Bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm

|

NDO - Được xem là quốc gia có sự đa dạng về sinh học với khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới, song nước ta lại được xếp vào nhóm 15 quốc gia hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu về suy giảm số loài thực vật và lưỡng cư. Đáng chú ý là số loài bị đe dọa ở mức độ toàn cầu không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về mức độ đe dọa - cảnh báo này đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra. Trong danh sách đỏ của IUCN năm 1996, có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp, năm 2004 là 46 loài, và năm 2010 tăng lên tới 47 loài. Trong số những loài mới bị xếp hạng có bò rừng, soi đỏ, voọc vá chân nâu, và voọc vá chân đen.

Báo cáo về tình hình bảo vệ động vật hoang dã thế giới của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) mới đây đã đánh giá việc tuân thủ và thực hiện cam kết CITES về hổ, tê giác và voi trên 23 quốc gia toàn cầu đã nhận định, Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi đáng lo ngại nhất. WWF nhận định về hệ thống pháp luật và thực thi luật của một số nước trong đó có Việt Nam là “không đáng tin cậy và thiếu khách quan”. Những đánh giá có thể nói là “tiêu cực” của các tổ chức quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam đã và đang đặt ra những câu hỏi về hiệu quả trong biện pháp đấu tranh cũng như xây dựng thể chế pháp luật để bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi giết hại, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã của Việt Nam, đó cũng là mục đích hướng tới của tiêu điểm “Bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm” của NDHT số tháng 12 này.

Xin chia sẻ thông tin cùng bạn đọc!

* Trước mắt vẫn khó thực hiện

* Truy tận gốc, cắt cả ngọn

* Lo ngại động vật quý hiếm bị vạ lây

* Cả nước chỉ có một trung tâm cứu hộ đúng nghĩa!

* Càng phát hiện loài mới, càng bị tiệt chủng

* 80% xương bò, sừng trâu trong “thần dược”

* Ước mong không thành hiện thực