Đẩy mạnh hơn cơ chế cho vay dựa trên tín nhiệm

|

NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đẩy mạnh hoạt động cho vay dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng.\r\n

Trong báo cáo phục vụ hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô, chất lượng nên vốn trung hạn, dài hạn của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng với tỷ trọng khá lớn (khoảng 49,8% tổng dư nợ).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép, rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng, gây mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn.

Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường vốn trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu; tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm.

Ở góc độ NHNN, thời gian tới, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, qua đó tạo nền tảng hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán; điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng…

Cùng với đó, NHNN có cơ chế, chính sách thúc đẩy tính minh bạch trong giao dịch vốn tín dụng nhằm đẩy mạnh hơn nữa cơ chế tín chấp cho doanh nghiệp. NHNN đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng trao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét quyết định cho vay như: mức cho vay, lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm… Trong đó, việc đảm bảo tiền vay không phải là điều kiện bắt buộc đối với khách hàng; tổ chức tín dụng có thể quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng, đánh giá tính hiệu quả của phương án, dự án sản xuất kinh doanh cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật về tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đẩy mạnh hoạt động cho vay dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Theo NHNN, đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp đạt 4,2 triệu tỷ đồng, chiếm 53,44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,19% so với đầu năm 2019.