Bí thư tiếp dân

|

Ông tổ trưởng dân phố của chúng tôi vốn là thầy dạy văn ở một trường cao đẳng sư phạm, về hưu đã dăm năm nay. Thấy tôi là dân viết lách, ông hay hỏi kinh nghiệm nơi này nơi khác. Cái điều ông bí nhất là nói sao cho lọt tai người dân trước những thắc mắc, kiến nghị của họ. Chả hiếm chuyện người cùng ngõ chất vấn ông sát ván, cứ như tổ trưởng xắn tay áo lên là xong. Như chuyện cái hồ bị ô nhiễm, nước đen đặc như nước cống. Chuyện để vật liệu xây dựng vít hết cửa sổ, quán cháo gà, bún đậu mắm tôm tấp vào tận cửa nhà người ta. Chuyện bạ đâu xả rác đấy. Rồi thì chó thả rông đã mấy phen đớp vào chân con cháu ông này bà nọ, nhưng chủ chó lại là d&ac

Dân hỏi ông. Ông hỏi ngược lên phường, phường hỏi lên quận, quận hỏi lên thành phố. Tháng nào cấp trên cũng có lịch tiếp dân. Và tháng nào cũng ngần ấy chuyện. Cán bộ ban tiếp dân bảo, cấp trên bận trăm công nghìn việc thời giờ đâu để mắt mấy cái chuyện ô nhiễm môi trường ở phường. Bởi còn bao thứ việc nhức nhối như chuyện lập dự án chia lô bán nền, sổ đỏ, sổ hồng, cơi nới nhà cửa trái phép, rác thải bệnh viện..., đơn kiện chồng đơn kiện. Bao nhiêu chữ ký "ka-xê" (kính chuyển) từ Trung ương tới thành phố thảy đều dội xuống phường.

Ông tổ trưởng dân phố vỗ vai tôi thân mật: mình hỏi cấp trên tại sao cứ để đơn chồng đơn như thế? Tháng nào lãnh đạo cũng tiếp dân rất bài bản kia mà! Được giải thích, bố ơi, việc nọ nó ngoằng vào việc kia, chúng con chỉ túm được một đầu dây trong cái búi dây lùng nhùng. Phải có sự phối hợp, cần người đủ thẩm quyền. Lại có những chuyện liên quan đến công tác cán bộ. Có khi chỉ cần nhấc anh cán bộ phụ trách một lĩnh vực nào đó sang chỗ khác là mọi việc ổn thỏa.

Bữa trước ông tổ trưởng dân phố đi họp về, gặp tôi đầu ngõ ông kể, có cái quy định mới rất hay. Quy định số 11 của Bộ Chính trị về việc từ nay người đứng đầu cấp ủy phải tiếp dân hằng tháng. Cụ thể, Bí thư Đảng ủy cấp phường, cấp quận, đến cấp thành phố phải trực tiếp nghe dân nói và nói dân nghe, trả lời từ gốc đến ngọn. Ông dẫn ra câu chuyện mới đây ở một tỉnh nọ, Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với dân về việc đặt nhà máy xử lý rác thải không đúng vị trí, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế. Nhìn thái độ chăm chú của ông, nghe ông tiếp thu, giải thích và hứa sẽ đưa ra cuộc họp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân gần nhất để báo cáo, dân vỗ tay rầm rầm. Phải là người có uy tín, thẩm quyền mới có thể trả lời đến nơi đến chốn như thế. Còn những lần trước, mấy ông cấp sở, mấy ông ban dự án chỉ "tiếp thu", "ghi nhận" rồi... quên (!).

Nhưng đấy mới chỉ nhìn ở việc, còn nhìn sang phía con người thì yêu cầu bí thư cấp ủy tiếp dân chính là một trong những vị thuốc chống bệnh nghe qua loa, đọc qua hàng, làm qua quýt. Anh có thể phê bình, yêu cầu chính quyền làm thế này thế nọ, nhưng chính anh khi vào cuộc mới thấy hết sự phức tạp của vấn đề, trong đó cán bộ cấp dưới đôi khi lại chính là nguyên nhân của sự rắc rối.

Còn một điều nữa là văn hóa tranh luận. Nghe dân, hiểu dân, nói để dân hiểu là việc không dễ chút nào. Nhiều anh thuộc luật, hiểu luật mà khi vào việc cụ thể mồ hôi cũng túa ra ướt cả chân tóc. Đời không giống như sách. Khi đồng chí bí thư, người lãnh đạo cao nhất tiếp dân không có nghĩa là mọi cái bất hợp lý, mọi thắc mắc sẽ trở về số không, nhưng chí ít nó cũng lùi về... con số nhỏ hơn. Người dân lắng nghe, họ sẽ sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ và mối quan tâm của mình một cách cởi mở. Ông tổ trưởng dân phố - thầy dạy văn, nhắc tới câu nói của một nhà tâm lý người Mỹ, đại ý: Khi anh nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước sẽ tạo thành những hoa văn đẹp mắt. Còn nếu nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước cũng chuyển động hỗn loạn, không có trật tự.

Đấy là nói chuyện với... nước. Còn nói chuyện với người sao cho "lời nói gói vàng" là chuyện khác xa, là trí tuệ, tấm lòng và cả nghệ thuật nữa.