Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản lý

|

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư, với nguyên nhân chính có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn. Những hệ quả này khiến việc xử lý nguồn nước sạch cấp cho sinh hoạt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cấp bách sửa luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu, sáng 26/10/2023, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đặc biệt, vấn đề quan trắc, giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước để bảo đảm kiểm soát, cảnh báo sớm ô nhiễm nguồn nước khai thác theo quy định của Chính phủ, hay quy định mới trong việc kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước... là những yếu tố được người dân hết sức quan tâm.

Bởi, thời điểm giữa tháng 10, hàng trăm người dân khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã phải chịu cảnh xếp hàng dài mỗi tối, mang theo xô, chậu hay đủ các loại vật dụng để chực chờ hứng nước sạch. Thực tế, khủng hoảng nước sạch ở đây bắt đầu từ hai tuần trước đó, khi người dân phản ánh về việc nước sinh hoạt có vấn đề. Phòng Y tế huyện Thanh Oai cũng ra khuyến cáo cư dân tạm thời không ăn uống trực tiếp tại vòi hay các hệ thống nước trong khu đô thị, bởi kết quả lấy mẫu xét nghiệm thể hiện nước nhiễm vi khuẩn E.coli.

Nếu quy định trên của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sớm được đưa vào thực tiễn, người dân khu đô thị Thanh Hà sẽ không phải chịu cảnh cắt nước bất ngờ hay đối mặt với những vấn đề về sức khỏe khi sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm mà không được cảnh báo sớm.

Với vấn đề tại Thanh Hà, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Dựa trên định hướng quy hoạch cấp nước của thành phố, khu vực đô thị Thanh Hà sẽ được cung cấp nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đà giai đoạn 2 và bổ sung Nhà máy nước sạch Xuân Mai. Tuy nhiên, cả hai dự án trên đều bị chậm tiến độ. Bởi vậy, thành phố đã có điều chỉnh năm 2018, cho phép nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm cấp nước cục bộ, chính là trạm cấp nước của Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà.

Lỗ hổng từ phát triển nóng

Nhìn rộng hơn, theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 6/2023, tổng số đô thị cả nước là 898 đô thị, bao gồm hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV, 697 đô thị loại V. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%, dân số đô thị đạt khoảng 46-47 triệu dân.

Song song sự phát triển vượt bậc của kinh tế-xã hội, nhu cầu sử dụng nước cũng ngày càng tăng cao. Dự báo, tổng nhu cầu nước năm 2025 của Việt Nam ước đạt khoảng 120,4 tỷ m3, tăng 3% so với hiện tại. Con số tương ứng năm 2030 và 2050 là 121,5 và 130,9 tỷ m3, tăng lần lượt 3,9% và xấp xỉ 12%. Với sự phình ra ngày một lớn của các đô thị, những vấn đề liên quan nước thải và cấp nước sinh hoạt cũng dần trở nên nghiêm trọng.

Hiện tại, chỉ khoảng 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung. Với tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh, việc đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước chưa thể đáp ứng kịp thời yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước vẫn còn thấp. Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có khả năng bị chất thải xâm nhập.

Khi xảy ra sự cố cấp nước, việc khắc phục sửa chữa có phần bị động, gây khó khăn cho cộng đồng. Đặc biệt, công tác kiểm định giám sát chất lượng nước sạch chưa thực hiện nghiêm nên chất lượng nước ở của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại khu đô thị, khu chung cư mới chưa đạt yêu cầu.

Hàng trăm người dân tại khu

đô thị Thanh Hà (Hà Nội) phải xếp hàng dài chờ hứng nước sạch.

Bất cập về thể chế chính sách

Như nhận định Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, Luật Tài nguyên nước lần đầu được ban hành năm 2012 đã giúp cho công tác quản lý tài nguyên nước như điều hòa, phân bổ, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm được thực hiện khá hiệu quả.

"Tuy nhiên, bất cập lớn nhất cũng nằm ở vấn đề thể chế, chính sách khi chưa tích hợp các quy định trong một bộ luật về nước gây chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Các giải pháp thực tế dù phát huy hiệu quả, nhưng không mang tính đồng bộ, tổng thể và thiếu định hướng. Điều này dẫn đến hiệu quả quản lý nước thấp, đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước", ông Vĩnh phân tích.

Xem xét dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhìn nhận, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Bên cạnh các quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) còn nêu rõ trách nhiệm phải quan trắc, giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước sinh hoạt để kiểm soát và cảnh báo sớm ô nhiễm. Đồng thời, tất cả dữ liệu phải được kết nối và truyền về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đây được xem như một trong những giải pháp bền vững giúp người dân an tâm sử dụng nước sinh hoạt an toàn, thay vì mãi thấp thỏm trong nỗi lo chất lượng nguồn nước không bảo đảm.

"Bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt đã và đang là vấn đề lớn cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước, bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống, đặc biệt đối với các đô thị lớn", Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh khẳng định.