn giản nhất rồi, đó là người dân chỉ phải thông báo với UBND xã. Người dân phải chứng minh nguồn gốc ở đâu ra, nhập khẩu, khai thác hay mang từ các cơ sở hợp pháp khác tới. Nhưng các trại nuôi cũ đã có rồi mình không xét đến nguồn gốc nữa vì tập tính của ta ra đường cứ mua và họ nuôi như lợn gà trong nhà người bán thì không biết ở đâu. Tinh thần của Thông tư là tạo điều kiện cho người dân đi đăng ký để Nhà nước có quản lý chung để sau này khi ai nuôi thêm thì cơ quan chức năng xác định được con này từ đâu ra.

Tôi biết, trước mắt sẽ rất khó thực hiện vì nhiều trường hợp không khai báo. Chẳng hạn như nuôi con chim trong nhà chơi, đường đi ở miền núi phải mấy ngày mới tới được UBND xã thì rất khó bắt họ đi khai báo. Nhưng đối với trường hợp nào không khai báo thì không được phép mua bán, chuyển nhượng. Thí dụ nhà nuôi con gì đó không khai báo nhưng sau này đẻ ra con con thì sẽ không có nguồn gốc, không bán được. Thông tư 47 chủ yếu điều chỉnh đối với hình thức thương mại, buôn bán hay gây nuôi quy mô lớn, phải đăng ký để xác định rõ nguồn gốc, chứ rất khó thực hiện đối với những người nuôi động vật không vì mục đích thương mại.