Lo ngại động vật quý hiếm bị vạ lây

|

NDO - Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới ban hành, có hiệu lực từ 9-11-2012 cho phép khai thác 160 loài thú rừng phục vụ thương mại khiến các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên, chủ rừng, các nhà khoa học lo ngại nhiều loài thú quý hiếm ngoài danh mục này cũng bị vạ lây.

CHỦ RỪNG KHÔNG ĐƯỢC KHAI THÁC

Thông tư đưa ra danh mục động vật rừng thông thường gồm 160 loài được phép khai thác từ tự nhiên và nuôi với mục đích thương mại. Có thể kể một số loài như thỏ nâu, thỏ rừng trung hoa, cầy tai trắng, cầy vòi hương, lửng chó, chồn bạc má bắc, lửng lợn, lợn rừng, hoẵng (mang), nai, hươu sao, dúi nâu, don, gà rừng, bìm bịp lớn...

Thông tư quy định, các loài động vật rừng thông thường có thể được khai thác bằng săn, bắt, bẫy, bắn và những hoạt động khác để lấy ra khỏi nơi cư trú tự nhiên các cá thể còn sống, trứng hoặc ấu trùng của chúng. Còn mục đích thương mại cũng được quy định rõ là những hoạt động khai thác, nuôi, trao đổi, dịch vụ hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại mẫu vật nhằm thu lợi nhuận. Về điều kiện khai thác, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp; Sử dụng công cụ, phương tiện phải bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, không gây tổn hại sinh cảnh và môi trường và phải được sự đồng ý của chủ rừng. Tuy nhiên, không khai thác vì mục đích thương mại trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Tổ chức, cá nhân khai thác không được đồng thời là chủ rừng.

Đối với động vật rừng thông thường đã nuôi trước thời điểm thông tư ban hành thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực, người đang nuôi phải lập bảng kê gửi ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở nuôi để được xác nhận.

CẦN TÍNH TOÁN KỸ

PGS, TS Nguyễn Xuân Đặng, Phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng việc ban hành thông tư này là cần thiết vì đây là công cụ để xử lý vi phạm hàng loạt trong khai thác và nuôi động vật rừng thông thường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát và hậu kiểm phải hết sức chặt chẽ, nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy, như việc lợi dụng vào rừng khai thác động vật thông thường rồi tiện thể săn bắt luôn động vật hoang dã.

Mặc dù quy định không được khai thác thú rừng vì mục đích thương mại trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng ông Đào Duy Phiên, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), nhận định sẽ rất khó trong quản lý và bảo vệ sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia. Bởi lẽ, khi cho phép người dân vào rừng khai thác các loại động vật, do ý thức tự giác chưa cao nên gặp loài nào cũng bắt, dẫn đến nhiều loài động vật nằm trong danh mục cấm sẽ bị ảnh hưởng. Đồng quan điểm này, ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) cho rằng: “Chung quanh các khu rừng đặc dụng đều là miền núi, người dân chủ yếu là dân tộc ít người, nếu cho phép khai thác các loài động vật rừng theo Thông tư 47, họ sẽ lợi dụng săn bắt các loài động vật quý hiếm khác. Tôi nghĩ, chủ trương của Bộ NN&PTNT không sai nhưng trong điều kiện ý thức của một số người dân chưa cao thì việc thực hiện cần cân nhắc kỹ để tránh những tác động không tốt”.

* Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên lo lắng: Trên thực tế, các cơ quan chức năng địa phương rất hạn chế trong việc định dạng chính xác các loài; những người khai thác, buôn bán, nhân nuôi vì mục đích thương mại lại càng thiếu kiến thức này. Vì vậy, việc khai thác và nhân nuôi vì mục đích thương mại chỉ nên hạn chế ở một số nhóm loài dễ dàng phân biệt, kể cả khi sống và chết. Còn một số loài có đặc điểm gần hay tương tự nhau như chim, cầy, chồn, rắn, thằn lằn... rất khó phân biệt thì chỉ nên cho khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học.

* Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cũng băn khoăn cho rằng, Thông tư 47 đáp ứng được nhu cầu xã hội khi cho khai thác mục đích thương mại một số loài động vật rừng nhưng làm không cẩn thận thì rất nguy hiểm. “Nhất thiết chúng ta phải có hướng dẫn, giải thích cho người sử dụng, người khai thác biết động vật đó như thế nào bởi vì không chỉ người dân mà ngay nhà quản lý cũng khó biết hết được các loài. Chỉ có các nhà khoa học mới có thể biết được. Mặt khác, 160 loài thông thường đó, chúng ta phải xem số lượng đó hiện còn thế nào, phải kiểm soát chặt số lượng, chứ không phải cứ muốn khai thác là được, nếu không thì nguy cơ một vài năm nó sẽ trở thành loài quý hiếm và vào sách đỏ ngay. Trước mắt, cơ quan chức năng phải có in ảnh, tờ rơi để nhận biết và phân biệt các loài, tổ chức các lớp hướng dẫn để nhận dạng các loài, sự phân bố của chúng, tránh việc khai thác nhầm như dư luận lo ngại, GS Huỳnh đề xuất.