Nấc thang đưa người trồng lúa đến thịnh vượng

|

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết với nông dân trồng lúa để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc thực hiện đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023, tại 12 trong số 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre), kỳ vọng là nấc thang đưa người trồng lúa đến sự thịnh vượng.

Triển vọng từ sản xuất lúa thông minh

Tại Đồng Tháp, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) đang liên kết với nông dân tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích 25.000 ha. Gạo được xuất khẩu vào các thị trường như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ với giá bán từ 980-1.100 USD/tấn. Sản phẩm gạo của công ty này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cao của Mỹ và EU mà còn đáp ứng tiêu chí "xanh hóa" của thị trường và mục tiêu như đề án Chính phủ vừa phê duyệt. Doanh nghiệp còn phối hợp với các đơn vị kinh doanh phân bón, cung cấp máy móc thiết bị sản xuất, thu hoạch, chế biến gạo… để hoàn thành chuỗi giá trị. Gần nhất, Vinarice được chính quyền tỉnh Đồng Tháp cấp phép xây dựng kho dự trữ giống lúa xác nhận rộng đến 1,1 ha với công suất chứa giống hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Theo kế hoạch của Vinarice, đến năm 2026 diện tích sản xuất lúa của công ty sẽ được mở rộng lên tới 60.000 ha.

Tương tự, dự án GroMore (cung cấp giải pháp tổng hợp trong canh tác lúa gạo bền vững) của Công ty Syngenta triển khai ở một số địa phương tại An Giang, Đồng Tháp những năm qua cũng cho nhiều kết quả tích cực. Theo đó, dự án giúp tăng năng suất trung bình 0,35 tấn/ha, tương đương tăng 6% năng suất, từ đó góp phần tăng lợi nhuận xấp xỉ 5 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 40%. Sản phẩm hoàn toàn không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang EU và Mỹ. Nhất là, việc áp dụng các quy trình canh tác tại vùng chuyên canh có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn CO2/ha. Chưa kể với việc quản lý rơm rạ tốt hơn, được thu gom và tái sử dụng không những không gây tác hại đến môi trường mà còn góp phần gia tăng giá trị.

Nói về lợi ích trồng lúa thông minh, ông Nguyễn Thanh Vạn, 50 tuổi, người có hơn 30 năm gắn bó với cây lúa, ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết: Khi nghe thông tin Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa, theo đó giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp để tăng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập, tôi rất mừng. Nếu Nhà nước giới thiệu được doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tổ chức nông dân liên kết theo hợp đồng bao tiêu theo hướng công bằng và minh bạch để cùng có lợi thì tôi sẵn sàng tham gia.

Sinh kế của hàng triệu hộ nông dân

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ thuần túy vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan sinh kế của hơn 1 triệu hộ nông dân, nên ý nghĩa xã hội rất lớn. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh, sản xuất lúa theo kiểu truyền thống tốn nhiều chi phí từ giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả chưa cao, trong khi lại tạo ra nhiều khí nhà kính. Đề án này sẽ hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo các kỹ thuật trồng lúa kiểu mới, qua đó giảm chi phí đầu vào và hạn chế phát thải khí nhà kính qua hình thức tưới khô-ướt xen kẽ. Cụ thể như đẩy mạnh sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng lúa giống sử dụng, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm... bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, lợi thế sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều tác động, trong đó, tác động mạnh mẽ nhất là "3 biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Chất lượng gạo phải được nâng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Điều này buộc lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có bước "chuyển mình" để thích ứng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Lúa đồng bằng sông Cửu Long nêu quan điểm: Đến thời điểm này, dù Việt Nam có nhiều mô hình chứng minh tính khả thi và hiệu quả theo hướng bền vững, nhưng do diện tích còn hạn chế nên giá trị thực tế mang lại chưa cao. Vì thế, các mô hình cần được nhân rộng lên quy mô hàng trăm ngàn và hàng triệu ha thì mới mang lại giá trị thực tế về mặt môi trường. Muốn vậy, cần có sự chung tay góp sức của mọi thành phần trong xã hội, từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và quan trọng hơn hết là từ phía Nhà nước với các chính sách thúc đẩy "xanh hóa hạt gạo".

Phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị khẳng định sẽ đồng hành để ngành lúa gạo đi vào khuôn khổ và sản xuất bài bản, chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên, cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vinarice nêu kiến nghị: Doanh nghiệp cần vốn vay ưu đãi ở mức hợp lý ít nhất ba năm để đầu tư cơ sở vật chất, ổn định sản xuất. Bởi bản thân một doanh nghiệp không thể phát triển và hoàn chỉnh chuỗi sản xuất lúa gạo. Như Vinarice phải liên kết hợp tác với 9-10 doanh nghiệp khác từ cung cấp phân, thuốc, máy móc… để hoàn chỉnh chuỗi sản xuất lúa gạo. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí để tạo ra sân chơi chung giúp các doanh nghiệp cùng nhau tham gia một cách công bằng, hay nói đúng hơn là tạo được một hệ sinh thái để cùng thực hiện mục tiêu của Đề án.