IFC hỗ trợ OCB thực hiện chuyển đổi xanh

|

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

OCB và IFC đã chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số

Chiều 2-4, OCB và IFC đã chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME.

Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Mối quan hệ hợp tác giữa OCB – IFC đã được thiết lập từ năm 2011 thông qua nhiều chương trình. Trong năm 2023, OCB đã nhận thêm khoản vay 100 triệu USD từ IFC, với kỳ hạn 5 năm nhằm mở rộng cho vay doanh nghiệp SME tại Việt Nam.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, trong bối cảnh Việt Nam cần dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng giá trị cao và ít phát thải carbon, phát triển bền vững là trọng tâm các hoạt động của IFC tại đây.

Chương trình hợp tác mới với OCB là một phần trong nỗ lực của IFC giúp xanh hóa khu vực tài chính nhằm hướng nguồn vốn đến các dự án khí hậu và các doanh nghiệp SME, từ đó thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng các cơ hội kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, đã xây dựng các chuẩn mực xanh trong hoạt động từ nhiều năm trước nhưng trong năm 2024, ngân hàng quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung với 3 trụ cột liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường.

“Thời gian qua, OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng. Trong khi đó, đến 30-6-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế”, ông Tùng cho hay.