Xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Chính sách chưa đủ sức hấp dẫn

|

Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10%-16%/năm. Trong khi đó, giải pháp xử lý bằng cách chôn lấp đã trở nên quá lạc hậu, không phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường. \r\n

Tỷ lệ chôn lấp chất thải chiếm 71%

 Theo Bộ TN-MT, trong những năm qua, khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng tăng, với tính chất và thành phần phức tạp. Năm 2021, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước khoảng 51.585 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 30.807 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 20.778 tấn/ngày. Lượng thu gom CTRSH vẫn tăng hàng năm nhưng do lượng phát sinh lớn, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH, tại nhiều địa phương còn thấp. Phần lớn lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 71%), nhưng chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho chôn lấp rác tại các địa phương ngày càng hạn hẹp. 

Theo lý giải của ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Bộ TN - MT, công tác quản lý CTRSH còn hạn chế là do văn bản pháp luật bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, nhiều văn bản chồng chéo, trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng giữa các ngành, các cấp. Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư cho việc quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa do cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này còn thấp. Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý rác để áp dụng, do đó các địa phương gặp lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý. 

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng nhằm phát huy tối đa giá trị từ rác thải chưa được chú trọng. Đặc biệt, công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu vẫn là chôn lấp; sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khu xử lý chất thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM

Cần đầu tư công nghệ xử lý

 Theo một số chuyên gia về môi trường, hiện nay công nghệ xử lý rác rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên chính sách hiện hành chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ những vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Thạc sĩ quản lý môi trường Nguyễn Quốc Công, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nêu ý kiến, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản trong việc quản lý CTRSH. Chẳng hạn, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho bảo vệ môi trường chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, chưa kể những bất cập trong phân bổ nguồn vốn giữa trung ương và địa phương. Đồng thời, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực xử lý CTRSH do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn và chưa đồng bộ, đầy đủ. 

Tính hấp dẫn của các dự án xử lý CTRSH chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn… Để giải quyết những tồn tại này, ông Nguyễn Quốc Công đề xuất một số giải pháp như: cần đẩy mạnh công tác phân loại CTRSH tại nguồn; thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân; đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa theo nguyên lý “các bên cùng thắng”; dành một khoản ngân sách cho đầu tư “mồi” đủ hấp dẫn để đầu tư tư nhân cùng tham gia. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động đề xuất loại hình công nghệ khả dụng để triển khai dự án đầu tư tại vị trí phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đất đai, vốn, công nghệ phù hợp.  

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương, cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên chính quyền các địa phương, doanh nghiệp gặp lúng túng. Nhà nước khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi, thực thi như thế nào? Khuyến khích ưu đãi nhưng lại chưa nêu cụ thể ưu đãi những gì. Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau (ODA, vốn tư nhân…) nhưng kết quả không đi đến đâu. Thậm chí có nhà máy sau một thời gian vận hành thì dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa.

“Bộ Tài chính cần xây dựng khung giá cho xử lý rác, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ - như ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm; bảo trợ, hỗ trợ, bù giá để giảm giá thành sản phẩm tái chế, giúp thị trường dễ tiêu thụ; cần khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác. Bộ TN-MT cần tham mưu trình Chính phủ quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo thuận lợi để đạt mục tiêu xử lý rác đã được đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, ông Nguyễn Văn Thiền kiến nghị.

Sử dụng túi đo lượng rác để tính tiền

Chia sẻ kinh nghiệm phân loại rác tại nguồn ở Nhật Bản, ông Hideki Wada, đại diện Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Planning), cho biết, Nhật Bản thực hiện phân loại rác tại nguồn từ rất sớm và theo giai đoạn. Giai đoạn 1 (1970-1980), tập trung phân loại rác cho lò đốt (rác đốt được và không đốt được). Giai đoạn 2 (1980-1990), phân loại rác để giảm thiểu tái chế, giảm thiểu rác đốt được và không đốt được; ban hành giải pháp theo từng mốc thời gian cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp đó, sử dụng các loại túi rác để đo lượng chất thải, từ đó quy ra số tiền phải trả cho dịch vụ vệ sinh môi trường. Túi rác nhỏ thì số tiền phải trả thấp, và túi rác lớn thì số tiền phải trả cao hơn. Khi áp dụng hệ thống thu gom bằng túi, người dân sẽ có ý thức hơn, xả ra ít rác hơn, từ đó chi phí thu gom và xử lý cũng giảm.

Ông Hideki Wada dẫn ví dụ tại thành phố Machida, Tokyo, tác động của phương pháp này khiến khối lượng rác thu gom giảm rõ rệt, từ 1.044gram/người/ngày xuống 950gram/người/ngày.