Có lẽ trong chúng ta ít người lại không một lần xem những video clip cảnh học sinh đánh nhau từ nhỏ đến lớn tràn lan trên mạng xã hội. Từ đánh nhau tay đôi đến một nhóm quây lại đánh hội đồng một người. Đáng sợ là không chỉ nam sinh mà các nữ sinh vốn nhu mì, nữ tính cũng tham chiến quyết liệt, không chỉ đánh đập, hành hạ thân xác mà còn nhục mạ tinh thần bằng những ảnh hình thật khó tưởng tượng ở lứa tuổi học trò. Có thể chỉ là tâm lý hiếu động tuổi học trò, là xích mích cá nhân thuần túy, là sự ganh ghét đố kỵ, tính tình khác biệt, là những mâu thuẫn khó tránh trong đời sống học đường hay ở một cấp độ cao hơn là những xung đột tình cảm như yêu đương tuổi mới lớn... Tất cả lý do đó dẫn đến bạo lực.
Cũng có khi chẳng vì lý do gì to tát. Mới đây mạng xã hội phát tán một clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh nam thay nhau đấm đá, thậm chí còn dùng tuýp sắt đánh và hành hạ một bạn học ở trong lớp. Em bị đánh người nhỏ bé rõ ràng không có khả năng tự vệ. Chắc chắn nhiều người lớn không thể xem hết clip bởi mức độ tàn nhẫn của nó. Một em trai nhỏ lớp 7 ngơ ngác chịu trận đòn của những bạn có vóc dáng lớn hơn, trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn học khác cùng lớp. Không có một ai tỏ ra có cử chỉ để can ngăn, bảo vệ bạn bị đánh. Thậm chí em học sinh là chủ nhân clip còn dùng điện thoại quay cận cảnh rất chi tiết diễn biến cuộc hành hung. Câu chuyện buồn này xảy ra ở Trường THCS Nam Tuấn (Hòa An, Cao Bằng). Tên học sinh bị đánh là Lý Văn An. Tôi thật sự choáng váng khi nghe rõ âm thanh trong clip là đánh để được nổi tiếng. Nhìn mặt em An có thể thấy đó là học sinh lành tính và em thật sự ngơ ngác không hiểu sao lại bị các bạn hành xử như vậy. Có lẽ đám bạn nghịch ngợm đã chọn một đối tượng yếu thế nhỏ con để thỏa mãn cơn bốc đồng được nổi tiếng trên mạng kia. Bạo lực học đường giờ đã lan đến tận miền núi.
Gần đây nhất, ngày 22-9, tại Trường THPT Toàn Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng) một học sinh nữ lớp 12A6 bị ba bạn gái cùng khối 12 khác lớp xông vào đánh hội đồng ngay trong lớp học ở tiết nghỉ phải nhập viện cấp cứu. Thật khó diễn giải về hành động bạo lực bất chấp kỷ cương này. Điều đáng nói là các em đã học đến cuối cấp chuẩn bị bước vào đời. Thêm một dẫn chứng tại Trường THCS Lý Tử Trọng (Đô Lương, Nghệ An), hai học sinh được cho là đùa nhau dẫn đến một em bị đánh vào vùng má, vùng cổ, gục xuống, không qua khỏi dù đã được đưa đến trạm y tế cấp cứu.
Thói thường sau mỗi clip, mỗi vụ việc về bạo lực trong nhà trường, người ta trông chờ vào sự phản ứng và cách giải quyết của người trong cuộc. Trong cuộc ở đây là nhà trường, gia đình, địa phương quản lý. Cho dù BGH Trường THPT Toàn Thắng và giáo viên chủ nhiệm lớp đã trực tiếp vào bệnh viện thăm hỏi, động viên em học sinh bị đánh nhưng dư luận trên mạng xã hội vẫn rộ lên những đồn đại vì sự xử lý thiếu công bằng trong vụ bạo hành tập thể này.
