Dẹp cách nào?

|

Sau khi trải qua giai đoạn dịch bệnh nhiều khó khăn, tình trạng sức khỏe và khả năng đề kháng trong cộng đồng có xu hướng giảm sút. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng... của người dân tăng cao là điều tất yếu. Nắm bắt thực tế đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân thúc đẩy việc kinh doanh trong lĩnh vực này bằng cách quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, các trang bán hàng trực tuyến. Hiện tượng quảng cáo sai sự thật về thuốc, thực phẩm chức năng, cam kết chữa khỏi... nhằm mục đích thu lợi, ngày càng trở nên nghiêm trọng, mặc dù các cơ quan chức năng vào cuộc nỗ lực xử lý.

Vi phạm tràn lan

Nếu vài ba năm trước, vấn nạn quảng cáo Nhà tôi ba đời chữa khỏi bệnh... phổ biến trên các nền tảng, các trang bán hàng trực tuyến hiện đã được dẹp bỏ, nay đang nổi lên cách dùng hình ảnh lời nói của các nghệ sĩ, người nổi tiếng nhằm bảo đảm cho chất lượng sản phẩm.

Gần đây hình thức quảng cáo sai sự thật lại nảy sinh thêm nhiều chiêu thức mới, ngang ngược và manh động hơn, như dùng hình ảnh, cắt ghép video lồng tiếng... của chính các bác sĩ, chuyên gia y tế, giả mạo trang web của các bệnh viện để quảng cáo.

Tình trạng quảng cáo bát nháo trên các nền tảng, các trang bán hàng trực tuyến phủ rộng đến độ gần đây dân tình còn lưu truyền bài vè: Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh/ U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp/ Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường/ Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi/ Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành/ Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược/ Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh...”.

Nhiều chiêu thức quảng cáo dưới dạng trải nghiệm, review (đánh giá, phản hồi của khách hàng sau khi dùng sản phẩm), là một hình thức lách luật tinh vi hơn, gây khó cho cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ. Các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng khi bị người tiêu dùng lên tiếng phản ứng, truyền thông vào cuộc mới lên tiếng xin lỗi, bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc, thậm chí nhiều trường hợp còn tỏ ra “tôi cũng bị lừa”...

Vấn nạn mạo danh y bác sĩ, các trang web bệnh viện để bán thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vẫn ngang nhiên tồn tại. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức từng cảnh báo cộng đồng về hình ảnh ông bị cắt ghép để quảng cáo sản phẩm chữa cao huyết áp.

Mới đây nhất, bác sĩ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) thêm một lần cảnh báo trên trang cá nhân: Hiện nay có một số trang lấy ảnh của bác sĩ Hung Ngo quảng cáo bán thuốc đông y nào đó.

Bác sĩ Hùng khẳng định: bác sĩ Hùng không bán bất kể loại thuốc nào hết. Mọi hình ảnh của tôi xuất hiện trên các trang bán hàng mà không có sự đồng ý của tôi là hành vi lừa đảo và vi phạm pháp luật.

Ths, Bs Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108 trước tình trạng liên tục bị lợi dụng hình ảnh để đưa các thông tin về sản phẩm không đúng với tác dụng chữa bệnh cũng làm hẳn video dài hơn 4 phút để cảnh báo cho cộng đồng.

Căng da, trẻ hóa da bằng công nghệ không xâm lấn, giảm béo, giải quyết tình trạng da lão hóa, chảy xệ không phẫu thuật, không nghỉ dưỡng và không cần kiêng khem; giảm cân với hệ thống thiết bị công nghệ tiên tiến, phù hợp với mọi thể trạng, an toàn sức khỏe...

Những lời đường mật được tung ra bằng các chiêu thức khác nhau nhằm quảng cáo dịch vụ và các sản phẩm hỗ trợ, mục đích cuối cùng là lấy được tiền từ túi người tiêu dùng, họ không từ một thủ đoạn nào.

Đa dạng các hình thức, chiêu thức để quảng cáo thuốc và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại trực tiếp tư vấn, chèo kéo người tiêu dùng. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng, thậm chí bịa đặt về công dụng sản phẩm nhằm bán được hàng. Các cơ quan chức năng làm thế nào để kiểm soát quản lý hoạt động của các cơ sở quảng cáo trước mê cung thông tin tràn ngập cõi mạng?

Luật hóa để quản lý, kiểm soát

Ngày 18/1/2023, Bộ Y tế ra Công văn số 286/BYT-QLD về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các mạng xã hội.

Hội nghị trực tuyến Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022. Nguồn | Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Công văn nêu: Trong thời gian vừa qua, một số phương tiện truyền thông phản ánh một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13.

Trước đó, bằng Công văn 1854/BVHTTDL-NTBD, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2021 có điều khoản quy định: tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Luật sư Lưu Thùy Linh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, Luật Quảng cáo năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 đã đưa ra quy định cụ thể về quảng cáo.

Theo đó, tại khoản 9, Điều 8, quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối, chịu mức phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm... Như vậy có thể thấy chế tài đã đủ mạnh, cần thúc đẩy ở khâu thực thi hiệu quả hơn.

Năm 2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành xử phạt vi phạm về quảng cáo 23 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Chỉ trong tháng 12/2022, Google đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nền tảng do nhà cung cấp dịch vụ này quản lý. Những con số này đã cho thấy nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc dẹp bỏ vấn nạn quảng cáo thuốc sai sự thật hiện nay.

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Cục đã nêu rõ những khó khăn đang gặp phải trong việc quản lý, xử lý vi phạm. Thí dụ, chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm...

Một số cơ quan phát hành quảng cáo như báo, đài địa phương chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Với sự phối hợp quyết tâm, nỗ lực của liên bộ, ngành, hy vọng việc ngăn chặn, xử lý tình trạng quảng cáo thuốc và thực phẩm tràn lan, sai sự thật sẽ sớm được khống chế.