Duy trì, củng cố yếu tố tích cực

|

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến hết tháng 8-2021 ước đạt 2.693.500 tỷ đồng, tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 6,31% so với cuối năm 2020 và tăng 13,23% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 5,78% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng tương ứng 0,97% và 13,61%. Đáng mừng là đến cuối tháng 7-2021, dư nợ cho vay của các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp và khu chế xuất đạt 187.588 tỷ đồng với 3.399 DN vay vốn, tăng 11,72% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm hơn 77% tổng dư nợ, tăng 18,64% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy nhu cầu vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh của các DN trong các khu công nghiệp và khu chế xuất vẫn tăng khá cao. Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cũng là dấu hiệu khả quan đến từ các DN có hoạt động xuất - nhập khẩu. 

Theo Cục Thống kê TPHCM, trong gần 8 tháng đầu năm nay, dù số dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đều giảm mạnh nhưng số vốn đăng ký bổ sung ở các dự án điều chỉnh lại tăng mạnh, tăng thêm 647,3 triệu USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm 48% tổng vốn tăng thêm với 311 triệu USD. 

Những dữ liệu trên là dấu hiệu khả quan của môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư của TPHCM dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng, nhưng huyết mạch của nền kinh tế là dòng vốn tín dụng vẫn có mức tăng khá, là dấu hiệu tích cực. Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 4,8%. Tuy vậy, WB vẫn có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế nước ta. Theo Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Rahul Kitchlu, tuy rủi ro có gia tăng nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và từ năm 2022 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP như trước đại dịch, ở mức từ 6,5% đến 7%. 

Để nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi vào nửa sau năm 2021, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc cần làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh thì nên quan tâm hơn nữa chính sách tài khóa, để dung hòa được nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và mong muốn giữ nợ công ở mức bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công được xem là nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Đây là lúc Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần điều tiết các nguồn lực quốc gia hợp lý hơn. Các nguồn lực quốc gia cần phải được phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn; đưa đến được những “địa chỉ” (dự án, công trình, địa phương) cấp thiết với tầm nhìn và lợi ích dài hạn.