Nhìn từ Bắc Ireland…

|

9 giờ sáng hôm qua 15-4 (giờ Hà Nội), khán giả Việt Nam đã được xem tập đầu tiên trong phần 8 - phần cuối cùng của bộ phim truyền hình đình đám Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) đồng thời được lên sóng kênh HBO tại 190 quốc gia.\r\n

Ra mắt từ năm 2001, bộ phim truyền hình này có thể nói là phim ăn khách nhất mọi thời đại, có nội dung xoay quanh cuộc tranh giành quyền lực giữa các gia tộc, với đủ những âm mưu hèn hạ, những sự phản bội lạnh gáy và cả nghệ thuật chính trị đan xen trong thế giới Westeros giả tưởng.

Đến mùa thứ 8, các nhà sản xuất của đài HBO đã tăng chi phí sản xuất mỗi tập lên 15 - 20 triệu USD để tạo những hành động, kỹ xảo mãn nhãn, kèm theo đó là cả núi tiền quảng bá đủ để khán giả màn ảnh nhỏ phát cuồng vì phim. 

Nhưng đáng nói hơn, không phải ai cũng biết là bộ phim đã thay đổi tận gốc cuộc sống ở Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) nhờ quyết định đúng đắn của chính quyền sở tại là “nhà nhà làm phim, người người làm phim”. 

10 năm trước, Bắc Ireland lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, các nhà máy bị đóng cửa, nông nghiệp đình đốn, thất nghiệp tràn lan, ngành du lịch mũi nhọn cũng không mấy khá khẩm. Rồi bỗng dưng có món quà trời cho, giống như trúng số Vietlott, khi Northern Ireland Screen, Hội Điện ảnh quốc gia, quyết định tạo những điều kiện ưu đãi nhất kể cả thuế và tín dụng cho kênh truyền hình cáp HBO quay bộ phim Trò chơi vương quyền tại những địa điểm khác nhau ở Bắc Ireland.

Và kết quả là đất nước bé nhỏ này đã thu được gần 206 triệu bảng Anh, chưa kể nguồn thu từ du khách lũ lượt kéo đến chỉ để chiêm ngưỡng ngôi báu sắt mà một nhân vật trong phim từng nói: “Nếu chúng ta không gạt hận thù sang một bên và liên minh lại với nhau thì bộ xương khô nào ngồi lên ngôi báu sắt cũng chẳng còn quan trọng nữa”.

Và trông người lại ngẫm đến ta, khi chúng ta có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ làm phim từ thiên nhiên có một không hai, đến con người tham gia các vai quần chúng hay vai phụ, nhưng đều bỏ qua. Ngày xưa thì sợ kịch bản “có vấn đề” nên nhiều bộ phim về chiến tranh Việt Nam, điển hình là bộ phim Trời và Đất của đạo diễn từng đoạt giải Oscar là Oliver Stone đều phải quay tại Thái Lan. Về sau, thời mở cửa, có khá hơn nhưng cũng chỉ có mấy bộ phim không quá nổi tiếng được thực hiện tại Việt Nam như Người tình của điện ảnh Pháp, quay tại Cần Thơ và TPHCM, phim Đông Dương cũng của Pháp - tại vịnh Hạ Long và Hà Nội, phim Người Mỹ trầm lặng của điện ảnh Anh - Mỹ có những cảnh cháy nổ quay tại khách sạn Caravelle và mới nhất là phim bom tấn Kong: Skull Island được quay ngoại cảnh ở Tràng An, động Phong Nha - Kẻ Bàng và vịnh Hạ Long. 

Điều đáng tiếc là một số cảnh thiên nhiên hoang sơ, những bối cảnh tuyệt vời cho công nghiệp điện ảnh giờ bị thu hẹp hoặc biến mất vĩnh viễn bởi sự ăn xổi ở thì khi cấp phép xây dựng tràn lan, phá đi những khu rừng nhiệt đới ít ỏi để làm “khu nghỉ dưỡng”… Kể ra không xiết và chỉ buồn cho ngành “công nghiệp không khói” lẽ ra có vị trí xứng đáng cho đóng góp GDP của đất nước.