Tăng cường liên kết nhà trường-gia đình-xã hội trong giáo dục-đào tạo

|

Vượt lên khó khăn nhiều mặt của thiên tai, dịch dã, với sự cố gắng của các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý; cùng sự phối hợp, trợ lực của toàn xã hội, ngành giáo dục-đào tạo đã và đang tiếp tục thực hiện từng bước có kết quả trong nhiệm vụ đổi mới toàn diện căn bản giáo dục-đào tạo trong thời kỳ mới - như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Vượt lên khó khăn nhiều mặt của thiên tai, dịch dã, với sự cố gắng của các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý; cùng sự phối hợp, trợ lực của toàn xã hội, ngành giáo dục-đào tạo đã và đang tiếp tục thực hiện từng bước có kết quả trong nhiệm vụ đổi mới toàn diện căn bản giáo dục-đào tạo trong thời kỳ mới - như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Trong năm học mới này, toàn ngành tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm hiện nay, như đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhiều hơn nữa ở những nơi có điều kiện phát triển để dành nguồn lực cho Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Không giải quyết được những vấn đề căn cốt về cơ sở vật chất này, khó có thể nâng cao chất lượng dạy và học.

Bác Hồ ngay từ năm 1955 đã chỉ ra rằng: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Chúng ta vui mừng trong những năm qua, nhiều địa phương, đơn vị đã phát động toàn xã hội hưởng ứng các phong trào “Vì ngày mai phát triển”, “Tiếp sức cho các học sinh gặp khó đến trường”, “Xây dựng quỹ khuyến học trợ lực học sinh nghèo học giỏi”, v.v. Những việc làm cụ thể ấy thật sự là nguồn động viên tinh thần lớn lao, làm vơi đi nỗi lo của những gia đình còn quá nhiều thiếu thốn, cổ vũ các em tiếp tục tới trường, trong đó không ít em đã trở thành học sinh khá giỏi, xuất sắc. Nhiều phụ huynh trong hoàn cảnh này đã xúc động nói rằng, “sự quan tâm đích thực ấy đã thay đổi cả cuộc đời các cháu”.

Tháng 9 vừa qua, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định, bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần chung lòng, hợp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quyết tâm đó đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi đi thông điệp trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) từ ngày 22 đến 26/9/2024 vừa qua, đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của nhiều nguyên thủ quốc gia trong các cuộc gặp bên lề Hội nghị; đồng thời họ khẳng định cam kết hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục-đào tạo. Để biến quyết tâm ấy thành hiện thực, ngành giáo dục-đào tạo có trách nhiệm lớn lao và sứ mệnh vẻ vang - như lời Bác Hồ: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”; trong đó có vai trò to lớn của giáo viên là “phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị”... Bác Hồ cũng nhấn mạnh rằng, “các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

Con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, là động lực trong sự phát triển đất nước bền vững, nhanh chóng sánh vai với các cường quốc năm châu. Hơn lúc nào hết, chúng ta đặt kỳ vọng lớn vào ngành giáo dục-đào tạo với nhiệm vụ vẻ vang là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “trồng người”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, đội ngũ giáo viên và quản lý đóng vai trò chủ lực và xung kích. Biến chủ trương đó sớm thành hiện thực, cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình-xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để làm nên những bứt phá mới!