Năm chứng kiến nhiều thăng hoa

|

NDO - Năm 2023 đánh dấu mốc 10 năm ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Sau những năm đầu tiên “bỡ ngỡ” theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, với nỗ lực không ngừng cùng mục tiêu thúc đẩy chất lượng dạy và học, năm 2023 ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều dấu ấn đáng nhớ, đặc biệt là bậc trung học phổ thông.

Dấu ấn từ những lần đầu tiên

Trung tuần tháng 10/2023, cộng đồng STEM Việt Nam đón nhận tin vui chấn động: Lần đầu tiên đội nhà vượt lên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành Huy chương vàng cuộc thi Robot Thế giới- First Global Challenge (FGC) 2023, giải đấu robot lớn nhất thế giới ở cấp học sinh phổ thông. Qua nhiều vòng tuyển chọn, vượt qua vòng phỏng vấn, kiểm tra khắt khe cuối cùng, chính thức 5 thành viên được đưa vào đội hình thi đấu, trở thành những chiến binh thực thụ để mang về tấm huy chương danh giá.

Trước đó không lâu, tháng 7/2023, tại Olympic Toán quốc tế (IMO) tổ chức ở Nhật Bản, Việt Nam xếp thứ 6/112 đội tham gia. 2 kỷ lục được xác lập với 2 tấm Huy chương vàng ở cuộc thi này: Nguyễn An Thịnh, lớp 12 Tin Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng (cách đây bốn năm anh trai của Thịnh là Nguyễn Thuận Hưng cũng đoạt Huy chương vàng), đây là lần đầu tiên Việt Nam có 2 anh em ruột đoạt Huy chương vàng IMO. Với Phạm Việt Hưng, lớp 12A1, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đây là lần thứ 2 em giành được Huy chương vàng. Năm ngoái, khi là học sinh lớp 11, em là đại diện nhỏ tuổi nhất của đội tuyển Việt Nam tham gia và đã đạt được thành tích này.

Cũng trong những ngày cuối tháng 7/2023, niềm vui dồn dập đến với gia đình em Nguyễn Khánh Linh (lớp 11 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam). Tại Olympic Phát minh và sáng tạo thế giới (WICO) tổ chức tại Hàn Quốc, Khánh Linh giành Huy chương vàng. Vài ngày sau, anh trai của em, Nguyễn Mạnh Khôi, học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng háo hức báo tin về đã giành Huy chương vàng Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) tại Thụy Sĩ...

TS Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam tự tin cho rằng, nếu lấy tiêu chí gặt hái tổng số huy chương trong các cuộc thi đấu Olympic thế giới và trong khu vực của học sinh phổ thông trong năm qua, có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục phổ thông ươm mầm tài năng.

Chú trọng phát triển tài năng

Bên cạnh thực hiện tốt công tác dạy học đại trà, giáo dục mũi nhọn luôn là nhiệm vụ đặc biệt được Nhà nước nói chung, cũng như ngành luôn chú trọng đầu tư.

Với những gì ngành giáo dục đạt được trong năm qua, TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Học sinh năm nay tham gia đều đoạt thành tích cao so với khu vực và quốc tế và điều đặc biệt có xu hướng tiến bộ ở phần thi thực hành ở các môn Olympic Vật lý, Hóa học, Sinh học, kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. Kết quả này đã khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế, khẳng định hướng đi đúng của công tác đào tạo mũi nhọn, thể hiện chất lượng bồi dưỡng và khả năng tiếp nhận của cả người dạy, người học đang ngày một hiệu quả và toàn diện hơn.

Ngoài ra, kết quả đạt được đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường trung học phổ thông chuyên; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, khẳng định kết quả bước đầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Trong số 56 huy chương học sinh cấp phổ thông Việt Nam đạt được trong năm 2023, có đến 20 tấm huy chương từ những cuộc thi đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, đề thi phần lớn nằm ngoài chương trình giáo dục phổ thông chính thức. Thí dụ, cuộc thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn (IOAA), đội Việt Nam tham gia và nhiều lần đoạt giải, mặc dù môn học này mới được đưa vào chương trình phổ thông mới 2018, đến nay mới chỉ Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam triển khai. Hay Olympic Kinh tế quốc tế (IEO) kiến thức về kinh tế, tài chính, xác suất thống kê... Cuộc thi FGC về robotics và đặc biệt, Olympic Khoa học trẻ Quốc tế (IJSO) là cuộc thi quốc tế đòi hỏi người tham gia có một hàm lượng kiến thức lớn, khó, tích hợp các môn khoa học cơ bản vật lý, hóa học, sinh học. Đòi hỏi cao là vậy, bằng nỗ lực và sự đoàn kết ăn ý, đội Việt Nam luôn tích cực tham gia và thường vươn lên mạnh mẽ để đạt thành tích cao. Đó là nỗ lực cả từ nhiều phía, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp bồi dưỡng huấn luyện và học sinh - TS Đỗ Hoàng Sơn - người tâm đắc với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là công tác ươm mầm phát triển tài năng, đã phấn khởi đánh giá.

