Hạnh phúc hiện tại, vững bền tương lai

|

NDO - Cuối năm cũ, đầu năm mới, giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ giảm xuống từ dịu mát sang lạnh buốt, biết rằng, mùa cưới đang về, mùa của những đôi uyên ương làm tổ. Tại các cơ sở y tế khu vực đô thị năm nay ghi nhận, số các đôi trẻ tìm đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tăng nhiều hơn so với những năm trước. Có xu hướng, giới trẻ ý thức rõ trách nhiệm của mình với tương lai bản thân, bạn đời và thế hệ kế tiếp...

Trên tinh thần tự nguyện và cởi mở

Hơn 10 năm trước vấn đề khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn đã được đề cập đến như một sự cần thiết tất yếu, không phải bàn cãi, thể hiện rõ trong Quyết định 25/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 7/11/2011 về hướng dẫn chuyên môn tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, có thể do nhiều yếu tố như tài chính còn non yếu, bận rộn công việc, các địa chỉ tư vấn chưa đủ tin cậy... dẫn đến việc tư vấn và khám sức khỏe không phải là một trong những thứ được các cặp đôi ưu tiên giải quyết trong danh sách những việc cần làm trong kế hoạch hôn sự.

Những năm gần đây, một phần do tuyên truyền, đời sống kinh tế nâng lên, chất lượng sống được chú trọng đề cao hơn, xu hướng chung các cặp đôi có ý thức hơn đối với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Chị T.M.P. (25 tuổi) là kỹ sư của một công ty chuyên về thiết kế xây dựng ở Hà Nội. Chị có bạn trai từ năm cuối đại học, mối quan hệ đến nay vẫn tốt đẹp nhưng họ chưa tính đến hôn nhân bởi cả hai đều đang dự tính học lên cao hơn. Cuối tháng 10 vừa rồi, chị P. khám sức khỏe định kỳ ở công ty và phát hiện tử cung có một khối u kích thước tương đối lớn. Hỏi han, trao đổi, bác sĩ khuyên với kích thước và vị trí khối u như hiện tại, nếu tình yêu của chị và bạn trai đủ chín thì không nên trì hoãn, cần có kế hoạch kết hôn và sinh con sớm.

Sau hôm đó, chị cùng bạn trai quay lại viện đăng ký gói khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Được sự ủng hộ của hai gia đình, họ quyết định tạm gác kế hoạch học tập, ưu tiên cho việc kết hôn trước, dự định sẽ tổ chức vào đầu xuân năm nay. Anh Tr. N. H. chồng chưa cưới của P. cho biết: Chúng tôi rất vui và cảm thấy may mắn khi P. tình cờ đi khám và phát hiện sự cố, rồi được gặp bác sĩ tư vấn tâm lý có tâm. Trước mắt, hai đứa đều tin rằng, quyết định kết hôn thời điểm này là đúng đắn. Tôi đã kịp thời đưa P. đi tiêm phòng đầy đủ các mũi dành cho phụ nữ có dự định mang thai rồi. Giai đoạn này hai đứa đều thấy yêu thương và có trách nhiệm với nhau nhiều hơn...

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, ngày càng nhiều cặp đôi chủ động đến cơ sở y tế đề nghị được khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn. Điều có ý nghĩa nhất của khám sức khỏe tiền hôn nhân là phát hiện bệnh lý di truyền để có biện pháp can thiệp sớm, hạn chế những tình huống đáng tiếc. Trong cuộc sống nhiều bất trắc như hiện nay, việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều rất có ý nghĩa, bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi, giúp tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe chung cũng như sức khỏe sinh sản, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý, yên tâm bước vào đời sống vợ chồng.