Tôi đọc được rất nhiều những ta thán trong các trang mạng về thái độ cũng như phát ngôn của hiệu trưởng Trường THCS Nam Tuấn. Bà hiệu trưởng có ý cho rằng đó chỉ là trò đùa của các em trong buổi tập trung văn nghệ chuẩn bị cho khai giảng năm học. Tất nhiên sau đó địa phương và nhà trường cũng có những hành động tích cực để giải quyết vụ việc. Không, đó không phải là trò đùa. Những phát ngôn xem nhẹ vụ việc kiểu này hay bưng bít sự thật ở những vụ việc khác đã trở thành “thói quen” của không ít lãnh đạo nhà trường và cấp trên của họ vì bệnh thành tích, sợ mất điểm thi đua, mất danh hiệu khen thưởng nên thường hạ sự việc xuống mức độ nhỏ nhất. Xử lý không nghiêm như một căn bệnh nhờn thuốc và không đủ sức răn đe, ngăn chặn nếu không muốn nói là khuyến khích bạo lực một cách gián tiếp.
“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, học trò thời nào cũng hiếu động, nghịch ngợm và đánh nhau nhưng bạo lực học đường đã ở mức độ nguy hiểm, thậm chí tàn bạo hơn thời trước xưa rất nhiều. Con số thống kê từ Bộ GD&ĐT, một năm học trong toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân năm vụ một ngày; cứ hơn 5.200 học sinh có một vụ bạo lực và trong 11 nghìn học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau.
Những vụ đánh nhau ngoài nỗi đau thân xác còn là nỗi đau tinh thần khó chữa lành. Đấy là chưa kể đến những sang chấn tâm lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Người gây bạo lực, nặng thì bị đuổi học, nhẹ bị kỷ luật những cũng chẳng thể bằng người bị bạo hành. Có em phải chuyển trường. Cá biệt bị trầm cảm, sợ hãi nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Bạo lực học đường còn phải tính đến những hành vi sử dụng ngôn ngữ thô tục. Đây cũng là hình thức bạo hành nguy hiểm gây nhiều hệ lụy mà rõ nhất là nạn học sinh nói tục, chửi bậy đến mức khó chấp nhận, nhất là ở thành phố.
Lâu nay người ta quy ra ba thành phần liên quan đến cả nguyên nhân lẫn giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường là gia đình, nhà trường và xã hội và muốn “hạ nhiệt” tình hình không thể thiếu sự phối hợp đồng bộ. Có một sự ngược đời là khi xảy ra chuyện thì mọi trách nhiệm đều trút hết vào nhà trường. Không phủ nhận môi trường sư phạm ít nhiều có sự xuống cấp, lễ trong trường học giờ không còn được tôn trọng như một thời “tiên học lễ hậu học văn”, nhận thức của không ít học sinh lệch lạc. Việc dạy thêm cũng làm hỏng phần nào mối quan hệ thầy trò và học sinh coi việc đóng tiền học thêm và nhiều khoản phụ thu ở nhà trường là trao đổi sòng phẳng.
Nhiều nguyên nhân của bạo lực học đường được quy cho xã hội. Kiểu như xã hội xuống cấp, mặt trái kinh tế thị trường làm trượt dốc và suy thoái đạo đức. Điều ấy đúng, nhưng tôi cho rằng chủ thể chính phải là gia đình. Giải pháp cũng nằm ở đây. Giáo dục gia đình phải là nền tảng. Phụ huynh phải quan tâm đến con em mình, trang bị cho chúng đủ kiến thức cũng như đạo đức, bản lĩnh để hòa nhập trong môi trường cộng đồng, trường học. Kế đó, ngành giáo dục cần cấp thiết đổi mới chương trình sát thực với cuộc sống, đặc biệt chú trọng môn học Giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống. Khi môi trường giáo dục trong nhà trường trong sạch, có kỷ cương, thầy ra thầy, trò ra trò thì thử hỏi bạo lực liệu có còn đất sống?
Học trò thời nào cũng hiếu động, nghịch ngợm và đánh nhau nhưng bạo lực học đường đã ở mức độ nguy hiểm, thậm chí tàn bạo hơn thời trước xưa rất nhiều. |