“Được khóc cũng là hạnh phúc”

|

NDO - Người ta hay nói về Thu Uyên bằng rất nhiều sự hoa mỹ. Như vẻ đẹp búp bê không tuổi. Như thông minh, thành đạt. Như tự tin, cá tính, dám dấn thân, dám sống chết với nghề... Còn tôi, thích nhìn chị ở khía cạnh một nữ nhà báo luôn chọn vị trí khai phá, mở đường đầy khó khăn và không ngại đối mặt thách thức. Và với tính cách mạnh mẽ ấy, mỗi khi cơ hội đến, tôi cứ hình dung chị sẽ mở to cặp mắt đẹp và nhanh chóng khẳng định: “Tại sao không?”.

Tôi hẹn gặp Thu Uyên ngay sau khi Như chưa hề có cuộc chia ly số mới nhất vừa lên sóng truyền hình trực tiếp. Trông chị tràn sức sống. Như chưa hề trải qua một buổi tối với quá nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược luôn được đẩy tới cùng. Như chưa hề khiêm nhường lùi lại phía sau, dành sân khấu cho những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt hạnh phúc ngày gặp lại và như chưa hề nở nụ cười ấm áp thường trực trên môi, mặc cho giọng nói nghẹn lại và đôi mắt to tròn loáng nước.

- Sau những “Câu chuyện quốc tế”, “Tại sao không?” được khán giả màn ảnh nhỏ yêu mến, chị lại tiếp tục song hành cùng hai chương trình đậm tính nhân văn của VTV. Có vẻ như nhà báo Thu Uyên không bao giờ chịu chấp nhận “đứng yên”?

- Nỗi đau chia ly nhức nhối ngay cả sau nhiều thập kỷ sống trong hòa bình đã thôi thúc tôi góp chút sức lực nhỏ nhoi nhằm gắn kết những mảnh đời ly tán bằng chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Và sau khi chương trình này tồn tại được năm năm, chúng tôi nảy ra ý tưởng tiếp tục xây dựng một chương trình truyền hình tương tác nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối thông tin về liệt sĩ và người thiệt mạng trong chiến tranh (như một hoạt động xã hội rộng lớn trên nền tảng hệ thống tiếp nhận - xử lý - tìm kiếm và kết nối thông tin khoa học, chuẩn xác). Vậy là từ đầu năm 2012, hình ảnh chiếc chong chóng xoay tròn đã gửi gắm khát vọng đưa họ “trở về từ ký ức”. Nói chung, mọi việc tôi đã và đang làm đều xuất phát từ yêu cầu thực tế mà cuộc sống, xã hội đòi hỏi. Nhiều khán giả đánh giá đó là những chương trình nhân văn, nhưng tôi không coi những “đứa con tinh thần” của mình có điều gì khác biệt. Vì trong quan niệm của tôi, mọi chương trình truyền hình, nếu được đánh giá chất lượng hay đều đã hướng tới tính nhân văn đó rồi.

- Chị cùng các cộng sự đã biến cả hai cây cầu nối - giữa người sống lẫn người đã mất với thân nhân trở thành những chương trình có ý nghĩa xã hội rộng lớn và được công chúng đánh giá rất cao. Giờ thì công việc đã vào guồng, đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, vậy mà số chuyến công tác như con thoi của Thu Uyên không hề giảm. Liệu có vất vả quá không, với một nhà báo nữ như chị?

- Tôi không nghĩ công việc sản xuất chương trình ở thời điểm này đã thuận lợi hơn khi “vạn sự khởi đầu nan”. Mỗi một thời điểm trong quá trình sáu năm qua, đều xuất hiện những thử thách khác nhau, hoặc chúng tôi cũng tự đặt ra những mục tiêu mới để cải tiến. Có thể sau một thời gian vừa mày mò, học hỏi, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm quý giá như phải sắp xếp hồ sơ tìm kiếm theo cụm, không còn lệ thuộc quá nhiều vào khâu tra cứu thân nhân, quy trình làm việc luôn được làm mới... nhưng thú thật với bạn, mỗi ngày qua đi, mỗi chương trình sắp lên sóng vẫn mang lại cho tôi cảm giác lạ lẫm, thu hút y như ngày đầu. Tôi vẫn phải đi, phải gặp, phải lắng nghe và chia sẻ với nhân vật của mình. Vất vả cũng có nhưng thấm tháp gì khi đặt cạnh những nỗi đau mất mát ấy. Để có thể gần gũi họ như người trong gia đình, để có thể kể lại câu chuyện của họ một cách giản dị, chân thành và khiến khán giả thật sự xúc động với những gì diễn ra trên trường quay. Tôi là người may mắn. Và nghiệp báo cho tôi điều may mắn lớn nhất, được theo đuổi và biến những ý tưởng tâm huyết thành hiện thực.

- Song hành với những cuộc chia ly, những mất mát, tổn thất của cả một dân tộc mỗi ngày, mỗi giờ, tôi nghĩ chị phải sở hữu một thần kinh thép để có thể đối diện với quá nhiều nỗi đau, lắm khi vượt quá sức tưởng tượng như thế?

