Cao quý thay sự nghiệp “trồng người”!

|

Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ sự tăng trưởng bền vững đất nước đang là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, là “đột phá khẩu” trong chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Ngạn ngữ Việt Nam có những câu nằm lòng trong nhiều thế hệ: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”, “tiên học lễ, hậu học văn”. Đây chính là sự tổng kết sâu sắc của ông cha ta từ ngàn xưa, luôn đề cao giá trị cao đẹp của người thầy giáo; suy rộng ra là vai trò dạy cách ứng xử văn hóa giữa thầy và trò, giữa con người với con người, giữa nhà trường với xã hội... Thầy nhận thức đúng vai trò “đưa đường chỉ lối”, “chở khách qua sông”. Trò tiếp nhận ở thầy tri thức, đạo làm người, luôn mang nặng công ơn người chèo thuyền, dù chỉ một lần qua bến...

Từ ngày lập nước Việt Nam mới, đã gần 70 niên học trôi qua. Hàng chục vạn cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp “trồng người” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ học sinh ghi nhận công lao to lớn của các thế hệ cô giáo, thầy giáo đã tận tâm, tận lực đào luyện hàng triệu cán bộ, đã và đang hoạt động có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là đã giáo dục, rèn luyện hàng triệu người mang lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến giành và giữ độc lập, thống nhất non sông; và hôm nay đây, đang lao động, công tác hăng say, vượt lên mọi khó khăn, thách đố, khát khao sáng tạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi đất nước ta cần phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ sự tăng trưởng bền vững đất nước đang là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, là “đột phá khẩu” trong chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Hơn bao giờ hết, sự nghiệp “trồng người” có nội dung mới, yêu cầu mới đối với nhà trường thuộc các cấp học, trong đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục càng đóng vai trò đặc biệt. Trong sáu nhiệm vụ lớn và cấp bách nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) mới đây, ghi rõ nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” trong thời kỳ mới, mà trọng tâm là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu lớn lao ấy, mỗi trường học phải là trung tâm văn hóa kiểu mẫu; ở đó, người thầy giáo là hình mẫu của sự tận tâm, tận lực truyền tri thức và nhân cách sống đẹp cho học trò; ở đó, người học nhận thức rõ học để làm người, học để phục vụ nhân dân, đất nước; ở đó, mối quan hệ giữa thầy và trò là quan hệ thân thiện, thầy hết lòng yêu thương, chỉ dẫn học sinh; trò luôn kính trọng, cầu thị tiếp thu tri thức và không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, khắc phục mọi hành vi ích kỷ, thực dụng, tùy tiện, vô tổ chức, kỷ luật...

BÁC HỒ dạy: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Có tài mà không có đức thì sinh hư hỏng, thậm chí đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Trái lại, có đức mà không có tài thì thực hành công việc không mang lại hiệu quả như mong muốn. Những phẩm chất làm nên đức - tài ấy, “phần nhiều do giáo dục mà nên” - như Bác Hồ đã tổng kết.

Vinh quang thay những cô giáo, thầy giáo đã và đang nhận thức và thực hành sứ mệnh cao đẹp, thiêng liêng đó!