Trà Sư - Mưa rừng tràm !

|

Đi qua nắng chiều đổ dài trên những cánh rừng thốt nốt xanh bạt ngàn ở Tịnh Biên, chúng tôi tìm về khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư để được trải nghiệm điểm đến nổi tiếng của tỉnh An Giang.

Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang). Từ thị trấn Nhà Bàng vào tới rừng tràm có hai con đường, đường nào chúng tôi cũng đi một lần cho biết. Thời điểm này, miền Tây Nam Bộ đang là đầu mùa mưa. Ở Tịnh Biên cũng vậy, cứ chiều xuống trời lại đổ mưa. Trú mưa bên đường trong một quán bún riêu lúp xúp, niềm vui cứ nhè nhẹ dâng lên trong lòng qua mỗi câu chuyện kể của người dân bản địa về vùng đất này.

Tạnh mưa, chúng tôi phóng xe xuyên qua hàng phi lao về nghỉ chân bên một nhà dân khi trời sắp tối. Chủ nhà là anh Lê Văn Màng, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, cùng gia đình sống trên bờ bao dọc theo kênh Trà Sư. Dân ở đây ngoài mùa nước nổi, là mùa hái lượm, mấy năm nay đã bắt đầu làm thêm dịch vụ du lịch. Tối ấy, họ thết đãi chúng tôi một bữa cơm tấm canh cá rừng tràm nấu lá me, ăn kèm với bông điên điển vàng trái vụ. Dù phải vỗ muỗi bem bép nhưng những vị khách vẫn muốn nằm đu đưa võng ngoài hiên để nghe tiếng của đêm, mơ về một buổi bình minh khám phá vùng đất phía sâu trong rừng tràm kia.

Sáng sớm, chúng tôi mang theo niềm háo hức về một chuyến đi chờ đợi bao ngày, vào đến rừng là đăng ký thuyền gắn máy ngay để có thể bắt đầu hành trình xuyên rừng. Mùa này không phải là mùa nước nổi nên ít du khách tới thăm rừng tràm hơn. Khi thuyền lướt đi, hiện lên trước mắt xen lẫn những gốc tràm cổ thụ nổi trên mặt nước là mầu xanh của bèo tây, bèo tấm và hình ảnh những chú gà nước dạo bộ trên thảm thực vật xanh ngắt. Ngả mình trên thuyền nằm xuôi theo những trong xanh của đất trời, sông nước để thư thái hít căng lồng ngực hương vị của thiên nhiên. Rồi chúng tôi chuyển sang chiếc xuồng nhỏ chậm rãi buông mái chèo, an nhàn ngắm tia nắng lấp lánh xuyên qua rừng già. Kia là thế giới sinh động của vô số loài chim quý: cò, diệc, cồng cộc, chích, le le, điên điển… bay nhảy khắp nơi không sợ những vị khách lạ. Chị Tím, người đã có thâm niên chèo xuồng đưa khách thăm quan rừng tràm Trà Sư nói rằng: Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, nhưng mùa này lại có những điều thú vị riêng.

Xuống thuyền, mọi người háo hức trèo lên đài quan sát để thu vào tầm mắt cả rừng tràm và thế giới loài chim. Lúc ấy mới thấy, lời của chị Tím thật không sai. Có lẽ, dù là mùa nào trong năm, ngày nào trong năm, người ta đều tìm thấy ở đây thứ cảm xúc lạ kỳ. Hôm ấy, đứng trên đài cao, cảm xúc lạ kỳ tôi được trộn lẫn của một chút mầu xanh, một chút hương cỏ với một chút yên bình tĩnh lặng, rồi thêm nước khuấy đều.

Trà Sư thật sự là nơi thích hợp cho những ai muốn trốn chạy khỏi sự ồn ào và bận rộn của phố thị. Nơi đây còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư sống ven rừng. Quanh rừng Trà Sư có khá nhiều đồng bào Khmer và Kinh sinh sống với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như: dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật… Có lẽ một ngày nước nổi, chúng tôi sẽ quay lại đây để được thấy sen, súng bung nở, thấy điên điển vàng rập rờn như bướm trên đồng nước cao.