Trên đỉnh Ngọa Vân, giữa hồ Trại Lốc, viếng lăng vua Trần

|

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, tôi rời thành phố Hạ Long, nơi các đoàn khách đang nô nức trẩy hội Carnaval thời hiện đại để đến Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh). Lễ hội chùa Ngọa Vân kết thúc vào cuối tháng ba âm lịch nên nơi đây vắng lặng một cách thú vị dù giữa kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Ngoại trừ Đền An Sinh thờ An Sinh Vương và các vua triều Trần được phục dựng, tu bổ khang trang vào năm 2000, các di tích khác trong quần thể đều đổ nát và bị bỏ hoang hoặc xây cất sơ sài trong một thời gian rất dài cho đến khi các hoạt động khảo cổ được tiến hành vào khoảng 2007-2012. Quanh đền An Sinh là lăng mộ của 8 vị vua Trần (nếu tính cả tháp chứa xá lợi hỏa táng của Trần Nhân Tông trên chùa Ngọa Vân), là nơi quy tụ nhiều lăng vua Trần nhất với dấu vết các công trình lăng tẩm và vật liệu xây dựng thời Trần, kéo dài qua thời Lê, sang thời Nguyễn.

Vua Trần đầu tiên được an táng trong lăng ở khu vực An Sinh là Trần Anh Tông. Ông là con của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Trần Nhân Tông viên tịch và một phần xá lợi cất trong bảo tháp trên am Ngọa Vân thì có lẽ Anh Tông muốn được chôn cất gần cha mình nên đã chọn nơi này để xây lăng. Lăng mộ này khó tiếp cận nhất trong tất cả các lăng bởi vì nó ở trên một hòn đảo giữa... lòng hồ! Hồ nước này dĩ nhiên không phải hồ tự nhiên có từ thời Trần vì lăng vua phải có núi trước, núi sau, núi bên phải, núi bên trái (tiền án hậu chẩm, tả thanh long hữu bạch hổ) làm các điểm tựa.

Hồ Trại Lốc 1 là hồ thủy nông chứa nước phục vụ canh tác được xây dựng từ năm 1979. Sau khi hồ hoàn thành thì nước dâng lên ngập gần hết lăng mộ vua. Năm 2015, công trình nâng cấp hồ đã hạ ngưỡng tràn của hồ Trại Lốc 1 xuống 2m để tránh gây ngập lụt khu mộ.

Chúng tôi tìm đến bờ hồ thì đã thấy lăng ở trên đảo phía xa nhưng không biết sang bằng cách nào, chỉ thấy có một chiếc xuồng máy đỗ ở mép nước. Hỏi thăm thì được chỉ vào nhà anh Hương là người lái xuồng. Anh Hương chở chúng tôi sang lăng và kể rằng từ khi anh còn nhỏ đã nghe mọi người nói đảo này là Đảo Vua nhưng không rõ liên quan đến vua nào và có gì trên đó ngoài con đường đá cổ và lan can rồng đá.

Trên xuồng có ghi tên một người tiến cúng chiếc xuồng từ trong miền nam. Anh Hương kể một trưa mùng 1 Tết cách đây hơn 20 năm, có người tìm đến nhà hỏi anh có biết lăng vua nào ở trên đồi Trán Quỷ, hai bên là suối hay không. Anh nói lăng vua thì không biết nhưng đồi Trán Quỷ thì có, đỉnh đồi chính là hòn đảo mà ta thấy ngày nay. Người lạ mặt cho biết rằng ông được thuê để đi khắp trong nam ngoài bắc tìm kiếm vị trí lăng vua vì chủ thuê được báo mộng để đi tìm lăng(!) Người chủ này sau đó đã tôn tạo lăng và cúng tiến chiếc xuồng.

Vài năm sau, các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm thấy cấu trúc của 24 công trình gồm tẩm điện và đường đi, tường bao. Lăng còn phụ táng thêm Thuận Thánh hoàng hậu. Bà là con gái Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (hiện thờ ở Đền Cửa Ông, Cẩm Phả). Sau khi Anh Tông mất, bà đã lập am Mộc Cảo cách lăng 2 km, trên đường vào chùa Ngọa Vân để sống cuộc sống tu hành và lo hương khói cho chồng được 10 năm thì mất.

 Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, cao 42mm, đường kính thân 51mm, bảo vật quốc gia số 16 đợt 7 (2018).

Những di vật còn sót lại trên mặt đất chủ yếu là những bậc đá và một vài đôi rồng, đôi sấu thời Trần làm thành bậc. Nhìn những con rồng tuyệt đẹp được xếp lại một góc giữa chơi vơi non nước, thi gan cùng tuế nguyệt, không khỏi nghĩ về sự hữu hạn của con người. Sở dĩ lăng mộ này biết được đích xác là Thái Lăng của Trần Anh Tông vì còn một tấm bia ghi rõ “Trần Anh Tông hoàng đế lăng”. Các lăng mộ vua Trần quanh đây xác định được lăng nào của ai đều nhờ những tấm bia làm thời Minh Mạng này.