Thúc đẩy giáo dục hội nhập và phát triển

“FGC 2023 với sự tham gia của 191 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào chủ đề vai trò của hydrogen trong năng lượng tái tạo và giảm lượng carbon, một vấn đề nóng mang tính toàn cầu, rất thú vị nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực lớn của các em” - ông Lê Ngọc Tuấn, chuyên gia công nghệ ioT và robotics, Trưởng đoàn thi đấu của đội tuyển Việt Nam cho biết: “Vượt qua 190 đối thủ để giành Huy chương vàng trong mùa thi đấu này, đây là thành tích tốt nhất về giáo dục STEAM của học sinh Việt Nam từ trước đến nay, là sự nỗ lực của cả tập thể, gia đình thầy cô, đồng đội...”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh trao bằng khen cho giáo viên bồi dưỡng đội tuyển đoạt giải Olympic 2023. Ảnh trong bài | Q.N

Đối với cô trò Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam thì các cuộc thi trí tuệ quốc tế luôn là điều đáng mong đợi, đó là hạnh phúc trong sự thăng hoa tư duy và sáng tạo để vượt qua thách thức. Mỗi một cuộc thi có tư duy riêng, tạo ra giá trị thương hiệu riêng, mang dấu ấn thiên nhiên, văn hóa, thế mạnh nước chủ nhà, vừa hướng đến những giá trị chung cộng đồng.

Dẫn học trò đi tranh giải IJSO 2023 có ba cô giáo trẻ đảm nhận ba môn lý, hóa, sinh. Biết giải năm nay do Thái Lan đăng cai, cô trò họ nhắc nhau, đây là đất nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, luôn cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam, có nhiều hoa quả ngon... Thật vậy, chủ đề của kỳ thi năm nay là Khoa học về Lương thực và sự phát triển Nông nghiệp bền vững, một trong những thế mạnh của Thái Lan. Các câu hỏi trong đề thi có nội dung vinh danh các đặc sản của Thái Lan như sầu riêng, măng cụt, gạo Jasmine. Ngoài ra, thông điệp tác động của chế độ ăn đến sự phát triển bền vững của môi trường được thể hiện rõ. Trong đề, nước chủ nhà ra đã trích dẫn chi tiết những nghiên cứu về việc sản xuất 1 lít sữa bò, sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa hạnh nhân sẽ tiêu thụ bao nhiêu lít nước, bao nhiêu mét vuông đất, tác động đến môi trường ra sao...

“Cách ra đề thi, bên cạnh yếu tố khoa học, IJSO còn đề cao tính giáo dục và văn hóa. Mỗi lần cùng học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế, chúng tôi đều học hỏi, chiêm nghiệm được nhiều điều” - cô Lương Thùy Dương, giáo viên bồi dưỡng môn Vật lý cho đoàn tâm đắc.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Từ thành tích có được trong năm 2023, để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ những chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để giáo viên, học sinh được phát huy tối đa tài năng; phối hợp với các bộ ngành, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chuyên, trường trọng điểm, trường năng khiếu; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng với yêu cầu mới; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng những sân chơi trí tuệ cho học sinh có môi trường cọ xát, thi đua phát triển năng lực và phẩm chất.

Chỉ có trải nghiệm cọ xát thi đấu thực tế, từ sự giao lưu chia sẻ, việc học, thi hay trong đời sống đều cần tiếp cận theo hướng liên ngành, đó là cách tư duy giáo dục mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi tri thức bồi đắp, tích lũy cũng là để giải quyết các vấn đề thực tiễn, định hướng hành động và gắn giáo dục trong sự phát triển bền vững.