Ưu tiên giải quyết vấn đề thoát nước đô thị

|

Tại hội thảo “Hạ tầng xanh cho phát triển bền vững đô thị và nông thôn” do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 18-1, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp phát triển hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề thoát nước đô thị.

Hội thảo “Hạ tầng xanh cho phát triển bền vững đô thị và nông thôn” do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 18-1

Thông tin từ hội thảo cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa toàn quốc tăng nhanh những năm gần đây, tuy nhiên, các giải pháp xây dựng hạ tầng xanh vẫn còn khá mới mới mẻ. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức còn chưa có đầy đủ thông tin, lợi ích của việc xây dựng hạ tầng xanh.

Hiện các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang đăng ký triển khai kế hoạch phát triển thành phố thông minh, theo xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch và phát triển đô thị. Để đồng bộ hạ tầng đô thị thông minh và hạ tầng đô thị xanh, cần một lộ trình cụ thể và đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp về giao thông xanh, cấp thoát nước xanh, hành lang xanh, công trình xanh... tại khu vực đô thị và nông thôn. PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần ưu tiên giải quyết vấn đề thoát nước đô thị, đồng thời giới thiệu một số mô hình thoát nước góp phần giảm thiểu ngập úng đô thị.

Cụ thể, mô hình thoát nước bền vững (SUDs) là hướng tới việc duy trì đặc thù tự nhiên của dòng chảy. Nước mưa sẽ được thoát chậm bằng cách sử dụng hồ điều hòa lưu giữ, sử dụng bề mặt thành phố thông qua các thảm cỏ xanh; sử dụng kênh mương nhỏ...

Hiện các mô hình và giải pháp tương tự dựa vào thiên nhiên để phát triển đô thị có khả năng chống chịu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang được đề xuất áp dụng ở Việt Nam như TPHCM, Kiên Giang, Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên. Tương tự, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái tự nhiên do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ đang triển khai tại Đồng Hới (Quảng Bình).

Mô hình “Thành phố bọt biển - Sponge City”cũng là một giải pháp hay, đang được thực hiện tại 30 thành phố của Trung Quốc và một số thành phố của Đức. Đây là mô hình thông qua sự kết hợp giữa quy hoạch đô thị và khả năng xây dựng. Cơ sở của thành phố bọt biển là điều phối một cách có hệ thống về số lượng và chất lượng nước, qua đó giảm thiểu lũ lụt đô thị, kiểm soát ô nhiễm dòng chảy, cải thiện môi trường nước và phục hồi sinh thái nước đô thị.