Giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có tính toàn dân, toàn diện, bao trùm

|

NDO - Sáng 11/12, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội; thường trực ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948 -10/12/2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua vào ngày 19/8/2024.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu “mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”. Nói một cách khác, trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong ước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới”.

Hội nghị nghe báo cáo Tổng kết 7 năm triển khai thực hiện Đề án do đại diện Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày; ý kiến phát biểu của đại diện 4 bộ/ngành tham gia ban điều hành Đề án (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và đại diện một số tỉnh, thành phố trong cả nước trình bày.

Đại biểu tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Kết quả của Hội nghị là căn cứ quan trọng để có cơ sở trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo khi Đề án kết thúc vào năm 2025.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quyền con người đi đôi với giáo dục quyền con người, phải bảo vệ quyền con người như thế nào, giáo dục quyền con người ra sao, là hai mặt song song của quá trình; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội, qua đó giúp mọi người nâng cao nhận thức hiểu biết, có ý thức tự bảo vệ các quyền của thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền tự do của người khác, ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội. Có thể nói, quyền con người và giáo dục là trung tâm, chủ thể của phát triển con người. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là hai mặt song song của quá trình; đây không phải là vấn đề của riêng chúng ta mà là mang tính toàn dân, toàn diện và mang tính toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Chúng ta đã đề ra 2 mục tiêu 100 năm: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao, đến năm 2025 là nước phát triển có thu nhập cao. Tất cả mục tiêu bao gồm 3 nội hàm chính, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói không được để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế-xã hội; chúng ta xác định “điểm nghẽn của điểm nghẽn” chính là thể chế, xác định “đột phá của đột phá” chính là thể chế chính sách vì thể chế, chính sách là động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Chính phủ đã ban hành các chủ trương, kế hoạch, nội dung... để thực hiện quyền con người và giáo dục quyền con người. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng là bảo vệ, giáo dục quyền được sống, quyền được tự do của con người. Con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lưới an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, hội nhập. Chính sách công bằng xã hội là chính sách con người; đặc biệt là tiếp cận bình đẳng về giáo dục và y tế.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, về quan điểm, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, có tính bao trùm, toàn diện và của cả nước. Đối với Việt Nam, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có tính toàn dân, toàn diện, bao trùm; bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người đặt sự dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của người dân; đây là chương trình chính thức chứ không phải là kết hợp, được đặt trong tổng thể nền giáo dục của chúng ta, trên quan điểm lấy “học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng”; thực hiện việc học tập suốt đời, xã hội học tập. Thủ tướng đề nghị sẽ thực hiện tổng kết Đề án này, việc tổ chức thực hiện, hướng sắp tới sẽ ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư, và sẽ xây dựng Đề án mới của Chính phủ để thực hiện cho giai đoạn 2026-2030.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: đối với việc bảo đảm quyền con người: Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, giám sát và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội. Tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.

Theo Thủ tướng, quyền con người của Việt Nam thể hiện ở: được bảo đảm quyền con người, được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh. Quyền con người của Việt Nam được tự do, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của bản thân và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, xã hội; Người Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày càng tăng theo từng năm, phải bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

Đối với việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho năm 2025, bảo đảm thực chất, không hình thức, chủ nghĩa thành tích; làm việc nào dứt việc nào. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các tài liệu giáo dục, giáo trình, sách tham khảo phù hợp từng nhóm đối tượng bảo đảm tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu, gắn kết lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế, phù hợp điều kiện của Việt Nam, phù hợp truyền thống lịch sử, văn hóa; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về sử dụng giáo trình, các tài liệu giáo dục quyền con người trong các cấp học; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quyền con người, phát triển đội ngũ chuyên gia, giáo viên giảng dạy quyền con người; hoàn thành việc triển khai đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các sơ sở giáo dục trong năm học 2025-2026 để giai đoạn mới sẽ nâng cấp lên một bước.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực để các cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công. Tăng cường tuyên truyền về bảo đảm quyền con người và giáo dục quyền con người tại Việt Nam, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, những người bất mãn chính trị về quyền con người. Chủ động tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017-2025; đồng thời nghiên cứu trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng nêu rõ, ngày 18/10/2024, Bộ Chính trị có kết luận, chỉ đạo một số nội dung về Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng một số bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Kết luận này.

Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này. Chúng ta tin tưởng rằng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác bảo vệ quyền con người sẽ đạt kết quả tốt đẹp, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giàu mạnh và thịnh vượng.