90% du học sinh Việt Nam là tự túc

|

NDO - Hiện Việt Nam có hơn 100 nghìn du học sinh đang học tập ở nướcngoài, trong đó hơn 90% du học sinh là tự túc. Đây là những số liệu mà ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết trong một cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng.

Xin ông cho biết một vài số liệu để có thể hình dung được thực trạng du học sinh Việt Nam hiện nay, thị trường nào được học sinh Việt Nam lựa chọn đi du học nhiều nhất thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Vang.

Hội nhập quốc tế về giáo dục ở nước ta trong những năm qua không ngừng được tăng cường và mở rộng theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong hơn 10 năm qua, cùng với đề án Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, Đào tạo công dân Việt Nam theo Hiệp định xử lý nợ với Liên bang Nga, các chương trình học bổng hiệp định, chính phủ, tổ chức nước ngoài cấp cho Việt Nam... Mỗi năm có hàng nghìn học sinh, sinh viên ra nước ngoài du học theo diện tự túc.

Theo số liệu thống kê, năm 2012 có hơn 100 nghìn lưu học sinh (LHS) Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng hơn 90% là du học tự túc. Số lượng LHS tập trung ở Ô-xtrây-li-a là cao nhất (gần 25%), sau đó đến Hoa Kỳ (16%), Trung Quốc (13%). Năm 2012, số lượng LHS tại Ô-xtrây-li-a giảm trong khi đó số lượng LHS tại Hoa Kỳ và Nhật Bản tăng mạnh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang quản lý và cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho gần 6.000 lưu học sinh Việt Nam học tập tại 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số lượng nhiều nhất (hơn 2.000 LHS) học tại LB Nga.

Lưu học sinh Việt Nam chủ yếu lựa chọn các hình thức học tập như thế nào và tỷ lệ về nước sau khi du học có cao không thưa ông?

Đối với lưu học sinh nhận học bổng thông qua các đề án ngân sách nhà nước (chủ yếu là Đề án 322) và Hiệp định do Bộ GD&ĐT quản lý, tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 95%, trong đó hơn 70% đạt loại khá trở lên. Những lưu học sinh nhận học bổng đi học nước ngoài phải cam kết trở về nước sau khi tốt nghiệp nên tỷ lệ về nước đạt khoảng 97% và hầu hết quay trở lại cơ quan cũ làm việc. Có thể nói, những lưu học sinh được đào tạo ở nước ngoài góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta ở mọi ngành và lĩnh vực.

Vậy còn đối với lưu học sinh Việt Nam theo dạng tự túc thì sao thưa ông?

Xu hướng đi du học tự túc hiện nay tập trung chủ yếu là đi học đại học, thí dụ như tại Hoa Kỳ số lượng người Việt Nam học tập trong năm 2010 - 2011 là gần 15 nghìn người, trong đó có tới 11.054 người học đại học, chỉ có 2.420 người học sau đại học và 1.414 người theo học các loại hình học tập khác bao gồm học sinh học phổ thông. Ngược lại các chương trình học bổng thì phần lớn là dành cho đi học sau đại học.

Theo số liệu thống kê từ năm 2012, số lượng LHS Việt Nam ra nước ngoài học tập có xu hướng giảm. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

Một trong các lý do là hiện nay có nhiều cơ hội cho người học lựa chọn học tại Việt Nam mà vẫn lấy bằng của nước ngoài, thông qua các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Mặt khác, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, học phí tăng nên các gia đình cũng phải tính toán việc gửi con em mình ra nước ngoài học tập.

Hiện nay, các trường đại học Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, triển khai các chương trình tiên tiến, mở rộng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, các trường đại học đã tăng cường hợp tác với nước ngoài. Hiện nay có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trong cả nước. Các chương trình này đã giúp các trường đại học trong nước tiếp cận với chương trình, phương pháp giảng dạy của nước ngoài và nhờ đó cải thiện được chất lượng đào tạo của mình.

Theo ông thì chất lượng lưu học sinh của ta như thế nào so với các nước và lãnh thổ trong khu vực?

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào so sánh chất lượng đào tạo của Việt Nam và các nước trong khu vực nhưng lưu học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài không thua kém sinh viên các nước. Nhiều sinh viên Việt Nam học trong nước nhưng đã qua được các cuộc tuyển chọn cạnh tranh để làm việc cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam, nhiều LHS cũng ra nước ngoài làm việc và được chấp nhận tốt.

Vậy những đánh giá nêu trên tới đây sẽ do đơn vị nào thực hiện?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT mới chỉ quản lý được LHS VN đi học nước ngoài do Bộ GD&ĐT cử đi học.

Những đối tượng do các cơ quan khác và LHS tự túc thì chưa quản lý được vì chưa có cơ sở pháp lý.

Ngày 15-1-2013 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số05/2013/ QĐ-TTg quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, BộGD&ĐT được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tổ chức quản lý LHS. Tại Điều 5 Quyết định này có quy định rõ chế độ báo cáo đối với các cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo tất cả các nguồn kinh phí khác nhau. Theo quy định đó, các cơ quan tổ chức này đều phải gửi báo cáo về việc tư vấn du học và cử công dân ra nước ngoài học tập về Bộ GD&ĐT trước ngày 15-1 hằng năm để Bộ GD&ĐT theo dõi quản lý và báo cáo Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

* "Có thể nói, những lưu học sinh được đào tạo ở nước ngoài góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta ở mọi ngành và lĩnh vực".

* Ngân hàng HSBC toàn cầu khuyên các bậc phụ huynh ở châu Á có ý định cho con em đi du học ở Ô-xtrây-li-a, Mỹ và Anh nên lên kế hoạch chi trả mức chi phí trung bình 30.000 USD một năm.

Ngân hàng toàn cầu vừa công bố số liệu về đào tạo ở 13 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Ô-xtrây-li-a được xếp hạng đầu danh sách với mức chi phí trung bình gồm học phí đại học và chi phí sinh hoạt hơn 38.000 USD một năm cho sinh viên quốc tế. Mỹ đứng vị trí thứ hai với tổng chi phí lên đến hơn 35.000 USD một năm. Các sinh viên quốc tế ở tám trường đại học hàng đầu thế giới thuộc nhóm Ivy League có thể phải trả cao hơn gấp 2/3 với chi phí, tổng cộng trung bình hơn 58.000 USD một năm.

Anh với chi phí tổng cộng hơn 30.000 USD một năm là điểm đến đắt đỏ thứ ba thế giới cho các sinh viên. Chi phí cho các sinh viên quốc tế ở Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Xin-ga-po và Hồng Công là hơn 20.000 USD do chi phí sinh hoạt cao hơn tại ba thị trường mới nổi hàng đầu này.

Phụ huynh có ý định cho con cái du học nước ngoài cần phải cân nhắc nhiều yếu tố hơn là chỉ vấn đề học phí, thí dụ như chi phí sinh hoạt, tỷ giá hối đoái và lạm phát trong tính toán dự trù tổng chi phí.