NGHỀ THẦY GIÁO - NGHỀ VẺ VANG!

|

Trong chế độ ta, có lẽ cùng với nghề y, nghề thầy giáo được cả xã hội tôn vinh và quý trọng nhất. Đúng như lời biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 10 năm 1964: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”.

Lời nhấn mạnh của Bác: “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo” càng nhắc nhở mỗi cô giáo, thầy giáo được đứng trên bục giảng, cần tự nhận thức sâu sắc niềm vinh dự lớn lao đi liền với trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp “trồng người”. Chúng ta vui mừng thấy rằng, kể từ mùa Thu khai trường đầu tiên của chế độ mới (tháng 9-1945), năm học này là năm học thứ 71 - đã có hàng chục triệu học sinh rời các mái trường, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác quan trọng của đất nước. Đã có hàng vạn anh hùng, dũng sĩ, liệt sĩ chiến đấu ngoan cường, dũng cảm chấp nhận hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc nở hoa kết trái. Trong đội ngũ đó, có những thầy giáo tự nguyện rời bục giảng, cả thầy và trò “cùng hành quân ra trận”; khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, lại trở về công tác ở mái trường xưa. Hẳn mỗi người đâu dễ quên những gian khó trong thời bao cấp trước lúc đất nước đổi mới! Mỗi người dân không trừ cô giáo, thầy giáo, mỗi tháng chỉ có 13 cân gạo và mỳ; rồi chuyện lo muối, mắm, dầu, đèn... đã ngốn không ít thời gian. Nhưng chính trong thử thách nghiệt ngã ấy, đã ngời lên hàng vạn tấm gương cô giáo, thầy giáo tận tâm, tận lực với nghề, luôn tâm niệm điều thiêng liêng “Tất cả vì học sinh thân yêu!”. Tình thầy trò gắn bó keo sơn, cảm thông chia sẻ; xử sự giữa người dạy và người học rất nhân văn... đã là những động lực tinh thần vô giá, làm nảy nở hàng triệu bông hoa “Hai tốt”- dạy tốt và học tốt!

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng ghi ơn đội ngũ cô giáo, thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã góp sức tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Từ ngày đất nước tiến hành sự nghiệp Đổi mới và Hội nhập, nhiệm vụ của ngành giáo dục đặt ra những yêu cầu mới, những đòi hỏi rất cao, trước hết đối với những người đứng trên bục giảng. Xã hội mong muốn đội ngũ cô giáo, thầy giáo tự bồi đắp những tri thức mới, những phương pháp truyền đạt mới, sao cho học sinh dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp thu những kiến thức cơ bản và hiện đại. Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn, người dạy còn phải nêu tấm gương sáng về đạo đức, không bị cám dỗ về vật chất trong thời kinh tế thị trường; gương mẫu về lối sống trong sáng, không vụ lợi; phong cách bình dị, gần gũi, thương yêu học sinh hết mực... Hơn bao giờ, lời dạy của Bác Hồ lại vang lên trong tâm trí mỗi cô giáo, thầy giáo chúng ta: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”! Trước thực trạng chất lượng giáo dục đây đó có chiều hướng suy giảm, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, ngành giáo dục đã và đang có những quyết sách đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm tạo bước phát triển tích cực, đáp ứng thiết thực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta càng thấm thía câu tổng kết của cha ông: “Không thầy đó mày làm nên”. Người thầy không chỉ kiên nhẫn làm nhiệm vụ “chở khách qua sông” qua từng cấp học, mà còn mang tình cảm và trách nhiệm bồi đắp tri thức nhiều mặt, lý tưởng và phương pháp sống để giúp những “người khách qua sông” ấy biết đi về đâu, làm như thế nào để trở thành người lao động có ích cho xã hội?

Vẻ vang thay, nghề thầy giáo!