Thị trường chứng khoán tăng trưởng nhờ vốn nội

|

Mặc dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nhờ có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nội nên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn phục hồi tích cực. \r\n

Hơn 52.000 tài khoản mở mới

Mặc dù TTCK phục hồi khá tốt trong tháng 4-2020, nhưng nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn tiếp tục bán ròng hơn 6.800 tỷ đồng. 2 tháng trước, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khối này đã đẩy giá trị bán ròng lên cao, tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư trên toàn thị trường. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị khối ngoại tập trung bán ròng mạnh nên đến cuối tháng 3-2020, VN-Index giảm gần 26%.

Ở 4 tháng đầu năm 2020, khối này chỉ mua ròng mạnh trong tháng 1, đặc biệt là khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, còn lại tập trung bán ròng. Theo đó, tính chung 4 tháng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 16.800 tỷ đồng (gần 716 triệu USD) với khối lượng khoảng 874 triệu đơn vị. Trong khi cả năm 2019, khối ngoại mua ròng 7.300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu sàn HOSE. Ảnh: CAO THĂNG
Diễn biến trên cho thấy, kể từ tháng 2 đến nay, bất kể thị trường giảm hay phục hồi, khối này vẫn duy trì trạng thái bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng trong mỗi phiên giao dịch, riêng ngày 20-3, con số  bán ròng lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Ghi nhận trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, khối này vẫn tiếp tục bán ròng 120 - 130 tỷ đồng/phiên. 

Ngược lại với dòng vốn ngoại liên tục rút ra khỏi thị trường, vốn nội đã nhập cuộc khá tốt sau khi VN-Index mất hơn 30% kể từ đầu năm tới khi kết thúc tháng 3. Sự nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước là nguyên nhân chính giúp TTCK Việt Nam trong tháng 4 phục hồi tích cực.

Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, trong tháng 3 và 4-2020, số lượng tài khoản mở mới là hơn 52.000 với giá trị tài sản ròng được ghi nhận từ 100 - 500 triệu/tài khoản. Một trong những nguyên nhân TTCK hút được dòng tiền nội vào trong thời gian qua được các chuyên gia cho biết, do TTCK giảm mạnh nên dòng tiền nhập cuộc bắt đáy.

Cùng với đó, thời gian giãn cách xã hội là cơ hội tốt để thu hút nhà đầu tư vào TTCK vì có thể ngồi nhà để thực hiện mua bán cổ phiếu. Thực tế cho thấy, dòng tiền mới của nhà đầu tư trong nước đổ vào TTCK trong bối cảnh khối ngoại liên tục rút vốn đã góp phần giữ vững và cải thiện tính thanh khoản.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dòng tiền này không bền vì nội lực của nhà đầu tư trong nước có giới hạn. Và, khi thị trường không có dòng tiền mới sẽ khó có thể duy trì được lực tăng trưởng bền vững.

Giá cổ phiếu rẻ là cơ hội

Ghi nhận thanh khoản trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 cho thấy, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, chỉ ở mức 3.700 - 4.000 tỷ đồng/phiên. Diễn biến này được nhận định, hiện nhà đầu tư trên thị trường khá dè dặt vì hiệu ứng “Sell in May and go away” (ngạn ngữ: Bán hết cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi) của giới kinh doanh (?!).

Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng, những gì xấu nhất đã phản ánh tương đối đầy đủ vào thị trường trước đó, vì vậy vào giai đoạn tháng 5, những áp lực điều chỉnh sẽ đỡ áp lực hơn. Bên cạnh đó, tháng 5 năm nay không còn là tháng của “vùng trũng” thông tin để ứng với câu ngạn ngữ trên, mà là thời gian đón thông tin kết quả kinh doanh, công bố tài liệu đại hội cổ đông của DN và thông tin chốt quyền cổ tức (do dịch Covid-19, nhiều DN dời đại hội cổ đông sang tháng 5).

Cùng với đó là kết quả chống dịch Covid-19 tại Việt Nam với những tín hiệu khả quan, vì vậy cơ hội hồi phục kinh tế càng nhanh hơn, giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn.  

Liên quan đến triển vọng TTCK thời gian tới, ông Don Lam, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, cho rằng TTCK Việt Nam điều chỉnh đáng kể trong quý 1, giảm hơn 30%. Mặc dù thị trường đã phục hồi ấn tượng trong tháng 4, nhưng giá bình quân cổ phiếu hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Hiện TTCK Việt Nam đang giao dịch với mức P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) khoảng 10,3 lần - mức rẻ nhất kể từ năm 2012 và thấp nhất trong khu vực. Đây chắc chắn là một cơ hội mua hấp dẫn cho nhà đầu tư. Theo đó, khi quá trình phục hồi bắt đầu, các nhóm ngành cơ bản sẽ được quan tâm. Các công ty có bảng cân đối tài chính lành mạnh và thị phần tốt sẽ tăng trưởng trở lại. 

Với 20 năm kinh nghiệm đầu tư tại TTCK Việt Nam và hiện VinaCapital đang đầu tư 5 tỷ USD vào TTCK Việt Nam, ông Don Lam cho rằng, việc đầu tư vào Việt Nam cũng giống như bất kỳ thị trường cận biên hay mới nổi nào khác, đều đi kèm với những rủi ro. Tuy nhiên, đầu tư vào TTCK Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn. Thời gian “hái trái mọc thấp” và kiếm tiền nhanh đã qua đi. Do đó, kiên nhẫn là điều quan trọng khi tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Ông Don Lam cũng khẳng định: Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là một điểm đến tuyệt vời cho việc đầu tư. Mặc dù việc hồi phục toàn cầu còn chưa xác định rõ được thời gian, nhưng Việt Nam đang ở một vị thế tốt để phục hồi nhanh chóng. Ngay cả khi dự báo GDP đã được điều chỉnh do tác động của Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và thế giới.

VN-Index tăng gần 14 điểm

Dòng tiền nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 7-5 khi Việt Nam có 21 ngày liên tiếp không có ca nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, kéo VN-Index tiến sát 800 điểm. Bất chấp khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tục kể từ đầu tháng 5 với 137 tỷ đồng trên toàn thị trường, dòng tiền nhà đầu tư nội vẫn chảy vào khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh như BID, VCB tăng hơn 3%, SAB tăng trần…, góp phần kéo VN-Index tăng gần 14 điểm. Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,95 điểm lên 796,54 điểm với 215 mã tăng, 130 mã giảm và 68 mã đứng giá.

Đóng phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,65 điểm lên 108,31 điểm với 78 mã tăng, 68 mã giảm và 66 mã đứng giá. Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao với 4.800 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 7.000 tỷ đồng phiên hôm trước do có giao dịch đột biến của cổ phiếu VHM. Tổng khối lượng giao dịch khoảng 301 triệu cổ phiếu.