Thương mại hóa 5G - cơ hội lớn và thách thức không hề nhỏ

|

Với mục tiêu mang lại trải nghiệm Internet siêu tốc và mở ra kỷ nguyên công nghệ mới, các nhà mạng di động Việt Nam đang tăng tốc thử nghiệm và triển khai thương mại hóa 5G trên cả nước.

Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức sáng 26-12, các nhà mạng đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về tốc độ triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hiệu quả và đổi mới ở các ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển, và Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh...

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, coi đây là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT-TT đã đưa ra chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước tiến nhanh trong công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào các định hướng quan trọng.

Trong đó, phổ cập cáp quang tốc độ cao và phủ sóng 5G trên toàn quốc là những ưu tiên hàng đầu. Cho đến thời điểm này, các nhà mạng Việt Nam đã thương mại hóa 5G và đang nỗ lực triển khai 5G phục vụ cho người dân và ứng dụng vào các ngành kinh tế.

Đại diện các nhà mạng và các phóng viên trao đổi tại cuộc tọa đàm

Tại tọa đàm, ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel khai trương mạng di động 5G vào tháng 10-2024. “Chúng tôi đã đạt được 3 triệu thuê bao 5G sau 2 tuần và đến nay sau 2 tháng, số lượng thuê bao 5G của Viettel là 4 triệu. 4 triệu thuê bao này tương ứng với 70% các thiết bị đầu cuối 5G trong vùng phủ của 6.500 trạm BTS 5G”, ông Lê Bá Tân chia sẻ.

Qua 2 tháng triển khai, trung bình mỗi thuê bao 5G của Viettel tiêu thụ khoảng 21GB data mỗi tháng, gấp 1,7 lần so với thời gian đầu cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng các dịch vụ 5G được nhận định sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2025. Theo ông Lê Bá Tân, hiện có khoảng 10 triệu thuê bao Viettel trên toàn quốc có thiết bị đầu cuối 5G, trên tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Điều này cũng đồng nghĩa dư địa tăng trưởng thuê bao 5G của Viettel còn khoảng 6 triệu thuê bao đã sẵn sàng.

Ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel phát biểu tại tọa đàm

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, Viettel ưu tiên những đơn vị đang có nhu cầu sử dụng mạng 5G như khu công nghiệp, sân bay, bến cảng... Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ "phôi thai" một số doanh nghiệp đang sử dụng mạng 5G.

Hiện Viettel đang làm việc với khoảng 100 doanh nghiệp để cùng thử nghiệm, cho ra được các giải pháp số cung cấp cho doanh nghiệp. Viettel cũng đã xây dựng 2 phòng thí nghiệm tại Hà Nội và TPHCM. Đây là nơi các nhà phát triển ứng dụng 5G có thể đến để thử nghiệm sản phẩm, tránh việc khi ứng dụng vào thực tế có thể nhiễu tần số, hay giao thức IoT không chạy. Không gian này được tạo dựng nhằm giúp các doanh nghiệp có môi trường phù hợp để phát triển ứng dụng 5G phù hợp với Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho hay, việc thương mại hóa 5G sẽ giúp VNPT khẳng định với Chính phủ, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân về việc sẽ mang lại các giá trị mới. “Công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như cloud, AI, big data... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới”, đại diện VNPT nói.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Ban Công nghệ Tập đoàn VNPT phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, thách thức lớn nhất là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. Những điều này là thách thức rất lớn trong việc quyết định và triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp. VNPT mong muốn có sự tham gia đồng hành của các cấp, các bên liên quan, đặc biệt là truyền thông rõ ràng đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp triển khai 5G dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, MobiFone hiện đã được cấp giấy phép băng tần C3 và đang nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G. “MobiFone sẽ sớm triển khai thương mại hóa 5G trong một vài tháng tới”, ông Nguyễn Tuấn Huy khẳng định. Đại diện MobiFone cho rằng, công nghệ 5G sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng đi cùng với đó là những thách thức rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần truyền thông để cả xã hội hiểu được về việc công nghệ này có thể mang lại những lợi ích gì.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Tuấn Huy khẳng định, cơ hội của 5G với nhà máy thông minh ở Việt Nam là rất lớn. “Theo khảo sát của VINASA tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TPHCM với 98 doanh nghiệp, 61% các doanh nghiệp này chưa tự động hóa gì cả, hoàn toàn làm bằng tay, 25% tự động hóa được một chút chút. Điều này cho thấy dư địa vẫn còn rất nhiều. Tổng cộng lại đến 86% các doanh nghiệp gần như chưa tự động hóa gì cả. Ở mảng thông minh hóa còn thấp hơn nữa, 25% các doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối, thông minh trong dây chuyền sản xuất. Lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ.

Do vậy chúng ta toàn sản xuất thủ công chứ chưa có nhà máy thông minh, toàn gia công cho thế giới về may mặc, da giày. Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất nhiều. Cơ hội là như vậy, tuy nhiên nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất thấp. 5G chỉ là công nghệ kết nối, còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số. Để làm điều đó thì phải có sự đầu tư”, ông Nguyễn Tuấn Huy chia sẻ.