Đưa ứng dụng AI vào dự báo, cảnh báo mưa lũ cho đồng bằng sông Cửu Long

|

Chiều 25-12, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ tổ chức Hội thảo đánh giá về diễn biến lũ đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Giám, nguyên Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông tin: Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng phức tạp của nhiều yếu tố khí tượng thủy văn, bao gồm bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), gió mùa, và biến đổi khí hậu…

Những yếu tố này tác động đến quá trình mưa, lũ thượng nguồn và thủy triều, gây ra nhiều hệ quả cho khu vực. Cụ thể, khi bão hoặc ATNĐ xuất hiện, chúng mang theo lượng lớn mưa vào khu vực, gây ra lượng mưa đột biến. Điều này gia tăng nguy cơ lũ lụt ở thượng nguồn do mực nước sông dâng cao nhanh chóng…

Các chuyên gia báo cáo tại buổi hội thảo. Ảnh: THANH HIỀN

Ông Giám cho biết, mùa mưa lũ năm 2024 với nhiều diễn biến bất thường đã đặt ra những thách thức lớn cho công tác dự báo và phòng chống thiên tai. Để ứng phó hiệu quả với tình hình này, cần có sự đầu tư nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường công tác quan trắc, xây dựng các mô hình dự báo chính xác hơn. Đồng thời, đưa ứng dụng AI vào dự báo cảnh báo đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó - phòng chống thiên tai.

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH HIỀN

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang nhận định, công tác dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kết quả dự báo có tính chính xác cao sẽ góp phần hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, công tác dự báo lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng Tứ giác Long Xuyên hiện nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả dự báo.

“Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các mô hình dự báo lũ phù hợp với điều kiện địa lý, địa hình, dòng chảy sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tổ chức nghiên cứu thực tế khu vực thượng nguồn sông Mekong để nắm bắt về điều kiện địa lý, đặc điểm địa hình, dòng chảy và hệ thống công trình ở thượng nguồn nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác dự báo lũ sông Cửu Long”, ông Ninh nêu.

Tại hội nghị, chuyên gia Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ trình bày về mô hình AI để thực hiện dự báo thời mưa.

Người lao động thu gom, tái chế rác thải đối mặt nhiều rủi ro

Mô hình tín chỉ carbon là giải pháp đột phá để giảm phát thải