- Như chưa hề có cuộc chia ly và Trở về từ ký ức đã lấy đi của chúng tôi rất nhiều nước mắt. Phải nghiên cứu hồ sơ mỗi ngày, thân nhân đau một thì chúng tôi cũng đau gần bằng thế. Những chi tiết, địa danh, mốc thời gian, những lý do ly tán mỗi trường hợp mỗi khác ấy, những trang lịch sử hào hùng nhưng cũng rất đau thương đã sống lại, những phận người chịu nỗi đau ly tán đã trở thành nỗi ám ảnh khó nguôi trong tôi. Nhưng cũng chính những điều đó đã mang lại cho chúng tôi niềm hạnh phúc lớn lao của người làm báo. Bạn cứ nghĩ mà xem, đón nhận một cuộc đoàn tụ đã là tột đỉnh hạnh phúc của một đời người. Thế mà tháng nào, tuần nào, chúng tôi cũng được nhìn thấy, được kết nối những cuộc trùng phùng ấy trong mỗi chương trình phát sóng, hoặc bên ngoài màn hình. Khi những tiếng gọi thân thương lần đầu được thốt ra, khi những vòng ôm siết chặt trên sân khấu, nhân vật khóc, khán giả có mặt tại trường quay khóc, người xem truyền hình khóc và ê kíp làm chương trình có thể khóc, mà cũng có thể mỉm cười. Tôi nghĩ, mình đã nhận được món quà quá lớn của cuộc đời.

- Hình như chị luôn nép sang bên cạnh, khi nhân vật vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ?

- Tôi biết cũng đã có nhân vật cảm thấy hơi sốc khi thấy tôi làm như vậy. Thứ nhất, chúng tôi biết rằng, nhiệm vụ của mình đến đó là hết. Việc mình được những người bị ly tán cho phép bước vào trong cuộc đời họ đến đó phải xem là đã chấm dứt, bây giờ họ thuộc về những người thân mà chúng tôi mới giúp họ tìm được. Thứ hai, suy từ bản thân, tôi thấy mình luôn cảm thấy mắc nợ, khi được ai đó giúp mình một việc gì. Vì thế, tôi không muốn nhân vật của mình phải mang cảm giác áy náy đó. Với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình và với những chất liệu cuộc đời hay không thể tin nổi của những người chịu cảnh chia ly, tôi hoàn toàn có thể đẩy câu chuyện đi xa hơn, nâng cảm xúc của khán giả lên cao hơn nữa, kéo dài chỉ một cuộc đoàn tụ cho cả chương trình mà vẫn đảm bảo kịch tính cũng như sức hấp dẫn. Nhưng chúng tôi vẫn chọn cách đưa tới 3 - 4 cuộc gặp gỡ cho một lần lên sóng. Bởi ưu tiên số một của Như chưa hề có cuộc chia ly là tạo ra những cuộc đoàn tụ hạnh phúc nhất cho những người bị ly tán chứ không phải là câu nước mắt của khán giả. Bởi thực ra những mảnh đời ấy thuộc về họ, cuộc đoàn viên ấy là kết quả từ những nỗ lực của chính họ. Chúng tôi chỉ góp tay thúc đẩy mà thôi.

- Ở góc độ một người làm báo, điều quý giá nhất mà chị thu hoạch được từ hai chương trình này là gì?

- Chúng dậy cho tôi nhiều bài học lớn, trong đó có một nhận thức rằng có nhiều cách ứng xử với cuộc đời khác nhau. Nhiều người chọn cách chỉ ra đích danh cái xấu và triệt tiêu nó. Ngày xưa, tôi cũng đã từng quan niệm làm báo là phải như thế. Rằng đã làm báo thì phải đánh trực diện vào cái ác, cái xấu, cái gây hại cho cộng đồng. Bây giờ tôi vẫn quan niệm rằng: biết mà không làm là có tội. Nhưng làm bằng cách nào? Tôi ủng hộ mọi cách làm. Và tôi thấy hiệu quả rõ rệt khi nhà báo tìm ra cái tốt cái đẹp, và nhìn vào phía trong cái tệ hại và làm mọi cách để kích thích những “hạt mầm tốt đẹp”. Những chương trình hiện nay của chúng tôi đều chọn đi theo hướng đó là chính.

- Trân trọng cảm ơn chị!

* Tôi là người may mắn. Và nghiệp báo cho tôi điều may mắn lớn nhất, được theo đuổi và biến những ý tưởng tâm huyết thành hiện thực.

* Tôi thấy hiệu quả rõ rệt khi nhà báo tìm ra cái tốt cái đẹp, và nhìn vào phía trong cái tệ hại và làm mọi cách để kích thích những “hạt mầm tốt đẹp”.

* NHÀ BÁO, MC THU UYÊN

Tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskow (Nga). Lấy bằng Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông - Đại học Tổng hợp California bằng học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ.

Khởi nghiệp ở Đài Truyền hình Việt Nam năm 1990 với công việc biên dịch phim và sau đó, gắn liền với hàng loạt chương trình truyền hình ấn tượng như Câu chuyện quốc tế, Tại sao không, Như chưa hề có cuộc chia ly, Trở về từ ký ức, Thế giới cập nhật (VTV9)... Chị cũng là người đã chung tay xây dựng tờ báo điện tử VietNamNet và phiên bản online của báo Công an Nhân dân từ những ngày đầu tiên.

Hiện tại, Thu Uyên đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài bản tin Thế giới cập nhật, chị phụ trách và đảm nhận vai trò MC hai chương trình truyền hình trực tiếp mỗi tháng. Như chưa hề có cuộc chia ly phát sóng định kỳ vào tối thứ bảy (tuần đầu tiên của tháng) trên VTV1 và Trở về từ ký ức trên cả hai kênh VTV1 - VTV4 vào chiều chủ nhật (tuần thứ hai của tháng).