Như vậy hệ thống lăng vua Trần vẫn được tôn tạo và gìn giữ đến tận thời Nguyễn. Người bạn đồng hành của tôi lấy ra hai bản đồ Đông Triều do người Pháp vẽ năm 1905 và 1925 thấy rõ hai ô vuông đỏ ở vị trí của Thái Lăng và Mục Lăng. Mục Lăng là lăng Trần Minh Tông. Người dân cho biết là trước khi xây đập hồ Trại Lốc, lăng còn rất nguyên vẹn, quy mô rộng lớn với rất nhiều tượng đá. Vậy mà khi đắp đập người ta đã dùng máy móc san phẳng khu lăng và xây đập đè lên ngay vị trí lăng. Trên mặt đất không còn dấu vết gì! Thật xót xa cho một di sản gần 700 tuổi vẫn còn tồn tại đến ít nhất là hơn 40 năm trước.

Lăng Trần Hiến Tông lại nằm ngay giữa khu dân cư của làng Trại Lốc. Hiến Tông là con trai của Minh Tông nhưng chết trẻ (22 tuổi) vì thế An Lăng của ông là lăng mộ được xây dựng thứ hai ở An Sinh, trước cả Mục Lăng nói trên. Lăng mộ này quý giá ở chỗ còn hai hàng tượng chầu ở dọc đường Thần đạo của lăng, trong đó có các tượng quan hầu (đã rụng đầu, mới được ghép lại bằng xi-măng) và tượng trâu, hổ, rùa...

Lăng này được một doanh nghiệp ở địa phương bỏ tiền xây dựng lại nhưng không dựa trên nghiên cứu khoa học nên không đúng với thiết kế nguyên bản của lăng. Đến gần đây khi tiến hành khảo cổ, các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn vì lăng đã xây kiên cố, phải cậy cả sân gạch lên để khai quật và tìm huyệt mộ mà kết quả vẫn chưa như ý muốn.

Phật hoàng tháp ở chính giữa, trước chùa thượng, chùa Ngọa Vân. 

Chùa Ngọa Vân ngày nay là điểm hành hương nổi tiếng vì đã được xây dựng khang trang với hệ thống cáp treo hiện đại bởi nơi đây là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Thế nhưng mới chục năm trước đây thôi, người ta vẫn phải mất cả ngày đường để leo được lên phế tích của chùa trên ngọn núi Bảo Đài dốc cao sừng sững. Khi một nhà sư tìm đường lên núi để vừa canh vừa xây lại chùa thì trộm cướp đã đào xới tung cả khu vực, đục phá tan tành các tháp mộ, bia đá cổ để tìm vàng và đồ cổ.

May mắn là tòa “Phật hoàng tháp” bằng đá được sư trụ trì sống chết bảo vệ lại còn nguyên vẹn. Tòa tháp với bài vị vua Trần Nhân Tông khắc thời Lê và tấm bia Minh Mạng ghi “Trần triều Nhân Tông hoàng đế lăng” đã củng cố điều sử sách chép rằng đây là nơi chứa xá lợi của Phật hoàng sau khi ông viên tịch tại am Ngọa Vân này.

Đứng trên điểm cao nhất, phía trên chùa am Ngọa Vân, phóng tầm mắt nhìn ra cả thị xã Đông Triều, ngay dưới là rất nhiều hồ nước lấp lánh, phía xa là dãy núi Kinh Môn, đỉnh núi An Phụ và thậm chí thấy cả... Cổng tỉnh Quảng Ninh, thật là một cảm giác khoan khoái không sao tả xiết. Người xưa thật kỳ công khi chọn nơi tu hành và ý chí cũng phi thường khi mà tận ngày nay vào đến đây cũng còn trùng trùng điệp điệp.

Lối đi bộ lên chùa khá dốc nhưng đã được lát thành bậc bằng đá nên cũng không quá khó đi. Mới chớm sang hè mà ve kêu râm ran, suối chảy róc rách, gió lùa qua những rừng trúc thơm và mát rượi. Con đường rừng bỗng trở nên thơ mộng khi bạt ngàn trúc xuất hiện, cây nào cây nấy mảnh mai mà mọc xen nhau dày đặc, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp khiến du khách không thể không nghĩ rằng tại sao chưa có những phim cổ trang của ta quay ở những địa điểm này. Trong bức tranh nổi tiếng “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” có thể thấy rất nhiều khóm trúc và những cây tùng, y như khung cảnh ở Yên Tử và Ngọa Vân ngày nay vậy!

Năm 2012, Đại đức Thích Quang Hiển đã phát hiện được một hộp kim loại vàng do máy xúc làm đường đào lộ ra từ sườn đồi. Chiếc Hộp vàng Ngọa Vân sau đó được công nhận là Bảo vật quốc gia. Nhìn chiếc hộp thời Trần có một không hai bé xíu mà tinh xảo trong tủ kính Bảo tàng Quảng Ninh, không khỏi xuýt xoa trước những báu vật của cha ông ngày càng xuất hiện nhiều nếu được quan tâm đúng mức.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư bài bản và quy mô lớn cho việc trùng tu tôn tạo hàng loạt di tích (nhiều trong số đó chỉ còn phế tích) để trở thành những điểm tham quan hấp dẫn và thu hút khách hành hương du lịch tâm linh từ mọi miền đất nước. Mong rằng đây sẽ là một hình mẫu tốt để người dân, chính quyền và các nhà nghiên cứu ngày càng quan tâm hơn đến những di sản quý báu này và có điều kiện để bảo vệ, phục dựng và dần hé mở ngày càng nhiều những bí ẩn của lịch sử một dân tộc đầy lòng tự tôn.