Chứng khoán “xanh vỏ, đỏ lòng”

|

Mặc dù VN-Index giữ được sắc xanh trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng.

VN-Index phiên cuối tuần ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tục

Sau phiên bùng nổ hôm trước, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch mở phiên giao dịch 3-11 tiếp tục đà kéo VN-Index tăng liền 6 điểm, nhưng sau đó quay đầu giảm khoảng 4 điểm. Mặc dù phiên chiều hàng bắt đáy 2 phiên trước về nhưng thị trường hấp thụ lực cung khá tốt.

Hôm nay là ngày Quỹ ETF cơ cấu danh mục nên nên thị trường rung lắc mạnh cuối phiên, nhưng VN-Index vẫn chốt phiên trong giá xanh mặc dù số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu MWG tăng 5,27%, SAB tăng 4,07%, TCB tăng 5,62% và bộ 3 nhà Vingroup cũng đồng loạt tăng, trong đó VRE tăng 4,95%, VIC tăng gần 1% và VHM tăng 1,38% góp phần kéo chỉ số.

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi trần hàng loạt trong phiên trước thì đã có sự phân hóa mạnh. Nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng là CTD tăng trần, CII tăng 4,18%, DRH tăng 3,97%, NVL tăng 3,93%, DXS tăng 3,34%, DIG tăng 1,36%, PDR, DXG, NBB tăng gần 1%. Ngược lại, KDH giảm 2,67%, HDG giảm 1,22%, HQC giảm 1,54%, IDC giảm 1,1%; HDC, KBC, SZC giảm gần 1%...

Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự phân hóa nhưng sắc đỏ nhiều hơn: VDS giảm 1,74%, HCM giảm 1,46%, MBS giảm 1,08%, OGC giảm 1,77%, VND, SHS giảm gần 1%... Ngược lại, SBS tăng 1,56%; VCI, ARG, ORG tăng gần 1%...

Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn nghiêng hẳn về sắc đỏ: VPB giảm 2,46%, MBB giảm 1,69%, ACB giảm 1,12%, SSB giảm 6,36%, STB giảm 1,72%; VCB, BID giảm gần 1%...

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,31 điểm (0,12%) lên 1.076,78 điểm với 253 mã tăng, 258 mã giảm và 63 mã đứng giá. Ngược lại, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ 0,22 điểm (0,1%) còn 217,75 điểm với 86 mã giảm, 80 mã tăng và 56 mã đứng giá.

Thanh khoản tương đương với phiên trước, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường gần 17.600 tỷ đồng, trong đó sàn HOSE chiếm gần 15.500 tỷ đồng.

Điểm tích cực là khối ngoại đã chấm dứt chuỗi bán ròng trước đó, quay lại mua ròng 265 tỷ đồng trên sàn HOSE.