Chọn khâu đột phá

|

Những tháng đầu của năm Kỷ Hợi, tin vui nối tiếp tin vui. Từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, nhân dân ta đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, an lành. Các lễ hội diễn ra tưng bừng, thu hút nhiều bà con người Việt ở nước ngoài về với cội nguồn dân tộc. Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lớn trên toàn thế giới đưa tin đậm nét hình ảnh Việt Nam - một đất nước hòa bình, thân thiện, được Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên chọn làm địa điểm cho cuộc gặp mặt thượng đỉnh giữa hai nước bàn về các giải pháp xóa bỏ hận thù và chiến tranh, thiết lập nền hòa bình thật sự ở khu vực Đông Bắc Á.

Cùng với các tin vui đó, hiện tượng thiếu lao động tại các nhà máy, xí nghiệp sau nghỉ Tết âm lịch như một số năm trước đã được khắc phục. Ngay đầu tháng Giêng, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp địa phương trong việc duy trì nhịp độ lao động sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục các hiện tượng không lành mạnh trong hoạt động lễ hội... Chúng ta vui mừng nhận thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng hai tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được giữ vững, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng gần 6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 10%; lượng khách du lịch trong hai tháng đạt hơn ba triệu lượt người, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước...

Đã từ lâu, điều làm cho người hoạch định chính sách và người tổ chức thực hiện vẫn đau đáu về một hạn chế lớn của nền kinh tế nước ta đã được nhìn nhận và chỉ ra đúng bản chất - đó là năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp. Nhưng từ nhận thức đó dẫn đến hành động nhằm khắc phục thực trạng đó, quá chậm! Sau 5 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện một bước, nhưng còn quá nhiều bất cập, độ ổn định chưa cao. Đa số doanh nghiệp của ta quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học công nghệ yếu, sản xuất chủ yếu gia công, chất lượng nguồn nhân lực thấp, số đông người lao động chưa qua đào tạo... Đó là những nhân tố chủ yếu tác động xấu đến năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng.

Để giải quyết “bài toán” này cần “vào cuộc” đồng bộ và mạnh mẽ từ nhiều phía. Với trách nhiệm vĩ mô, Nhà nước cần đổi mới thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư. Rất mừng là trong hơn hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nhân trong nước và nước ngoài; trên cơ sở đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã khẩn trương cắt giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rà, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ hợp tác với nước ngoài. Song, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, tệ “tham nhũng vặt”, nạn “bôi trơn”... vẫn diễn ra tinh vi. Mặt khác, sự nỗ lực chủ quan vươn lên của từng doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập; các biểu hiện thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu quyết liệt trong đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề kỹ thuật nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên kéo dài tình trạng “bóc ngắn cắn dài”, đặc biệt chưa coi trọng việc dự báo, xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn hạn và trung hạn, mở rộng thị trường ra nước ngoài...

Khắc phục nhanh những hạn chế nêu trên là khâu đột phá trong các giải pháp đột phá, thật sự góp sức thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.