Ða dạng, thiết thực hơn

các nội dung tuyên truyền

Thực ra, công tác Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với các địa phương triển khai từ những năm 2013. Theo đó, mô hình đã triển khai đến hơn 1.400 xã của 63 tỉnh/thành phố cả nước; cung cấp kiến thức, tư vấn, điều trị cho hàng triệu vị thành niên, thanh niên để tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tại Hội thảo chuyên đề về Công tác Dân số năm 2023, ông Nguyễn Hồng Quân, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) cho hay: theo chỉ tiêu, số cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn ước tính đạt 20% kế hoạch, dự kiến năm 2023 không đạt chỉ tiêu tăng thêm 8% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn so với năm 2022.

Một buổi tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho người lao động trẻ ở Bình Dương.

Tuy nhiên, Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội lại có sự tiến bộ rõ rệt: Năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 31,9%. Trong năm 2023, toàn thành phố đề ra chỉ tiêu là 50% và trong 6 tháng đầu năm thực hiện đạt 45% chỉ tiêu đề ra.

Rõ ràng, có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, cần sự rốt ráo hơn trong công tác tuyên truyền. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những đơn vị đi đầu trong cả nước về tuyên truyền vận động thanh niên khám sức khỏe tiền hôn nhân.

TP Hồ Chí Minh vốn là địa phương năng động, triển khai tốt công tác dân số bởi những sáng kiến gần với hơi thở đời sống. Một mặt, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia y tế cung cấp các dữ liệu khoa học rõ ràng, đầy đủ, khách quan nhất về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mặt khác, chính các bệnh viện, các cơ sở y tế cũng nhận thức được vai trò của họ trong công tác khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Cụ thể như Bệnh viện Bình Dân đã khám cho 200 cặp đôi tại 6 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Bệnh viện Hùng Vương phối hợp với Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã tư vấn, khám miễn phí cho 150 cặp đôi là công nhân, người lao động trẻ. Năm 2023, có 1.177 cặp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 24% so với năm 2022. Hiện tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đang có 310 câu lạc bộ tiền hôn nhân đang hoạt động sôi nổi với nhiều chủ đề phong phú, bổ ích được thiết kế hấp dẫn gần gũi với giới trẻ.

Luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân:

Nên hay không?

Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẳng định, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản hoàn toàn có thể phòng ngừa, kiểm soát thông qua khám sức khỏe tiền hôn nhân, đây là việc làm thể hiện trách nhiệm với chính người chồng/vợ và với cả thế hệ mai sau. Chính vì thế, ông mạnh mẽ đưa ra đề nghị, cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Dưới góc độ xã hội, đề nghị của đại biểu Nguyễn Tri Thức dấy lên sự tranh luận suốt thời gian qua.

Thực tế, các văn bản pháp lý hiện hành như Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hay Quyết định 25/QĐ-BYT của Bộ Y tế đều có đề cập mang tính khuyến khích, chúng tôi chưa ghi nhận văn bản pháp lý nào bắt buộc các cặp nam, nữ phải khám sức khỏe trước khi kết hôn cả- Luật sư Lê Kiên, Văn phòng Luật sư Hà Nội khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quân, đến nay, Quyết định 25/QĐ-BYT của Bộ Y tế nhiều điểm đã không còn phù hợp, gói tư vấn, khám tiền hôn nhân chưa có quy định và danh mục cụ thể trong khám sức khỏe trước khi kết hôn. Chính vì thế, việc triển khai chỉ dừng ở tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cặp đôi tham gia tư vấn, khám sức khỏe vì quyền lợi của chính bản thân họ. Mặt khác, cán bộ tham gia tư vấn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, chưa được đào tạo, tập huấn hàng năm về lĩnh vực vị thành niên, thanh niên nên gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động của chương trình.

Người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân một cách dễ dàng, tiện lợi với chi phí hợp lý, tạo ra nhiều gói dịch vụ phù hợp với thu nhập. Được thế thì cớ gì các cặp đôi lại từ chối, trong khi lợi ích thì nhìn thấy rõ ràng rồi - Chị T.M.P. đưa lời nhận xét.