- Xin ông cho biết nhận định của ông về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"?
- Tôi đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình này. Đây là một chương trình không chỉ thúc đẩy sản xuất, thương mại của doanh nghiệp Việt mà còn mang giá trị nhân văn, giá trị lợi ích to lớn cho cộng đồng. Ở nhiều nước trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều có và triển khai thành công các chương trình tương tự, dù tên gọi khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu để cho người tiêu dùng trong nước có thể tự hào, sẵn sàng sử dụng sản phẩm trong nước.
Rõ ràng, các chương trình này không chỉ đơn giản là thúc đẩy sử dụng, mà còn kêu gọi tình yêu đối với đất nước để người dân cảm thấy tự hào, tin tưởng vào sản phẩm Việt Nam.
- Tại sao chúng ta có những sản phẩm được thế giới ưa chuộng, nhưng tiêu dùng ở trong nước còn hạn chế? Đấy phải chăng là do cách chúng ta làm, thưa ông?
- Sau 14 năm triển khai, tuy đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế mà để khắc phục, chúng ta cần thay đổi từ tư duy đến cách làm.
Thứ nhất, cần thay đổi về tư duy triển khai. Hiện nay, chúng ta mới chỉ truyền thông theo chiến dịch, mỗi năm có thể có vài đợt, chứ chưa trở thành trường kỳ, thường xuyên. Cần tăng cường các chương trình người Việt dùng hàng Việt ở mọi nơi, mọi lúc. Mặt khác, có các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhưng không/chưa tổ chức đưa hàng từ nông thôn ra thành phố là một sự thiếu sót.
Thứ hai, phải tìm cách thay đổi tư duy nhận thức để người tiêu dùng Việt hiểu rõ hơn về thực chất của hàng Việt. Nên cần sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức cùng nhau giới thiệu, tuyên truyền mạnh hơn về hoạt động này.
Thứ ba, thay đổi cách làm. Chúng ta không nên làm theo thời vụ nữa, mà phải làm định kỳ, thường xuyên ở tất cả mọi nơi. Chúng ta cần có cách truyền thông rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, ví như hãy hỗ trợ, tự hào với các sản phẩm của Việt Nam!
Ngoài ra, chúng ta cần có sự đầu tư hơn nữa đối với chất lượng của sản phẩm đang được lưu thông trên thị trường trong nước. Đơn cử, với các loại nông sản hiện nay, chúng ta tự hào khi xuất khẩu một container nông sản nào đấy ra nước ngoài, tại sao chúng ta lại không tự hào khi những trái cây ngon như thế xuất hiện trên các kệ hàng ở siêu thị trong nước? Tại sao chúng ta không làm được điều đấy? Tại sao không kiểm soát tốt lưu thông ra thị trường?
Đó là những vấn đề cần giải quyết. Tôi biết, Bộ Công thương có chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt, nhưng thông điệp tại đó về chất lượng, xuất xứ lại chưa rõ. Tôi nghĩ, mỗi điểm bán, mỗi địa phương cần thông tin rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng thông qua bên thứ ba, như truy xuất nguồn gốc, giám định chất lượng… Như thế, người tiêu dùng sẽ an tâm và sẵn sàng đón nhận. Và trong chừng mực nhất định, đối với các sản phẩm thiếu các loại giấy tờ đạt chuẩn, siêu thị có thể giới thiệu ở khuôn viên phía ngoài khu bán hàng chính thức, như cách làm của hệ thống siêu thị BigC.
- Có một thực tế là việc kinh doanh ngay trên "sân nhà" của nhiều doanh nghiệp lại rất khó khăn, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
- Tôi không dùng cụm từ "doanh nghiệp Việt Nam quay lại với thị trường nội địa" bởi tôi cho rằng, đấy là sai lầm trong định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Bài học kinh nghiệm từ ngành thủy sản là minh chứng rõ nét, trong nhiều năm qua, chúng ta tìm mọi cách để xuất khẩu nhưng với giá trị không hề cao. Nhưng khi doanh nghiệp thủy sản sản xuất sản phẩm để bán trong nước, lại rất hiệu quả. Hay với vải thiều Lục Ngạn, trước đây hoàn toàn xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch, phụ thuộc thương lái Trung Quốc, nhưng lại có lợi ích không cao. Gần đây, với sự nỗ lực của tỉnh Bắc Giang, vải thiều hoàn toàn yên tâm để tiêu thụ trong nước với các sản phẩm tươi ngon, chất lượng, giá cả ổn định. Vải thiều cũng đã được xuất khẩu chính ngạch mang về lượng ngoại tệ đáng kể.
- Có quan điểm cho rằng đã đến lúc cần "đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt" thay vì chỉ đơn thuần đi vận động, ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Hoàn toàn đúng! Chúng ta đừng kêu gọi, mà chính các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức hội nghề nghiệp… cần chủ động tạo cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng hóa có chất lượng tốt, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng tại nhiều hội chợ thương mại hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, sản phẩm toàn là từ bên kia biên giới, chất lượng thấp, không thuyết phục được người tiêu dùng. Vấn đề ở đây là chúng ta không thể chỉ có nói, chỉ vận động mà phải là hành động.
- Ông có thể nói rõ hơn về hành động và vai trò quản lý của nhà nước trong triển khai các chương trình này?
- Để hành động đạt hiệu quả, sẽ cần một khoản kinh phí không hề nhỏ, cho nên huy động nguồn lực của xã hội thông qua cơ chế hợp lý là một điều cần làm; nhiều quốc gia đã làm như vậy. Thí dụ, có thể thông qua các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp để hỗ trợ phương tiện vận chuyển đưa nông sản từ các khu vực khác nhau đến với các khu công nghiệp, gia tăng kết nối giữa người tiêu dùng và vùng sản xuất, từ đó tăng mức độ tiêu thụ.
Về vai trò quản lý nhà nước, tôi cho rằng, có hai vai trò chính. Trước tiên là tìm cách huy động, tập trung được nguồn lực hàng hóa. Hiện nay nhiều sản phẩm Việt đang được sản xuất một cách manh mún, tập trung ở một vài thời điểm mà nhu cầu chưa chắc đã cao, và ngược lại. Rõ ràng, ở đây có vai trò điều phối của chính quyền địa phương.
Tiếp theo là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu không kiểm soát nghiêm ngặt, để sản phẩm kém chất lượng lẫn vào sản phẩm tốt, người tiêu dùng sẽ lại mất lòng tin.
- Trân trọng cảm ơn ông!