1 Cho đến hiện tại, sau vòng đàm phán cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ hai giữa ba quốc gia Ethiopia, Ai Cập và Sudan (vào ngày 16/10), những vấn đề liên quan phương thức vận hành đập thủy điện Đại Phục Hưng - con đập lớn nhất châu Phi, nhằm bảo đảm lợi ích của cả ba quốc gia, vẫn chưa đạt được những đột phá đích thực.
"Dự án thế kỷ" ấy của Ethiopia, ngay từ khi được phác thảo và bắt đầu xây dựng năm 2013, đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người hàng xóm cùng chia sẻ dòng nước sông Nile - "con sông mẹ" nghìn đời, nơi phát tích của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Đến tháng 9/2023 này, bất chấp căng thẳng, Ethiopia vẫn tiếp tục hoàn thành công tác trữ nước lần thứ tư cho đập Đại Phục Hưng.
Trong những năm trước, khi lo ngại rằng con đập khổng lồ (có chi phí xây dựng lên tới 4,2 tỷ USD) ấy có thể làm suy giảm nghiêm trọng lượng nước ngọt từ sông Nile chảy vào những khu vực trồng trọt, cũng như ảnh hưởng nặng nề đến 97% của khối dân số gần 110 triệu người vẫn đang phụ thuộc vào dòng nước vô giá không gì có thể bù đắp đó, hơn một lần, Chính phủ Ai Cập từng tuyên bố rằng họ "sẵn sàng dùng mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ quyền lợi.
Và vì vậy, cộng đồng quốc tế vẫn đang hướng về những cuộc đàm phán chung quanh đập Đại Phục Hưng, với không ít âu lo.
2 Một thí dụ khác. Cũng mới trung tuần tháng 6/2023, bạo lực và căng thẳng liên tục xảy ra dọc theo biên giới Afghanistan - Iran (theo hãng tin CNBC). Tình trạng này bắt nguồn từ tranh chấp dòng nước của sông Heldman, con sông từ Afghanistan chảy vào Iran. Tehran cáo buộc phía Afghanistan cố tình chặn hết nguồn nước ngọt để phục vụ thủy điện, trong khi Kabul "phân trần" rằng do lượng mưa giảm, lượng nước sông Heldman còn không đủ để chảy xuống hạ lưu nữa.
Căng thẳng cuối cùng cũng hạ nhiệt, nhưng những gì đã manh nha xảy đến cho thấy rất rõ: Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh và khủng hoảng người tị nạn, bởi không ai có thể sống thiếu nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu bậc nhất tạo nên sự sống.
Đặc biệt, khi hạn hán và những hiện tượng khí hậu cực đoan khác dồn dập ập tới, cùng các tác động từ con người làm hàng loạt dòng sông bị "bức tử", hệ lụy đầu tiên và khẩn cấp nhất xuất hiện là tình trạng không thể canh tác trên diện rộng, nhất là ở những khu vực khắc nghiệt quanh Xích đạo. Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu mà cả thế giới đang chứng kiến cũng bắt đầu từ một phần nguyên nhân là như vậy.
Và trong khi các chính phủ tiến gần sát những lằn ranh mong manh - ngăn cách giữa thỏa hiệp và hợp tác với căng thẳng và đối đầu - tạo nên bởi nhu cầu không thể nhân nhượng về nước ngọt, thì không ít quần thể dân cư cũng phải đối diện lựa chọn nghiệt ngã: Ở lại trong cảnh "sống dở chết dở", hay rời bỏ những vùng quê cha đất tổ khô khát, để lên đường tha hương?
3 Ngay từ năm 2002, Viện sĩ khoa học người Nga - Leonid Abalkin - đã chỉ ra rằng: Trên thế giới hiện hữu gần 2.000 điểm có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến vì nước sạch.
Mười năm sau, Liên hợp quốc dự báo: Dân số thế giới sẽ có thể đạt 9 tỷ người, chậm nhất vào năm 2050. Cũng theo tính toán này, nguồn nước sinh hoạt chỉ đủ thỏa mãn nhu cầu của 70% dân số thế giới, nghĩa là gần 3 tỷ người sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.
Không ít lần, Liên hợp quốc và các tổ chức môi trường toàn cầu đã lên tiếng báo động về các nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước, đồng thời kêu gọi thế giới hằng năm chung tay chi một ngân sách lớn (khoảng 198 tỷ USD), nhằm cải thiện tình hình, hướng tới việc mọi cư dân trên thế giới được tiếp cận bền vững các nguồn nước sạch. Không gì khác, tiếp cận nguồn nước sạch cũng chính là một trong những quyền con người cơ bản đã được Liên hợp quốc xác nhận.
Song, trước khi lời kêu gọi ấy được đáp ứng, nhân loại hiện đã buộc phải nhận diện hiểm họa trước mắt: Khủng hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, nông nghiệp, kinh tế, khí hậu và thậm chí là khủng hoảng về chính trị. Nó có thể khiến các quốc gia sụp đổ, theo cách này hay cách khác.
Và cuối cùng, nếu không có gì được cải thiện kịp thời, nước sạch sẽ còn trở nên quý báu gấp bội kim cương hay dầu mỏ. Mà loài người cũng đã từng chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến tranh đẫm máu, để giành giật quyền sở hữu những nguồn tài nguyên ấy…