Thị trường tiền tệ: Ổn định 2019 tự tin 2020

|

(SGĐT)2019 có thể coi là năm thành công của chính sách tiền tệ khi cả tỷ giá và lãi suất đều rất ổn định, dù các diễn biến quốc tế không hoàn toàn thuận lợi. Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương giảm hàng loạt lãi suất điều hành và yêu cầu NHTM giảm lãi suất 0,5% trong tháng 11, tỷ giá tại NH vẫn đi ngang.\r\n

Ảnh minh họa

Lãi suất đã không phải hy sinh hỗ trợ tăng trưởng cho ổn định vĩ mô. Lãi suất huy động tại các NH lớn có xu hướng giảm so với cuối năm 2018, trong khi lãi suất liên NH giảm sâu.

3 nguyên nhân giúp ổn định 2019

Thứ nhất, cán cân thanh toán tổng thể dương. Dù xuất khẩu 2019 chậm lại nhưng tốc độ nhập khẩu giảm nhiều hơn, đã làm tăng thặng dư thương mại lên mức kỷ lục 9 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam ổn định, với tổng giải ngân vốn FDI và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cả năm ước đạt 30 tỷ USD. Kết hợp với lượng kiều hối về ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thường xuyên thặng dư, đã tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp bình ổn tỷ giá.

Thứ hai, nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) lớn. Hiếm có năm nào lượng tiền gửi của KBNN trong hệ thống NH lại cao như năm 2019. Đến cuối quý III, ước tính có trên 250.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại riêng 4 NHTM lớn. Thu ngân sách tăng ổn định trong khi chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư phát triển rất chậm.

Tính đến cuối tháng 10-2019, chi đầu tư phát triển từ ngân sách chỉ đạt 50% dự toán và giảm 4,8% so với cùng kỳ. Chính vì giải ngân vốn ngân sách chậm đã khiến nguồn tiền gửi của KBNN tăng mạnh, làm tăng thanh khoản của các NHTM. NHNN và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái để kiểm soát nguồn tiền gửi của KBNN, tránh xáo động mạnh cho thanh khoản hệ thống NH.

Một trong số đó là Thông tư 58/2019/BTC, theo đó tiền gửi không kỳ hạn của KBNN sẽ được quản lý tập trung về tài khoản của KBNN ở Sở giao dịch NHNN thay vì để tại các NHTM.

Thứ ba, NHNN đã rất linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ điều hành để vừa ổn định thị trường tiền tệ, vừa hỗ trợ tăng trưởng, gồm: (1) Tăng trưởng tín dụng được khống chế ở mức 14%, thấp hơn 2018 là 17%. Tăng trưởng tín dụng giữ ở mức vừa phải và thấp hơn tăng cung tiền, đã giúp thanh khoản của hệ thống NH luôn ở trạng thái tốt, từ đó giữ cho lãi suất luôn ổn định.

(2) Sử dụng công cụ thị trường mở để điều tiết thanh khoản hệ thống NH. Thống kê trong năm 2019, NHNN đã có lúc hút ròng khỏi hệ thống hơn 100.000 tỷ đồng bằng phát hành tín phiếu, nhưng cũng có thời điểm bơm ròng 160.000 tỷ đồng qua OMO để hỗ trợ thanh khoản. Lãi suất tín phiếu giảm 3 lần và lãi suất OMO giảm 2 lần trong năm, tạo tín hiệu rõ ràng cho thị trường về xu hướng điều hành lãi suất.

(3) NHNN giữ ổn định tỷ giá mua vào và điều chỉnh tỷ giá tham chiếu theo hướng tăng, tạo ra không gian thoải mái cho giao dịch ngoại hối. Tỷ giá mua vào của NHNN thường xuyên cao hơn tỷ giá mua của NHTM, đã khuyến khích NHTM bán ngoại tệ cho NHNN.

Những lý do để tự tin 2020

Về tỷ giá, sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp trong nước là nhân tố quan trọng giúp duy trì xuất siêu. Từ đây có thể kỳ vọng vào trạng thái thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, khi dòng tiền đầu tư FDI và FII sẽ tăng trưởng ổn định nhờ các IPO của các tập đoàn lớn. Việc giữ tỷ giá ổn định trong tầm tay nhưng sẽ khiến VNĐ tăng giá trong tương quan với các đối tác lớn.

Các quốc gia này vẫn đang mở rộng quy mô nới lỏng tiền tệ, đồng nội tệ của họ sẽ còn tiếp tục giảm giá, vì vậy về lâu dài sẽ tạo ra bất lợi nhất định cho hàng hóa Việt Nam nếu VNĐ vẫn giữ giá. Xét trong bối cảnh tổng thể cùng việc cân đối với quan hệ thương mại Việt - Mỹ, mức điều chỉnh của VNĐ trong năm 2020 nếu có sẽ nằm trong khoảng 1-2% và sẽ được điều chỉnh dần từng bước, tùy thuộc vào các diễn biến trên thế giới.

Về lãi suất, định hướng giảm lãi suất đã được phát ra chính thức từ cơ quan quản lý cao nhất. Chính sách tiền tệ năm 2020 tiếp tục được điều hành theo hướng hỗ trợ tăng trưởng do lạm phát 2020 dự báo không có nhiều biến động. Dự báo giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng tốc trong năm 2020, nên biến số tiền gửi KBNN, cùng biến số cung tiền từ mua ngoại tệ cho dự trữ sẽ được cân đối bằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, để cân bằng thanh khoản trong hệ thống NH.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2020 vì vậy có thể tương tự, thậm chí thấp hơn 2019 (14%). Nguồn vốn cho doanh nghiệp sẽ đến nhiều hơn từ thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu, mảng được dự báo tiếp tục phát triển nhanh trong 2020.

Về chính sách tiền tệ, chắc chắn sẽ nhất quán với lộ trình đang thực hiện. Thực tế trong những năm qua, chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng, không chỉ giúp ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, còn nâng cao sức khỏe của hệ thống NH. Sau giai đoạn xử lý NH yếu kém và nợ xấu, ngành NH đã bước vào giai đoạn tiếp theo là nâng chuẩn mực an toàn thông qua chuẩn Basel 2 cùng các tỷ lệ an toàn cao hơn (thí dụ giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn).

Các nhân tố chính trong thị trường tiền tệ 2020 sẽ tiếp tục ổn định và củng cố. Song những biến động từ chiến tranh thương mại vẫn là rủi ro cần theo dõi. Xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu sẽ đặt ra yêu cầu phải giảm lãi suất tại Việt Nam, cú hích để ngành NH tiếp tục có những cải cách sâu rộng hơn phù hợp với tình hình mới.

Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư, CTCK Sài Gòn (SSI)