Triển vọng mô hình bác sĩ gia đình

|

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, ngành y tế sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung đề án: "Triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình của Cuba tại một số quận, huyện", tiến tới nhân rộng mô hình này.

Kinh nghiệm từ đất nước có 84,9 bác sĩ/10.000 dân

Trong chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Giáo sư, bác sĩ José Armando Aronte Villamarín, chuyên gia về y học gia đình của Cuba cho biết, mô hình bác sĩ gia đình do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng từ năm 1984. Đến năm 2022, Cuba có 94.066 bác sĩ, đạt tỷ lệ 84,9 bác sĩ/10.000 dân, phủ 100% khu vực nông thôn - tỷ lệ được xem là nằm trong tốp đầu thế giới. Đặc biệt hơn 50% số bác sĩ là bác sĩ gia đình. Với một hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí và đội ngũ nhân lực đông đảo, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 77,7 tuổi.

Về tổ chức hệ thống y tế ở Cuba, mỗi địa phương có một phòng khám đa khoa gồm các bác sĩ dịch tễ học, bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, cộng tác viên… Dưới mỗi phòng khám đa khoa sẽ có khoảng 20-30 văn phòng bác sĩ gia đình. Mỗi văn phòng bác sĩ gia đình được phân phụ trách quản lý sức khỏe cho khoảng 1.000 người. Hệ thống này hiện nay đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm hoạt động: khám, chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch bệnh, quản lý sức khỏe, truyền thông,... Mỗi người dân sẽ được phân loại tình trạng sức khỏe theo các cấp độ khác nhau. Mỗi cấp độ sẽ có quy trình sàng lọc, khám, tư vấn phù hợp. Nhờ hệ thống y tế này mà người dân Cuba được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn, các chỉ số sức khỏe đã cải thiện rõ rệt.

Theo GS, BS Sonia María González Vega, để mô hình bác sĩ gia đình phát triển nhanh và thành công thì yếu tố quan trọng nhất là đào tạo. Hiện Cuba có 13 trường đại học khoa học y tế, 25 khoa khoa học y tế, cùng 24 khoa, ngành hóa học y tế. Các bác sĩ sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về phòng khám, vừa học vừa làm trong ba năm chuyên ngành bác sĩ đa khoa toàn diện - bác sĩ gia đình (luân chuyển tại các khoa như khoa nhi, sản phụ khoa, nội khoa và ICU). Đi cùng là chính sách thu hút nhân lực; cụ thể, các bác sĩ chế độ tiền lương như nhau, không phân biệt bác sĩ, đa khoa, chuyên khoa, chỉ khác nhau ở học hàm, học vị. Bác sĩ làm việc tại phòng khám gia đình được cấp nhà và sống tại khu dân cư. Bác sĩ sẽ sống với gia đình ở tầng trên, còn tầng dưới sẽ tổ chức khám, chữa bệnh. "Việc để người dân tin tưởng là điều không dễ dàng. Chúng ta phải nâng cao chất lượng bác sĩ, phải chủ động tìm tới bệnh nhân, phải làm sao cho bệnh nhân hiểu rằng với những bệnh này, họ không cần phải đi lên tuyến trên", GS, BS González Vega chia sẻ.

Xây dựng mô hình phù hợp

Mô hình bác sĩ gia đình của Cuba nhận được sự quan tâm đặc biệt khi Quận 8 và huyện Bình Chánh là hai địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn thí điểm. "Tôi luôn ấp ủ mong muốn đem mô hình bác sĩ gia đình của Cuba về thí điểm tại huyện Bình Chánh. Điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho việc chăm sóc sức khỏe người dân", ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, chia sẻ. Từ mong muốn này, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố lựa chọn năm huyện (mỗi huyện chọn một xã xa trung tâm nhất) triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình trong vòng hai năm, sau đó đánh giá và nhân rộng cho các phường, xã khác.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, sẽ là thách thức không nhỏ khi Thành phố Hồ Chí Minh muốn triển khai kế hoạch này. Đó là: nguồn nhân lực y tế cơ sở của thành phố còn rất mỏng so yêu cầu và mục tiêu của y học gia đình; rất khó thuyết phục và lôi kéo các cơ sở phòng khám tư nhân tham gia làm mạng lưới y học gia đình đúng nghĩa (phòng bệnh hơn chữa bệnh); cần nhận thức đúng về bác sĩ gia đình, không phải là bác sĩ có thể điều trị tất cả bệnh lý. Ngược lại, bác sĩ gia đình phải thật sự là nhà tư vấn phòng bệnh, chăm sóc các bệnh phổ biến và kết nối ngay với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện khi cần thiết.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế đã dự báo trước những khó khăn, thách thức khi xây dựng lộ trình chuyển đổi hoạt động các trạm y tế theo mô hình y học gia đình và mong muốn được các chuyên gia y tế hàng đầu của Cuba tư vấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong thời gian sắp tới. Trước mắt, Bộ Y tế Cuba và Thành phố Hồ Chí Minh sớm ký kết bản ghi nhớ trong việc đào tạo ngắn hạn, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng lộ trình và triển khai mô hình bác sĩ gia đình của Cuba. Hệ thống y tế thành phố phải có những sáng tạo, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Từ mô hình bác sĩ gia đình rất thành công ở Cuba, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những thay đổi sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của hệ thống y tế cơ sở hiện có.

Từ kinh nghiệm của Cuba, các chuyên gia đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để xây dựng thành công mô hình bác sĩ gia đình nếu quyết tâm thực hiện. PGS, TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khuyến nghị, chúng ta cần có những chính sách tạo điều kiện để phát triển y tế cơ sở. Theo đó, nguồn lực phải được đặt hàng, có chỗ làm việc, tiền lương để sống, có chỗ phát triển chuyên môn, có bệnh nhân để cung ứng dịch vụ. Muốn có bệnh nhân cần chính sách bảo hiểm chi trả cho khám, chữa bệnh ban đầu ở y tế cơ sở. Có sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên cho y tế cơ sở và đồng thời có sự liên thông dữ liệu giữa hai tuyến. Cùng đó là cung cấp đầy đủ thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế phù hợp với nhu cầu của người dân tại chỗ.